xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc lấp liếm sự thật

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nhiều học giả trong nước và quốc tế nhận xét Trung Quốc luôn không tuân thủ luật pháp quốc tế và không chấp nhận đàm phán với Việt Nam về những sự việc sai trái do Trung Quốc gây ra trong thời gian gần đây

Ngày 21-6, tại TP Đà Nẵng, hơn 100 học giả trong nước và quốc tế tiếp tục tham dự tọa đàm về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phần lớn các học giả đều cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đây là điều không thể chối cãi. Các học giả cũng cho rằng Trung Quốc luôn đưa ra nhiều lập luận khác nhau cho việc làm sai trái của mình và luôn trái với Công ước quốc tế về Luật Biển.

ThS Hoàng Việt, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết có 2 vấn đề được các học giả tập trung thảo luận nhiều nhất. Một là, đưa vụ việc nói trên ra giải quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng Hội đồng Bảo an muốn hành động thì phải có nghị quyết trước đó với ít nhất là 9 phiếu thuận và phải đầy đủ 5 phiếu của thành viên thường trực mà Trung Quốc là 1 thành viên (Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, gồm 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực). Hai là, đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để giải quyết nhưng là ở tòa án nào. Đây là vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Tại buổi tọa đàm, các học giả đồng ý về tính pháp lý mạnh mẽ của Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc luôn khẳng định mình có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và luôn khước từ việc giải quyết những sai trái do mình gây ra. Một mặt, Trung Quốc luôn nói là họ tuân thủ luật pháp quốc tế. Mặt khác, theo đúng quy định của công pháp quốc tế thì việc giải quyết những vụ kiện ở phiên tòa là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn từ chối.

Các học giả quốc tế thăm tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm
Các học giả quốc tế thăm tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm

Nhiều học giả cho rằng Trung Quốc luôn nói nhưng không làm và không tuân thủ luật pháp quốc tế. Cho nên, việc làm thế nào để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều hết sức khó khăn. Các học giả cũng khẳng định việc Trung Quốc đưa thêm giàn khoan số 9 vào biển Đông chứng tỏ đây là một bước leo thang mới và hết sức nguy hiểm.

Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và xã hội TP Đà Nẵng, cho rằng cơ chế pháp lý là biện pháp khả dĩ nhất hiện nay cho Việt Nam ngoài việc thực hiện các hành động ngoại giao. “Đàm phán thì Trung Quốc không làm rồi, phải dùng cơ chế pháp lý tạo ra góc nhìn nhằm cho thấy cái sai của Trung Quốc” - ông Sơn nói.

GS Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ - châu Á (ĐH Luật New York - Mỹ), cho rằng Trung Quốc vẫn luôn đưa ra các luận điểm để ngụy biện cho mình và luôn tìm cách né tránh câu trả lời. Ông Cohen nhấn mạnh quốc tế cần phải hướng cho Trung Quốc tuân thủ đúng luật pháp: “Mình không thể tách họ ra. Mình phải tồn tại với họ, chơi với họ nên phải tìm ra được hướng đi đúng đắn nhất. Trong đó, có việc thế giới phải làm thế nào để Trung Quốc đi theo luồng văn minh”. 

Thăm tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm

. Hoàng Sa - Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam

Chiều 21-6, nhân tham dự tọa đàm, các học giả đã đến âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng) để thăm tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Đây là chiếc tàu bị 2 tàu Trung Quốc đâm va và nhấn chìm hôm 26-5 khi đang khai thác hải sản ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vụ đâm va khiến 10 ngư dân rơi xuống biển và tàu hư hỏng nặng.

Các học giả quốc tế đã bày tỏ thái độ bất bình về hành động của tàu Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam, đồng thời chia sẻ về sự mất mát đối với các ngư dân cùng chủ tàu. Các học giả cho rằng ngư dân Việt Nam nên tiếp tục vững tâm bám biển, khai thác hải sản trong vùng biển của quốc gia để giữ gìn chủ quyền biển đảo.

l Trước đó, sáng cùng ngày, tại TP Đà Nẵng đã khai mạc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 25-6, giới thiệu tư liệu, hình ảnh về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có nhiều văn bản Hán Nôm do các nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành vào thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo này. Đặc biệt, có bộ Atlas thế giới của Phillipe Vandemaelen xuất bản năm 1827 tại Bỉ lần đầu tiên được công bố, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.

 

Âm mưu lộng giả thành chân với “Lát cắt Salami”

Các chuyên gia nhận định giải pháp giải quyết xung đột các tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào giữa năm 2014 không xuất hiện như một cơ hội dễ thấy do Trung Quốc vẫn cố tình tiếp tục chiến lược “Lát cắt Salami” đối với 2 quần đảo này và tiếp tục mở rộng kiểm soát biển Đông. Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng xung đột trên biển Đông không có và không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN và vì thế loại bỏ hoàn toàn bất cứ cuộc đối thoại nào với ASEAN nhằm  giải quyết các xung đột.

Trong khi khăng khăng gắn với “khuôn khổ đối thoại song phương”, Trung Quốc tăng cường khái niệm không có không gian tồn tại cho bất kỳ giải pháp đa phương nào giải quyết xung đột ở biển Đông như yêu cầu của các nước Đông Nam Á. Trung Quốc không có ý sẵn sàng tuân thủ bất kỳ biện pháp trung gian trọng tài nào của tòa án quốc tế hoặc các tổ chức quốc tế.

Chiến lược “Lát cắt Salami”, theo học giả Obert Haddick, là “... một sự tập hợp chậm rãi các hành động nhỏ, không hành động nào trong đó có thể trở thành biến cố khơi mào cho các cuộc chiến, những cái gì luôn được bổ sung theo thời gian để trở thành sự thay đổi chiến lược? Mục đích của Bắc Kinh thông qua “Lát cắt Salami” là dần dần tích tụ các cuộc tấn công nhỏ nhưng liên tục, bằng chứng của sự hiện diện lâu dài trong vùng lãnh thổ yêu sách...Với cách tạo ra sự kiện mới trên cơ sở có sẵn một cách chậm chạp nhưng thông qua tích lũy, Trung Quốc hy vọng xác lập yêu sách của mình bằng thực tế và bằng luật”.

K.Ngân

 

Bắc Kinh liên tục huy động máy bay trinh sát

. Quảng Ngãi: Thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Vinh

Ngày 21-6, Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong ngày, các tàu kiểm ngư Việt Nam hoạt động cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 10 - 12 hải lý vẫn kiên trì bám trụ, tiếp tục thực hiện công tác đấu tranh, tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 118 tàu các loại, trong đó có 43 tàu hải cảnh, 14 tàu vận tải, 17 tàu kéo, 38 tàu cá, 6 tàu quân sự hoạt động cách giàn khoan khoảng 6-9 hải lý.

Trong khi đó, các tàu hải cảnh, hải giám, vận tải và tàu kéo của Trung Quốc thường xuyên ép hướng, tăng tốc độ, bám sát các tàu kiểm ngư Việt Nam. Lúc gần nhất, tàu Trung Quốc chỉ cách lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam khoảng 30 m, ngăn cản các tàu Việt Nam tiến vào gần giàn khoan. Mặc dù vậy, tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, cơ động vòng tránh, bảo đảm an toàn.

Cũng theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trên biển đã phát hiện 2 lượt máy bay trinh sát ở khu vực Tây - Tây Nam, cách giàn khoan 12 hải lý và 35 hải lý, bay 2-4 vòng ở độ cao 500-2.000 m. Từ 11 giờ 7 phút đến 11 giờ 30 phút, phía Việt Nam lại phát hiện máy bay tuần thám số hiệu CMS-B3843 từ hướng Đông Bắc đến, bay 1 vòng trên khu vực phía Nam, cách giàn khoan 12 hải lý ở độ cao 200-500 m, sau đó rời khỏi khu vực theo hướng Tây Bắc.

l LĐLĐ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi sáng 21-6 đã tổ chức lễ kết nạp đoàn viên và thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Vinh. Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Vinh với sự tự nguyện tham gia của 208 ngư dân trong xã, có 25 tàu cá khai thác hải sản ở những vùng biển xa. Ban chấp hành lâm thời gồm 9 thành viên do ông Trần Ngọc Úc giữ chức chủ tịch nghiệp đoàn. Đây là nghiệp đoàn nghề cá thứ 3 ở huyện Đức Phổ và là nghiệp đoàn nghề cá thứ 8 ở tỉnh Quảng Ngãi.

Tại buổi lễ, Quỹ Tấm lòng vàng Lao động đã tặng nghiệp đoàn 265 triệu đồng để lắp đặt thiết bị trạm bờ và 230 triệu đồng mua bảo hiểm cho 25 tàu cá cùng với 208 ngư dân trong nghiệp đoàn. Đại diện các cơ quan, đơn vị cũng đã trao tặng 52 triệu đồng để giúp đỡ nghiệp đoàn hoạt động... Xã Phổ Vinh hiện có 113 tàu cá với tổng công suất trên 12.500 CV cùng với 606 ngư dân tham gia khai thác hải sản.  

V.Duẩn - Tr.Thy

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo