xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trái cầu lạ vẫn còn bí hiểm

NGUYỄN QUYẾT - VĂN DUẨN

Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích một cách thuyết phục rằng 2 trái cầu rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái là vật gì, ở đâu...

Ngày 4-1, đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang cho hay các cơ quan chức năng của đơn vị này cùng Quân khu 2 đã kiểm tra và công bố kết luận ban đầu. Theo đó, “vật thể lạ” được phát hiện lúc 6 giờ 30 phút ngày 2-1 tại ruộng ngô của gia đình ông Quan Văn Học (thôn Nà Giàng, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) có hình cầu, bằng thép, đường kính 80 cm, nặng 35 kg, bên ngoài có ký tự lạ. Một vật thể hình thù tương tự tiếp tục được phát hiện tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vào sáng cùng ngày, đường kính chừng 30 cm và nặng khoảng 6 kg, có van hở, một phần bị móp do va vào đá tảng và có dấu hiệu bị tác động bởi nhiệt độ cao.

Từng xảy ra rất nhiều

Theo nhận định của cơ quan chức năng, đây không phải bom, mìn, vật liệu nổ, cũng không phải thiên thạch. Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cho biết Bộ Quốc phòng đã thu hồi 2 trái cầu lạ và yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, xác định rõ.

Hiện tại, vẫn chưa có thông tin gì thêm về 2 trái cầu này. Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, các trái cầu này có thể là thiết bị của vũ trụ hoặc vệ tinh và không còn giá trị sử dụng nên được thả trôi, bay lơ lửng trong không trung, gặp lực hút chênh lệch thì bị hút vào trái đất, rơi xuống.

 

Cơ quan chức năng xem xét “vật thể lạ” (hình sưu tầm từ Facebook)
Cơ quan chức năng xem xét “vật thể lạ” (hình sưu tầm từ Facebook)

 

“Những “vật thể lạ” đó không do Việt Nam sản xuất, cũng không phải của một bộ phận vật thể bay nào thuộc sở hữu của Việt Nam đang hoạt động rơi xuống khu vực này” - ông Tuấn khẳng định.

Việc vật thể tương tự rơi xuống trái đất đã xảy ra rất nhiều. Cách đây vài năm, cũng có một vật thể rơi xuống đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nhưng tồn tại dưới dạng mảnh vỡ. Hiện tượng này rất nguy hiểm bởi uy hiếp đến sự an toàn của hàng không dân dụng và tính mạng con người khi chẳng may rơi trúng.

Nhiều lý giải khác nhau

GS Nguyễn Khoa Sơn, Chương trình Khoa học Công nghệ vũ trụ nhà nước, cho rằng 2 trái cầu rơi ở phía Bắc có thể là bình chứa nhiên liệu để điều khiển vệ tinh.

Theo GS Sơn, trên bầu trời có hàng ngàn vệ tinh hoạt động. Nhiều vệ tinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ rơi vào bầu khí quyển trái đất rồi bốc cháy hoặc được con người điều khiển ra khỏi khu dân cư, như ngoài biển hay sa mạc. Trong đó, có vệ tinh lớn cháy không hết và rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên, qua quan sát cho thấy 2 vật thể nêu trên còn nguyên vẹn, chứng tỏ rơi từ độ cao thấp, khả năng là dưới 100 km. Do đó, có khả năng chúng liên quan tới sự kiện Nga phóng vệ tinh.

Ông Vũ Trọng Thư, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu không gian FSpace Trường ĐH FPT, đưa ra giả thiết 2 quả cầu này có thể là một phần vệ tinh khí tượng Elektro-L2 của Nga. Trước đó, ngày 11-12-2015, vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh từ sân bay vũ trụ Baikonur bằng tên lửa đẩy Zenit-2SB (3 tầng, do Nga và Ukraine chế tạo). Có khả năng tầng 2 sau khi tách ra đã hết nhiên liệu và tiếp tục bay theo quán tính ở quỹ đạo tạm thời. Đến ngày 2-1-2016, cận điểm của tầng 2 tên lửa rơi xuống trái đất. Ngoại lực tác động gây ra vụ nổ, làm cho tầng thứ 2 của tên lửa bị phá hủy hoàn toàn, trừ 2 bình nhiên liệu và vài bộ phận khác vì có hình dạng và kết cấu bền vững, rồi rơi xuống.

Ông Thư cho biết các nước như Nga, Mỹ… hằng năm phóng rất nhiều tên lửa. Đa số các tên lửa sau khi hoàn thành nhiệm vụ đẩy vệ tinh lên quỹ đạo, lúc rơi trở lại bầu khí quyển trái đất đều cháy hết hoặc được điều khiển để rơi xuống biển, sa mạc hay rừng núi, tránh những nơi có người sinh sống. Chỉ vài trường hợp một số bộ phận rơi xuống đất là điều ngoài ý muốn của nước phóng tên lửa/vệ tinh.

Theo ông Thư, năm 2015, thế giới phóng 87 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Trong đó, Nga là nước phóng nhiều nhất với 30 lần, xếp sau là Mỹ và Trung Quốc (hơn 20 lần).

 

Sẵn sàng mua giá 100 triệu đồng

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng 2 trái cầu vừa rơi ở Việt Nam mang đầy ý nghĩa khoa học nên mong muốn được mua với giá 100 triệu đồng để trưng bày trong Góc Khoa học của trường và cũng để ghi nhớ việc Trường ĐH FPT từng phóng vệ tinh mini lên quỹ đạo.

“Có cái này để cán bộ, sinh viên, học sinh hằng ngày chiêm ngưỡng, hình dung chúng đã qua một lộ trình cam go thế nào trước khi về thường trú tại trường” - ông Tùng bày tỏ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo