xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng: Tòa nhà 8B Lê Trực xây vượt phép 16 m

T.Dũng-D.Ngọc

(NLĐO)- Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Hà Nội cho rằng chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây lên chiều cao thực tế khoảng 69 m, vượt khoảng 16 m, tương đương với 5 tầng.

 

Toà nhà số 8B Lê Trực nhìn từ Quảng trường Ba Đình - Ảnh: Nguyễn Hưởng
Toà nhà số 8B Lê Trực nhìn từ Quảng trường Ba Đình - Ảnh: Nguyễn Hưởng

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thay mặt lãnh đạo thành phố ký báo cáo về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án tại 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình, TP Hà Nội) gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Báo cáo đề ngày 30-9.

Không thuộc khu trung tâm chính trị Ba Đình

Về vị trí và nguồn gốc khu đất, Hà Nội nêu rõ địa chỉ số 8B Lê Trực phía Bắc giáp đường Trần Phú kéo dài, phía Tây và Nam giáp khu dân cư - không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10-12-2013. Khu đất hơn 5.900 m2 này có nguồn gốc là đất sản xuất do Công ty May Chiến Thắng quản lý, sử dụng từ năm 1968, trong đó diện tích được chuyển mục đích xây dựng công trình là gần 3.800m2 (sau khi nhà nước lấy hơn 1.900m2 để mở đường Trần Phú kéo dài).

Về chủ trương đầu tư dự án cao ốc, Phó Chủ tịch UBND thành phố báo cáo, từ năm 2007, Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chuyển mục đích sử dụng phần đất nằm ngoài phạm vi mở đường để lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê. Đến ngày 14-11-2013, UBND Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) số 01121001662 cho Nhà đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực thực hiện dự án.

Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020, khu vực này được xác định là đất dân dụng hiện trạng. Theo Quy hoạch chi tiết trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương tỷ lệ 1/500 (được Hà Nội phê duyệt năm 1998) và Quy hoạch chi tiết quận Ba Đình tỷ lệ 1/2000, khu đất này được xác định chức năng đất ở, có một phần nằm trong đất mở đường theo quy hoạch.

Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, quá trình giải quyết thủ tục cấp GCNĐT đã được thực hiện theo đúng quy trình. Theo GCNĐT đã cấp, dự án có tiến độ thực hiện từ 2014-2017.

Về vấn đề quản lý quy hoạch, năm 2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chấp thuận Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án với chỉ tiêu mục đích xây dựng 64% gồm: Khu nhà thấp tầng (4 tầng không tính tầng bán hầm và áp mái) và khối công trình hỗn hợp trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê (cao 17 tầng, giật cấp từ phía Lê Trực đến phía Kim Mã).

Quy định xây giật cấp, cao tối đa 53 m

Báo cáo Thủ tướng về giai đoạn dự án dừng triển khai trong thời gian nghiên cứu làm quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội cho biết đã thực hiện chỉ đạo “yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu trung tâm” nhận được năm 2010. Rà soát các dự án nhà cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố, Hà Nội xác định, dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực thuộc nhóm công trình cao tầng loại II - Đề xuất cho phép tiếp tục triển khai nhưng phải điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng đang được nghiên cứu.

Tháng 4-2013, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhận được “đơn kêu cứu” của Công ty CP may Lê Trực xin được tiếp tục dự án xây cao ốc. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, rà soát lại quy hoạch, giữ nguyên phương án quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình; giảm chiều cao công trình theo Quy hoạch chung Hà Nội và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình (chiều cao tối đa bằng công trình Nhà làm việc Quốc hội).

Ngày 12-7-2013, lãnh đạo TP báo cáo Thủ tướng xin cho dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực được tiếp tục triển khai. Chỉ tiêu xây dựng có điều chỉnh mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44 m (thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận ngày 16-3-2009).

Hà Nội cũng dẫn lại công văn của Bộ Xây dựng nên ý kiến thống nhất với đề nghị của Hà Nội cho phép tiếp tục dự án cao tốc tại số 8B Lê Trực theo phương án 2 (chủ đầu tư đề xuất) là thiết kế toà nhà dạng giật cấp: cấp công trình thứ nhất phía Lê Trực có tầng cao 15 tầng với chiều cao là 44 m, cấp công trình thứ 2 có khoảng lùi 15-17 m về hướng Tây cao 50 m, trên mái có tum thang kết hợp tầng kỹ thuật đến đỉnh tum thang cao 53 m, mật độ xây dựng giữ nguyên 64%.

“Như vậy, Quy hoạch kiến trúc của Dự án đã chấp thuận phù hợp định hướng Quy hoạch chung Thủ đô, việc nghiên cứu xét tới yêu cầu cảnh quan đô thị khu vực, có kế thừa kết quả rà soát công trình cao tầng, đồng thời nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, tuân thủ các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng” - bản báo cáo của Hà Nội ghi rõ.

Hồ sơ cấp phép của dự án cũng được khẳng định có đầy đủ thành phần theo quy định. Phương án thiết kế cấp Giấy phép xây dựng phù hợp với Bản vẽ tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội chấp thuận kèm theo công văn số 3546 ngày 24-10-2013.

Sai phạm nghiêm trọng đều do chủ đầu tư

Cũng tại Báo cáo này, lãnh đạo Hà Nội xác nhận có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thi công, xây dựng toà nhà, cả trong giai đoạn chưa cấp phép lẫn khi công trình đã được cấp phép xây dựng.

Cụ thể, giai đoạn dự án đang làm thủ tục để được chấp thuận về quy hoạch, kiến trúc và xin phép xây dựng, đã 3 lần phạt chủ đầu tư năm 2010, 2012 (vì thi công khoan cọc nhồi), tháng 3-2014 (vì đã xây 4 tầng hầm) khi chưa có giấy phép xây dựng.

Cho đến tháng 7 năm nay, thành phố cho biết, cơ quan chức năng cũng nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư, yêu cầu dừng thi công để khắc phục sai phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện và tiếp tục thi công. Báo cáo của Hà Nội thống kê có 5 lần kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm trong khoảng thời gian 1 năm (từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2015).

Hiện trạng vi phạm hiện nay: chủ đầu tư không thực hiện việc xây giật cấp từ tầng 8 (phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế từ phía đường Trần Phú kéo dài).

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây nhưng Chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Về chiều cao công trình, theo Giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m. Hiện Chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt khoảng 16 m, tương đương với 5 tầng).

Diện tích sàn đã xây dựng khoảng 36.000 m2, cũng tăng khoảng 6.126 m2 so với giấy phép xây dựng (29.874 m2).

“Những vi phạm xây dựng của Chủ đầu tư về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực” - lãnh đạo Hà Nội thống nhất đánh giá.

Chốt lại báo cáo, Hà Nội khẳng định đã làm đúng việc quy hoạch, cấp phép cho dự án theo thẩm quyền, quy định, phù hợp với quy hoạch chung (vị trí khu đất nằm ngoài ranh giới Quy hoạch chi tiết Trung tâm chính trị Ba Đình, không có quy định cụ thể khống chế về chiều cao tối đa của công trình tại địa điểm này). Phương án quy hoạch tổng mặt bằng được xem xét kỹ lưỡng, nhất là về chiều cao công trình, hình dáng kiến trúc, khoảng lùi công trình để tạo điểm nhấn, phù hợp với cảnh quan khu vực, không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình.

Việc chủ đầu tư cố ý vi phạm nghiêm trọng khiến công trình đến thời điểm này ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực. “Lỗi” của cơ quan chức năng chỉ là kiểm tra không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay.

Hà Nội khẳng định sẽ kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định, nhất là xử lý về chiều cao công trình, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc công trình, theo đúng thiết kế và Giấy phép xây dựng đã được cấp. Lãnh đạo thành phố cũng cam kết sẽ xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng.

Bộ Quốc phòng cho phép công trình bên Lăng Bác cao 70 m?

Báo cáo chiều 30-9 của Công ty CP May Lê Trực về toà nhà 8B phố Lê Trực tới báo chí và khách hàng mua căn hộ khẳng định: “Dự án đã được Bộ Quốc phòng cho phép về độ cao tĩnh không là 70 m trên cốt đất tự nhiên 7 m. Vị trí xây dựng có tọa độ 21 độ 01’56.20’’N - 105 độ 49'55.70"E (Văn bản số 82/TM-Tg1 ngày 16-1-2008 của Bộ Quốc Phòng - Quân đội nhân dân Việt Nam)”.

Công ty CP May Lê Trực cho biết họ là chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực và đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24-3-2014.

“Công trình trên được các cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng phù hợp với quy hoạch chung và đảm bảo về an ninh quốc phòng”- văn bản của Công ty CP May Lê Trực khẳng định.

Theo Dân Trí

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo