xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vượt sức tưởng tượng của dân

TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

“Vượt sức tưởng tượng của dân” không phải là sự hy sinh, phấn đấu, cũng không phải những thành tựu to lớn của địa phương. “Vượt sức tưởng tượng của dân” là các biệt phủ nguy nga, tráng lệ, là sự giàu có không che đậy của các quan chức.

Đây là bức xúc được cử tri bày tỏ với Chủ tịch nước trong một buổi tiếp xúc vừa qua. Điều đáng nói là ở các địa phương càng nghèo khó thì sự phô trương của các quan chức về biệt phủ, về sự giàu có càng lộ liễu.

Tại sao lại xảy ra hiện tượng như vậy?

Phải chăng quyền lực ở nhiều địa phương là không bị giám sát? Nếu ở trung ương, báo chí còn có vai trò giám sát ở mức độ nào đó; thì ở nhiều địa phương, vai trò báo chí là hết sức mờ nhạt. Thậm chí, các cơ quan báo chí ở một số địa phương chỉ làm được mỗi chức năng là "đưa tin cung đình". Trong lúc đó các tổ chức thuộc xã hội lại kém phát triển và không có năng lực giám sát. Sự bất khả xâm phạm khi quyền lực đã được xác lập làm cho nhiều quan chức bị tha hóa rất nhanh chóng. Họ không còn biết tự kiềm chế và giữ gìn là gì nữa.

Sự tha hóa vì quyền lực còn dẫn đến thói kiêu ngạo, phô trương. Bất cứ quan chức nào cũng thừa hiểu là với thu nhập hợp pháp, chẳng ai có thể xây được biệt phủ. Tiền xây biệt phủ là không thể giải trình (trừ trường hợp có ai đó có đủ ngây thơ để tin vào tài nuôi lợn, mua bán lá chít hay chạy xe ôm của các quan chức). Không giải trình được nhưng vẫn thích phô trương. Nói rõ hơn, sự cẩn trọng đã bị tính kiêu ngạo lấn át.

Sự giàu có của các quan chức "vượt sức tưởng tượng của người dân" đang phản ánh một vấn đề rất lớn của hệ thống chúng ta. Đó là quyền lực vẫn chưa được giám sát hiệu quả. Chính vì vậy, tập trung xây dựng cơ chế giám sát quyền lực phải là nhiệm vụ không thể trì hoãn của những cố gắng cải cách thể chế mà chúng ta đang tiến hành.

Ngoài ra, muốn hay không, sự giàu có "vượt sức tưởng tượng của người dân" đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính danh của chính quyền. Ngày trước, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: "Đã rằng vì nước, vì dân/ Nước, dân còn khổ thì thân sướng gì". Từ ngày đó đến bây giờ, nước và dân đã đỡ khổ rất nhiều. Tuy nhiên, sự no đủ vẫn chưa đến với tất cả mọi người dân. Khá nhiều tỉnh thậm chí còn phải xin trung ương trợ cấp gạo để cứu đói cho dân.

Tại sao, nước và dân còn chưa hết khổ mà các "công bộc của dân" lại giàu sụ lên như vậy? Như thế thì có còn vì nước, vì dân hay không? Hay là ngày nay, thân cứ sướng; còn nước, dân thế nào thì mặc kệ? Và câu hỏi tiếp theo cứ hiển hiện trước mắt, dù không muốn song chúng ta vẫn phải đối mặt là: "Tại sao người dân lại phải tiếp tục nghe theo các quan chức như vậy mà không rút lại sự ủy quyền của mình?".

Rõ ràng, để lấy lại lòng tin của dân, để bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống, làm rõ và xử lý tất cả các quan chức có biệt phủ và tài sản "vượt sức tưởng tượng của người dân" phải là nhiệm vụ chính trị cấp bách của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo