xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Xà xẻo” tiền đền bù của dân

Bài và ảnh: MINH TUẤN

Người dân ở Quảng Bình bị ép nộp từ 30%-40% số tiền bồi thường đền bù giải phóng mặt bằng để đóng góp xây dựng nông thôn mới

Nhiều hộ dân thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã gửi đơn thư tới Báo Người Lao Động phản ánh về việc chính quyền địa phương lập hội đồng thu tiền bồi thường rồi ép họ nộp lại hàng chục triệu đồng trên danh nghĩa nhân dân “tự nguyện” đóng góp để xây dựng nông thôn mới.

Huyện và xã bất nhất

Cánh đồng Sào Sạn được người dân thôn Nam Lãnh khai hoang, phục hóa từ trước năm 1993. Tháng 3-2015, một phần đất trên cánh đồng này nằm trong diện quy hoạch của dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng khu tái định cư cho KCN Hòn La II.

Trong nhiều lần họp dân để lấy ý kiến về việc phân chia bồi thường, lãnh đạo UBND xã Quảng Phú và thôn Nam Lãnh đều khẳng định Sào Sạn là đất 5% của xã. Tuy nhiên, nhiều hộ dân, nhất là những người lớn tuổi, không đồng tình.

img

Một phần cánh đồng Sào Sạn (thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - ảnh trên) đã quy hoạch xây dựng khu tái định cư và ông Lê Nhớ Thương - trưởng thôn Nam Lãnh (ảnh dưới)

Một phần cánh đồng Sào Sạn (thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - ảnh trên) đã quy hoạch xây dựng khu tái định cư và ông Lê Nhớ Thương - trưởng thôn Nam Lãnh (ảnh dưới)

Ông Lê Thăng Long (SN 1975; ngụ đội 3, thôn Nam Lãnh) cho biết gia đình ông có gần 3 sào ruộng nằm ở thửa đất số 408 do ông Lê Nhẫn (là bố ông Long) khai hoang từ năm 1986, sau đó giao quyền cho ông sử dụng trồng hoa màu từ bao năm nay. Đến năm 2010, khi đoàn địa chất 104 về đo đạc lập hồ sơ địa chính, ông Long nhiều lần lên xã kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng UBND xã không đồng ý.

UBND huyện Quảng Trạch từng có văn bản số 190/QĐ- UBND vào ngày 27-1-2016 kết luận: “Các hồ sơ, tài liệu về quản lý đất đai từ thời điểm thu hồi đất trở về trước không đủ căn cứ để khẳng định thửa đất số 408, tờ bản đồ 32 là đất 5% thuộc quyền quản lý của UBND xã Quảng Phú và UBND xã cũng không có hợp đồng cho hộ gia đình ông Lê Thăng Long thuê đất 5% tại thửa đất này”.

Kết luận còn nêu rõ thửa đất này do hộ gia đình ông Long khai hoang sử dụng (không phải đất nhà nước giao) và đã sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp từ trước ngày 15-10-1993. Căn cứ các quy định của pháp luật thì hộ gia đình ông Long đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hàng chục lần ông Long lên xã kê khai để làm sổ đỏ nhưng xã không đồng ý dù ông có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Nhiều hộ gia đình khác nằm trong cảnh tương tự. Trong các cuộc họp, chính quyền xã Quảng Phú vẫn cho rằng đây là đất 5% của xã mặc dù đã có kết luận từ UBND huyện Quảng Trạch.

Sau đó, UBND xã Quảng Phú giao lại cho chính quyền thôn Nam Lãnh tự “bàn bạc” với dân để giải quyết. Khi xã “rút” thì thôn tiếp tục khẳng định toàn bộ diện tích đất của các hộ dân ở Sào Sạn phải quy vào diện tích đất của thôn. Thôn sẽ thu toàn bộ số tiền bồi thường. Thực tế toàn bộ đất khai hoang ở cánh đồng Sào Sạn của bà con đã có số thửa, trích lục bản đồ và được quy chủ.

Tự nguyện hiến tiền bồi thường?

Tháng 8-2015, tại một cuộc họp thôn, đại diện chính quyền xã Quảng Phú đã lập hội đồng thu tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tại đây, thôn Nam Lãnh đã làm một văn bản “giấy hỗ trợ tiền” và một phiếu thu. Bà con ai muốn nhận tiền hỗ trợ thì phải nộp lại 30%-40% số tiền được đền bù cho thôn trên danh nghĩa “tự nguyện”.

Căn cứ vào quyết định bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi ở Sào Sạn của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quảng Trạch áp giá đền bù thì cứ 1 sào ruộng, mỗi hộ dân được hưởng mức bồi thường 99 triệu đồng. Ông Lê Quang Trung (60 tuổi) cho hay nhà ông có 264 m2 đất ruộng nhưng chỉ nhận tiền đền bù có 50 triệu đồng, rồi nộp lại cho thôn 15 triệu đồng.

“Tui đến nhận tiền thì cán bộ đưa cho cái giấy bảo mình ký tên rồi họ lấy tiền trích lại, khi yêu cầu giải thích thì họ nói tui nhiều chuyện” - ông Trung nói.

Do không đồng ý với khoản tiền bị thôn trưng thu, hộ ông Lê Thăng Long đến bây giờ vẫn không nhận được tiền bồi thường dù ông đã nhiều lần lên gặp chính quyền xã Quảng Phú phản ánh. “Họ bảo đó là đất của xã, chừ muốn lấy tiền thì nhận mức giá bồi thường là 16 triệu đồng/sào, trong khi đó các hộ khác nhận 99 triệu đồng/sào. Tôi cảm thấy rất bất công mà không còn biết kêu ai nữa” - ông Long kể.

Tương tự, hộ bà Tưởng Thị Thắm có diện tích 2 sào bị thôn “trích” lại 60 triệu đồng, hộ ông Lê Văn Hòa 25 triệu đồng và 4 hộ gia đình khác là ông Lê Thanh Hải, Lê Văn Lệ, Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Quốc Đí bị thôn “trưng thu” với tổng số tiền 106 triệu đồng. Hộ ông Lê Thanh Quế (64 tuổi) có hơn 2 sào ruộng nhưng phải nộp lại cho thôn 72 triệu đồng.

Ông Lê Nhớ Thương, trưởng thôn Nam Lãnh, thừa nhận có “trích” 30%-40% tiền bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi ở Sào Sạn để xây dựng nông thôn mới theo “nghị quyết” của thôn. “Số đất trên không phải là đất của dân nhưng nhiều hộ dân đứng tên nên thôn châm chước cho nhận tiền đền bù. Họ phải trích lại để xây dựng nông thôn mới, với lại họ cũng có một phần nữa rồi. Cái này là dân tự nguyện chứ chúng tôi không ép buộc” - ông Thương biện hộ.

Sai nhỏ bỏ qua, coi sao đặng?!

Không phải đợi đến bây giờ người dân nghèo mới bức xúc phanh phui chuyện “xà xẻo” tiền hỗ trợ, tiền đền bù mỗi khi gặp khó khăn.

Vậy tại sao tình trạng này vẫn không dứt mà có chiều hướng tăng? Đó là do cách xử lý nửa vời, “đánh bùn sang ao” của các địa phương dính án.

Có những vụ việc, phân trần với các cơ quan truyền thông, lãnh đạo huyện lại cho rằng vì cán bộ ở xã, thôn, ấp trình độ còn hạn chế nên không biết lấy một phần tiền hỗ trợ của dân để phục vụ cho hoạt động địa phương là vi phạm pháp luật. Với lại, số tiền cũng không đáng kể và họ đã khắc phục rồi nên cảnh cáo rút kinh nghiệm là vừa.

Thật trớ trêu! Đã ít hiểu biết thì tại sao bố trí làm cán bộ? Mà đã gọi là pháp luật thì phải công bằng với mọi người chứ tại sao lại có cái kiểu xử lý du di như vậy. Lấy một đồng không phải của mình đã là kẻ gian, lấy nhiều đồng của nhiều người khác dựa trên cương vị của mình đang thực thi là tham ô, là cưỡng đoạt thì phải trị nghiêm để làm gương. Như vậy mới gọi là nhà nước pháp quyền.

Với cung cách quản lý, giám sát và kỷ luật sai phạm theo kiểu “nhỏ cho qua” như suốt thời gian qua thì ai cũng có quyền tin rằng sợi dây kinh nghiệm sẽ còn dài vô tận, rút hoài không hết. Hơn cả, tiền lệ này sẽ đẩy bức xúc của người dân, nhất là dân nghèo lên tới đỉnh điểm; đẩy pháp luật vào thế bất tuân. Như vậy thì quả quá nguy hiểm!

Minh Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo