xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việc di tản lao động Việt Nam gặp khó

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết

Huy động máy bay, tàu thủy, thậm chí cần thiết sẽ thuê trực thăng, đến những điểm nóng ở Libya để nhanh chóng đưa người lao động Việt Nam về nước an toàn

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó  Ban Chỉ đạo Giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi, ngày 28-2 đã chủ trì cuộc họp giải quyết tình hình người lao động (NLĐ) Việt Nam ở Libya.
 
img

Người lao động từ Libya về đến sân bay Nội Bài - Hà Nội tối 26-2

 
Di tản hơn 8.100 người
 
Báo cáo nhanh tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết đến trưa cùng ngày, 8.161 NLĐ Việt Nam đã và đang di tản sang các nước láng giềng Libya. Trong đó, 991 người sang Ai Cập, 242 người nhập cảnh Hy Lạp, 1.378 người đến Malta, 570 người qua Thổ Nhĩ Kỳ, 1.145 người tới Tunisia, 1.000 người đang ở biên giới...
 
Ban chỉ đạo cho biết tình hình di tản của NLĐ Việt Nam đang gặp một số trở ngại. Do thiếu phương tiện vận chuyển và tắc nghẽn giao thông nên hiện nay, việc sơ tán NLĐ Việt Nam ra khỏi Libya rất khó khăn. Số người sang được Tunisia cũng đang loay hoay vì Việt Nam chưa có cơ quan đại diện, phải nhờ Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) hỗ trợ địa điểm để NLĐ lánh nạn.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, nhiều NLĐ của ta làm việc cho chủ sử dụng lao động Libya gặp trở ngại trong quá trình di tản do bị giới chủ bỏ mặc; một số chủ không giải quyết thủ tục cho NLĐ Việt Nam rời Libya. Ngoài ra, một số chủ sử dụng lao động biết thông tin Chính phủ Việt Nam đưa máy bay sang đón công dân nên đã dự định  dừng mua vé cho NLĐ của ta về nước.
 
Dựa trên thông tin nắm bắt được từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ), ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, khẳng định khoảng 500 NLĐ Việt Nam làm việc ở một công trường của nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Tripoli - Libya đã bị chủ bỏ mặc. Những người này bị cướp hết thức ăn, có thể đói khát trong những ngày tới nếu không được tiếp tế lương thực.
 
Khẩn cấp đưa các đoàn đi cứu trợ
 
Nhận định tình hình ngày càng nguy cấp và khẳng định ưu tiên hàng đầu là đưa NLĐ ra khỏi vùng nguy hiểm một cách nhanh nhất, an toàn nhất, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cơ quan chức năng đang quyết liệt triển khai các phương án để sớm đưa NLĐ về nước an toàn. Theo bà Kim Ngân, các đoàn công tác đã huy động nhiều phương tiện như máy bay, tàu thủy, thậm chí khi cần thiết sẽ thuê trực thăng, đến những điểm nóng ở Libya để nhanh chóng đưa số NLĐ còn đang kẹt tại đây về nước an toàn.
 
Ngay tối cùng ngày, ban chỉ đạo đã cử 3 đoàn sang Tunisia, Ai Cập, Malta bằng chuyên cơ của Vietnam Airlines. Trước đó, một đoàn công tác đã sang Thổ Nhĩ Kỳ, còn đoàn đi Hy Lạp dự kiến sẽ lên đường vào hôm nay, 1-3, bằng máy bay thương mại. Hơn 1.000 NLĐ Việt Nam đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung ở sân bay rất đông và Bộ LĐ-TB-XH đã đàm phán với nước này để thuê 2 máy bay đưa họ về nước. Bộ Tài chính cũng thông báo sẵn sàng tạm ứng kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để phục vụ việc hỗ trợ di tản NLĐ về nước của các đoàn công tác...
 
Về giải quyết nguy cơ bị bỏ đói của NLĐ Việt Nam tại Libya, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện ban chỉ đạo đã chuẩn bị 8 tấn lương khô, thực phẩm ăn liền cùng một số thuốc men, đồ dùng khác... tập kết lên sân bay để đưa sang Libya tiếp tế.  Bà Kim Ngân nhấn mạnh nếu được, sẽ thuê máy bay quân sự hoặc thuê tàu thủy đến Tripoli để di tản gần 500 lao động đang mắc kẹt ở đây. Tính đến cuối ngày 28-2, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết khoảng 2.000 lao động Việt Nam vẫn còn kẹt sâu trong đất liền Libya. Từ ngày 26 đến 28-2, đã có 973 lao động được đưa về nước an toàn.
 
Ưu tiên hàng đầu: Cứu trợ người lao động
 
Khi được hỏi về việc dư luận cho rằng Việt Nam còn chậm trễ trong việc di tản NLĐ ra khỏi Libya, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Không chậm chút nào cả! Dù các đoàn công tác mới sang song chúng tôi đã có chuẩn bị từ khi Libya xảy ra biến động chính trị. Đến nay, Việt Nam vẫn là nước tích cực trong việc đưa NLĐ về nước. Có thể nói Chính phủ Việt Nam theo dõi rất sát tình hình; các bộ, ngành, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng tích cực phối hợp giải quyết vụ việc. Chúng ta đã chủ động thảo luận với đối tác ở nước ngoài để tổ chức đưa NLĐ về nước. Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng đã rất tích cực tổ chức đón tiếp, hỗ trợ NLĐ”.
 
Đối với số NLĐ đã về nước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết trước mắt, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Sau khi NLĐ từ Libya về nước hết, lúc thanh lý hợp đồng sẽ giải quyết các chế độ, quyền lợi theo đúng quy định trong hợp đồng và pháp luật hiện hành. “Rủi ro ở thị trường Libya là bất khả kháng. Chúng tôi sẽ cố gắng để NLĐ về nước sẽ không gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính phủ sẽ chia sẻ với doanh nghiệp và NLĐ để xử lý các vấn đề phát sinh. Chúng tôi sẽ tính toán tới việc hỗ trợ sau khi đã di tản xong NLĐ tại Libya” - bà Kim Ngân khẳng định.
 

Về việc nhiều NLĐ phải vay nợ ngân hàng để đi XKLĐ ở Libya, nay gặp biến động đang rất lo lắng, bà Kim Ngân nhấn mạnh: “Hiện nay, các cơ quan đều tập trung lo cho NLĐ ở Libya. Chính phủ đã và đang huy động các cơ quan, trong đó có cả ngân hàng, vào cuộc. Chưa có ngân hàng nào đòi tiền nợ của NLĐ trong lúc này. Việc này ban chỉ đạo sẽ lưu ý sau khi NLĐ về nước. Còn trước mắt, ưu tiên hàng đầu là việc cứu trợ NLĐ”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo