xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vùng lũ miền Tây: Gần 50.000 hộ cần cứu đói, cứu trợ

BÀI VÀ ẢNH: Ðăng Nguyên

THIÊN TAI.- Nếu nói cơn lũ năm 2000 như đợt kiểm tra mức sống “dưới nghèo”của người dân ở ÐBSCL, thì cơn lũ năm 2001 tiếp tục mang đến người dân vốn đã nghèo thêm nhiều khốn đốn. Năm nay, một lần nữa người dân nơi đây lại phải tiếp tục đối đầu với lũ.

Có lẽ, ba mùa lũ liên tiếp như đã vắt kiệt sức lực của người dân. Lũ năm 2000 có hơn nửa triệu người cần cứu trợ, cứu đói khẩn cấp (trên 100.000 hộ dân); lũ năm 2001 có gần 40% số hộ cần cứu đói khẩn cấp trong hơn 160.000 hộ cần cứu trợ

Lũ năm nay, đến thời điểm này theo báo cáo nhanh của các tỉnh thì cũng đã có gần 50.000 hộ cần cứu đói cứu trợ, (trong này có gần 20.000 hộ cần cứu đói khẩn cấp). Nhiều người cho rằng thực trạng thiếu, đói của người dân hiện nay ở vùng lũ ÐBSCL không phải vì mất mùa do lũ (ngoại trừ  lũ năm 2000 bị thiệt hại lớn vụ lúa hè thu). Vì năm 2001 và năm nay, lũ không gây thiệt hại lớn cho vụ lúa hè thu nhưng vẫn có nhiều hộ cần cứu đói. Có thể nói, số hộ nghèo, đói cần cứu trợ là quanh năm, chỉ có điều áp lực lớn cần cứu trợ, cứu đói thường rơi vào mùa nước nổi, mùa lũ vì lúc này khả năng tự kiếm sống của người dân rất hạn chế.

Khổ nhất là người không đất

Anh Nguyễn Văn Cấn, một nông dân ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình(Ðồng Tháp) có 4 đứa con nhỏ nhưng hai vợ chồng không có đất; quanh năm chỉ biết đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. “Tháng khô còn có người mướn  làm, còn tháng nước lên không ai mướn  nên chỉ còn cách kiếm sống bằng câu lưới. Ngày nào khá thì bán cá đong gạo ăn được vài ba bữa, còn tệ thì mua gạo chịu. Mua gạo chịu riết người ta cũng không bán. Nên sắp đến mùa lũ là tôi sợ” - anh nói như khóc. Thật ra anh cũng có hai công đất ruộng nhưng đã sang nhượng vào năm 1998, để lo trị bệnh cho con. Hiện tại hai vợ chồng anh cùng 4 đứa con nhỏ tá túc trong một căn lều bên mé đường tỉnh lộ từ Thanh Bình đi Tam Nông (Ðồng Tháp). Mùa lũ năm 2000, 2001, gia đình anh cũng chạy đến đây để tránh lũ. Còn anh Hà Văn Cừ, một nông dân ở xã vùng sâu Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Ðồng Tháp) cùng 4 đứa con nhỏ tá túc trong một cái lều rách nát, chật chội bên mé lộ ở ấp Phú Nông, xã Phú Hiệp than thở: “Bây giờ lũ về, không còn nhiều cá như lúc trước, lưới cũ thì khó bắt, muốn mua lưới mới thì không có tiền. Chẳng lẽ giơ tay ngồi chờ cứu trợ, nhưng nghèo thì đành phải chịu. Khổ lắm!”. Ðấy là một trong những hộ có đất sản xuất (đất ít) nhưng vẫn lâm vào cảnh túng bấn, thiếu đói khi lũ về, còn những hộ không đất sản xuất thì tình cảnh càng thê thảm hơn.

 Bàn tay, gót chân lam lũ của bà Phan Thị Luyến đã quen từng bụi đưng, đám năng ở cánh đồng Phú Hiệp (Tam Nông), nhưng chẳng có bụi đưng, đám năng nào là của bà, vì bà không có đất. Bà Luyến là một trong những người khốn khó sống giữa đồng nước ở Phú Hiệp (Tam Nông). Ðây là một xóm nghèo có nhiều hộ dân đang quây quần sống trên một con đường dài chưa quá 1,5km, nhưng cũng bị lũ ngấp nghé sắp tràn qua. Anh Ðào Văn Khoa, Trưởng Ban Nông nghiệp xã, cho biết: Xóm này thuộc ấp K10. Toàn xã có gần 1.600 hộ thì đã có hơn 500 hộ thuộc diện không đất sản xuất. Năm nào cũng vậy, hễ có lũ là cái xóm này được “ưu tiên” đưa trước vào danh sách cứu đói. Không phải họ không chí thú làm ăn, mà cái chính là họ không có vốn, không có đất sản xuất, sống chủ yếu bằng làm thuê, làm mướn.

Nuôi cá là giải pháp?

Cũng có rất nhiều hộ “sống chung với lũ” rất tốt bằng cách  nuôi cá trong mùa lũ, như nuôi cá lóc bằng đăng quầng, nuôi bè. Mấy mùa lũ trước, có một vài người nuôi thấy có lời, và nhất là sống được trong mùa lũ nên mùa lũ năm nay toàn xã có hơn 300 hộ nuôi cá lóc. Thức ăn cho cá kiếm cũng không khó, như cá linh, thiểu, tép, ốc bươu vàng... “Nếu sau mùa lũ này thấy nuôi cá tiếp tục có hiệu quả thì địa phương sẽ nghiên cứu phương cách để giúp các hộ nghèo của xã có thể nuôi cá trong mùa lũ. Ðây có thể là một hướng ra để giảm áp lực cứu đói cho dân mỗi khi lũ về”- anh Khoa nói.

 Anh Nguyễn Ngọc Ðỉnh, cán bộ của xã, cho biết: “Hiện tại toàn xã chỉ mới có hơn 10 bè cá nuôi, sắp tới xã chủ trương sẽ phát triển thêm. Vì đây có lẽ là một trong những mô hình cho dân sống chung với lũ an toàn nhất”. Ðây là một thực tế mà hiện nay không riêng gì ở Phú Hiệp (Ðồng Tháp), Khánh An (An Giang), mà rất nhiều nơi ở các tỉnh trong vùng lũ, người dân đã tự mình tìm cách thích nghi với lũ.

***

 

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn còn nhiều khó khăn

 Theo ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã có những đóng góp rất lớn trong việc giúp dân di dời nhà cửa chạy lũ, cấp cứu tai nạn

Những ngày này đi trên vùng lũ An Giang, Ðồng Tháp dễ bắt gặp những ngọn cờ mang chữ thập đỏ bay phất phới bên những ngã ba, ngã tư sông cuộn sóng, những khu vực dòng nước chảy xoáy nguy hiểm. Ở những nơi đó, ngày đêm có những con người luôn sẵn sàng áo phao, xuồng bọng túc trực, không quản ngại nguy hiểm để cứu giúp những người không may trong biển nước.

Thiếu cả áo cứu sinh và đèn pin

Hơn nửa tháng nay, tại đầu cầu Trà Ðư trên Tỉnh lộ 841 Hồng Ngự - Thường Phước (Ðồng Tháp), dòng nước đục ngầu ầm ào chảy cuồn cuộn từ cánh đồng Thường Lạc đổ ra sông Tiền. Từ đầu mùa lũ ở đó luôn có 12 tình nguyện viên túc trực 24/24, sẵn sàng cứu giúp người bị tai nạn trên sông. Ông Lê Hiếu Nghĩa, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ xã Thường Lạc, chỉ huy chốt cứu nạn Trà Ðư, cho biết: “Anh em đã cứu được 2 vụ chìm ghe tại cầu này, không để mất mát tài sản, thiệt hại tính mạng của người bị nạn”.

Ngoài việc trực cứu người bị nạn, anh em còn phụ giúp UBND xã di dời những nhà bị nước ngập sâu đến nơi khô ráo và làm đủ mọi thứ mà địa phương yêu cầu, bất kể mưa nắng, ngày đêm. Ông Nghĩa bộc bạch: “Mình làm phước cứu người là chính nên không có trợ cấp thì... nhờ vợ con nuôi cơm. Nhưng chỉ mong sao chính quyền hỗ trợ thêm áo phao, phao cứu sinh chứ lèo tèo vài cái thì khó quá. Chúng tôi lo nhất là tai nạn xảy ra ban đêm, không có đèn pin hoặc đèn trên cầu thì cứu hộ rất khó khăn”.

Không có máy, không có xăng dầu làm sao lo chuyện cấp bách

Ở chốt cứu nạn cầu Trà Sư của thị trấn Nhà Bàn (Tịnh Biên - An Giang), chúng tôi gặp một nhóm thanh niên tình nguyện che lều bạt trực chiến ngay dưới gầm cầu đang thi công, cạnh dòng nước lũ từ kinh Vĩnh Tế đang đổ như thác vào Tứ giác Long Xuyên. Trang bị của chốt cứu nạn này khá tươm tất: 7 người 7 áo phao, 3 phao cứu sinh và một xuồng bằng composite. Anh Trần Ngọc Tuấn, chốt trưởng, cho chúng tôi biết: “ 7 anh em trong đội phần lớn đều đã có gia đình nhưng duy trì chế độ trực 24/24 nên chẳng ai phụ giúp được gì cho vợ con trong suốt mùa nước. Cũng còn may là Hội Chữ thập đỏ thị trấn Nhà Bàn lo được phần gạo ăn cùng gia vị, mắm muối, bà con chài lưới quanh vùng lâu lâu lại cho mớ cá, mớ tép kho ăn dần. Nhưng ngặt một nỗi là chính quyền cấp cho đội chiếc xuồng để cứu nạn mà không có máy nổ, chẳng có xăng dầu, lỡ xảy ra chuyện cấp bách thì chẳng biết phải xoay xở ra sao”.

Thường xuyên đối mặt với hiểm nguy

Theo số liệu của ban chỉ huy phòng chống lụt bão  (BCHPCLB) 2 tỉnh An Giang, Ðồng Tháp. Tại Ðồng Tháp đã thành lập được 266 điểm cứu hộ, cứu nạn ở những nơi xung yếu, nguy hiểm với gần 7.000 thành viên (trong đó có 751 thanh niên tình nguyện, còn lại là lực lượng chữ thập đỏ, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên), ở An Giang cũng thành lập hơn 250 chốt cứu hộ, cứu nạn với hơn 2.000 thành viên được trang bị hơn 1.000 phao cứu sinh và áo phao.  Ông Ðặng Ngọc Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ðồng Tháp, nói: “Cho đến nay, ngoài việc trang bị một số phương tiện cứu hộ, cứu nạn như phao, xuồng (dù chưa đầy đủ) thì lực lượng tình nguyện không có bất kỳ sự đãi ngộ nào dù nhiều người khi lũ về gia cảnh cũng khá khó khăn”. Ông Ðỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT An Giang, cũng đồng tình: “Thật tình thì BCHPCLB An Giang cũng chưa có nguồn nào để hỗ trợ cho lực lượng này ngoài nguồn chữ thập đỏ và các địa phương vận động, thu xếp, trong khi họ phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, sóng gió”.

ANH VŨ

 

 Mực nước sông Mê Kông đang lên

Mực nước ở trung, hạ lưu sông Mê Kông và vùng Ðồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên đang lên. Lúc 7 giờ ngày 22-9, tại Tân Châu là 4,55m (trên báo động III là 0,35m), tại Châu Ðốc là 4,17m (trên báo động III là 0,67m), tại Khánh An (An Giang) là 5,45m, tại Mộc Hóa (Long An) từ 2,47m (trên mức báo động III là 0,67m).

Dự kiến, lũ trung, hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên. Ðến ngày 27-9, mực nước tại Tân Châu lên mức 4,65m, tại Châu Ðốc lên mức 4,25m, đều cao hơn báo động III từ 0,45 đến 0,75m và cao hơn mực nước cao nhất cuối tháng 8.

Tình hình lũ, lụt còn diễn biến phức tạp.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo