Mặt khác, theo ông Khánh, Bộ TT-TT là cơ quan chỉ đạo chung về thông tin truyền thông của các tỉnh, TP nên cần sự chỉ đạo từ bộ. “Bộ TT-TT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quản lý hệ thống thông tin cơ sở. Hệ thống đài truyền thanh xã, phường cũng chính là thuộc hệ thống thông tin cơ sở này” - ông Khánh nói.
Bảo đảm lợi ích cho số đông người dân
Tôi từng nghe nhiều người dân than phiền về cái loa phường. Phản ánh của người dân thì phải tiếp thu và có giải pháp làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích cho tất cả mọi người hoặc chí ít là cho số đông.
Loa phường phải có bởi người dân cần được cung cấp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của nhà nước và địa phương. Tuy nhiên, thời lượng phát sóng của hệ thống truyền thanh phường, quận cần so le với nhau, tránh trùng thời điểm phát các bản tin quan trọng của truyền hình trung ương và Hà Nội. Về âm lượng, cần có sự điều chỉnh sao cho âm thanh ở mức vừa phải, tránh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội
Kiểu truyền thông lạc hậu
Đến nay, nhà nhà đã có radio, tivi, internet, báo chí tràn ngập, hằng tháng họp tổ dân phố lại được phát các loại thông báo thông tin… Giờ truyền thanh kiểu loa phường không còn phù hợp, loa ra rả nói nhưng người dân có nghe không, tiếp nhận được bao nhiêu thông tin? Không thể phản hồi vì thông tin một chiều, “ai mà đi cãi nhau với cái loa bao giờ!”.
Người dân có thể tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, có thể tương tác ngay với nguồn cung cấp thông tin như qua báo mạng, nâng cao được tính chủ động tiếp nhận và chọn lọc thông tin… Vì vậy, loa phường đã trở thành biểu tượng của một kiểu truyền thông lạc hậu, vô bổ, thậm chí gây phiền phức vì ở đô thị không gian công cộng cũng như riêng tư cần được gìn giữ để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn. Việc loa phường bất chấp giờ giấc và cường độ đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gián tiếp góp phần làm cho đời sống đô thị trở nên căng thẳng.
TS Nguyễn Thị Hậu