xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trầy trật giấc mơ an cư (*): Mua nhà giá rẻ: Khó hơn chơi xổ số

Bài và ảnh: Lê Phong

Nhiều công chức ở TP HCM chuẩn bị sẵn hàng loạt bộ hồ sơ, hễ nghe tin dự án nhà ở xã hội nào sắp khởi công là đi nộp nhưng hầu hết đều... rớt từ đầu

Anh Phạm Văn Hải (cán bộ đang làm việc tại quận Tân Phú, TP HCM) cho biết anh thuộc diện được ưu tiên đăng ký mua nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, không ít lần anh đi sao y giấy tờ, chứng thực nhiều bộ hồ sơ để nộp đăng ký tham gia mua nhà các dự án giá rẻ nhưng rốt cuộc đều về không.

Nhớ vanh vách từng văn bản

Lần gần đây nhất là vào đầu năm 2016, anh Hải chật vật đến nỗi mất cả ăn Tết để lo thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng mua chung cư NƠXH tại phường Trưng Mỹ Tây, quận 12 - cách khá xa trung tâm TP HCM. Tuy nhiên, sau nhiều lần anh lui tới, cuối cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo lãi suất sẽ là 4,8% nhưng phải chờ tiền từ trung ương đưa về. Thế là vợ chồng anh vẫn tiếp tục sống trong nhà trọ, đợi đến đợt nhận tiền. Đùng một cái, ngân hàng thông báo gói lãi suất đã hết ưu đãi nên anh đành chờ cơ hội khác.

Phải ở chung nhiều hộ trong một căn nhà chật hẹp nên ban đêm, có người phải mang giường xếp ra ngủ ở vỉa hè. Ảnh chụp tại hẻm 291 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM
Phải ở chung nhiều hộ trong một căn nhà chật hẹp nên ban đêm, có người phải mang giường xếp ra ngủ ở vỉa hè. Ảnh chụp tại hẻm 291 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM

Tiếp đó, anh Hải tìm đến dự án NƠXH của Hoàng Quân Group đăng ký. Tuy nhiên, đơn vị này đề nghị muốn vay tiền và hưởng ưu đãi lãi suất thì phải chứng minh có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng và có một khoản tiền đóng trước. Anh Hải thở dài: “Chính sách đưa ra nhưng việc tiếp cận vay vốn gặp muôn vàn khó khăn. Nếu vay bằng lãi suất thương mại thì không thể mua nhà được”.

Theo anh Hải, lần nào đến ngày nộp hồ sơ để mua NƠXH, anh cũng bắt gặp cảnh tượng hàng trăm người chen nhau. Những năm trước, nhiều lần các đơn vị đầu tư NƠXH lắc đầu từ chối hồ sơ của anh ngay từ vòng đầu. Cụ thể, năm 2014, khi nghe tin một dự án NƠXH ở huyện Bình Chánh có quy mô 1.000 căn hộ sắp khởi công, anh đến thì hết sức thất vọng bởi đã có 20.000 hồ sơ tham gia.

Anh Hải thuộc vanh vách ngày ban hành, số hiệu các văn bản, nghị định liên quan đến việc cho vay gói 30.000 tỉ đồng và một số chính sách hỗ trợ công chức mua nhà. “Hầu như tuần nào tôi cũng đọc báo, tìm hiểu trên mạng để xem thử có sự thay đổi gì trong chính sách mua NƠXH hay không. Đọc suốt nhiều năm, giờ ai hỏi là tôi nhớ ngay” - anh khẳng định. Hải cho biết không chỉ gia đình anh mà nhiều công chức khác còn khốn khổ hơn. Có người không đủ sống, phải bỏ việc nhà nước ra ngoài kinh doanh.

Trong khi đó, chị Phạm Thi Thanh Thu (giáo viên tiểu học tại một trường ở quận Tân Bình,

TP HCM) cho biết cách đây 2 năm, khi nghe tin một dự án tại huyện Hóc Môn được chuyển từ nhà ở thương mại thành NƠXH, vợ chồng chị đã thức suốt đêm để tìm hiểu các thủ tục, giấy tờ đăng ký. Chị làm đơn xin nghỉ phép để đến tận nơi xem và nhờ tư vấn. Nhận thấy mình thuộc diện thụ hưởng chính sách NƠXH nên vợ chồng chị vội vàng đi làm thủ tục ngân hàng để vay tiền.

Hai tháng sau, hồ sơ được xét duyệt ở khâu thứ nhất. Vợ chồng chị Thu chờ đợi gần 2 tháng nữa thì... chính thức bị loại vì nhiều người có hoàn cảnh ưu tiên hơn! “Nhiều giáo viên khác cũng giống tôi, phải sống cảnh nhà trọ. Dù tôi đã tìm hiểu kỹ các bước thủ tục nộp hồ sơ đăng ký NƠXH nhưng quá khó để tiếp cận” - chị Thu buồn bã.

Lách ra vùng ven

May mắn hơn chị Thu hay anh Hải là trường hợp chị Phạm Ngọc Lan, công tác tại Thành đoàn TP HCM. Sau khi lập gia đình hơn 3 năm, chị mua được một căn nhà trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Tuy xa trung tâm TP nhưng bù lại, căn nhà này chỉ có giá 400 triệu đồng, do chủ đầu tư xẻ đất xây hàng chục căn hộ liền kề nhau với diện tích 22 m2/căn. Cả 10 căn nhà cùng dãy của chị Lan đều nằm chung một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Mỗi ngày đi làm, tôi phải mất hơn 90 phút để chạy xe gắn máy đến cơ quan. Dẫu biết đi lại khó khăn nhưng phải chấp nhận mua. Căn nhà hơi chật chội, bức bách nhưng có chỗ để gọi là an cư lạc nghiệp nên cũng yên tâm” - chị Lan thổ lộ.

Anh Phạm Chí Thanh, phóng viên Báo Đời sống và Pháp luật, cũng phải mua căn nhà tận huyện Củ Chi, cách trung tâm TP HCM hàng chục km. Buổi sáng, anh phải dậy từ 5 giờ, đón 2 chuyến xe buýt để về quận 3 trong thời gian 2 giờ.

“Con cái đã lớn, nếu vẫn ở trọ thì khó ổn định việc học. Vì vậy, tôi phải chịu khổ, ra vùng ven mua một căn nhà cấp 4 với giá hơn 450 triệu đồng” - anh Thanh giải thích. Theo anh, việc mua nhà ở vùng ven rất mất thời gian cho việc đi lại; chưa kể, vào các dịp lễ, Tết, bạn bè cũng khó đến nhà thăm chơi...

Kỳ tới: Cầu nhiều, cung ít

“Thả muối giữa biển”

Theo ông Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, kết quả khảo sát hàng ngàn công nhân, viên chức, công chức và hộ gia đình thu nhập thấp ở TP cho thấy trung bình mỗi tháng, mỗi người chỉ có thể dư 2-3 triệu đồng. Như vậy, họ phải tích cóp 10-20 năm mới đủ mua căn hộ giá rẻ và ngần ấy năm, họ phải sống khốn khổ từ nơi trọ này đến nơi trọ khác.

“Với lương công chức, viên chức thì nhà ở thương mại không với tới nên họ chỉ mong chờ NƠXH. Tuy nhiên, NƠXH giống như “thả muối giữa biển”, thiếu hụt nghiêm trọng và rất khó mua” - ông Tân nhận xét.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo