“Trong giai đoạn trước mắt, nhà nước chưa kịp hoàn thiện thể chế và thiết chế để quản lý một số thị trường nhất định thì có thể hạn chế tư nhân đầu tư nhưng phải xác định rõ thời hạn. Tốt nhất là nên loại bỏ toàn bộ các ngành nghề được đưa vào danh mục với lý do tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia và chỉ giữ lại những ngành nghề mà sự tham gia của tư nhân có thể nảy sinh tác động tiêu cực. Cùng đó, phải xác định rõ thời hạn tối đa là 3 năm để nhà nước chuẩn bị cơ chế quản lý phù hợp, hết thời hạn phải để cho tư nhân tham gia” - đại diện VCCI góp ý.
Kiểm soát chặt mặt trái của độc quyền
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng trước đây việc quy định phân biệt đầu tư, kinh doanh theo lĩnh vực độc quyền hay không độc quyền của nhà nước thì đến nay cần được hiểu là chuyển sang điều kiện kinh doanh. Vì vậy, nếu ban hành nghị định trên thì sẽ có nhiều nội dung vi hiến và trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ Luật Dân sự năm 2015 về quyền tự do kinh doanh.
Nhà nước không nên tiếp tục ấn định và duy trì kéo dài tình trạng độc quyền nhà nước mà phải bảo đảm “kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” theo đúng quy định tại điều 15, Luật Cạnh tranh năm 2004 khi thị trường còn tồn tại độc quyền doanh nghiệp nói chung và độc quyền nhà nước nói riêng. Còn hiện nay, cần phải hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mặt trái của tình trạng độc quyền.
N.Quyết
20 ngành nghề dự kiến sẽ do nhà nước giữ độc quyền
1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp.
3. Sản xuất vàng miếng.
4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
5. Phát hành xổ số kiến thiết.
6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế).
7. Hoạt động dự trữ quốc gia.
8. In, đúc tiền.
9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam.
10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan.
11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân.
12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng.
13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải.
14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.
15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do nhà nước đầu tư.
16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch.
17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được nhà nước giao cho tổ chức kinh tế).
18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành).
19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng.
20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.