Cùng ngày, Thủ tường Nguyễn Tấn Dũng đã cắt băng khánh thành, chính thức thông xe, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi. Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 58,7 km, đi qua địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư khoảng 3.932 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ.
Việc thông xe kỹ thuật tuyến đường Hồ Chí Minh từ Năm Căn về Đất Mũi không chỉ chính thức nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau mà còn nối liền một dải Quốc lộ 1, thông suốt đến vùng đất thiêng liêng tận cùng đất nước.
Đưa cột cờ Hà Nội đến Mũi Cà Mau
Cùng dịp thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự lễ động thổ xây dựng công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp hình lưu niệm tại vị trí xây dựng cột cờ Hà Nội
Đây là biểu tượng thống nhất non sông tại vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội được xây dựng tại khu vực cột mốc tọa độ quốc gia GPS 001, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), điểm Cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, nằm trong Khu công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau.
Đây cũng là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh nối liền hai miền Bắc - Nam và là nơi ghi đậm những dấu ấn lịch sử của dân tộc trong các cuốc đấu tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc và vươn khơi lấn biển. Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc của Cột cờ Hà Nội, được xây dựng dưới thời Vua Gia Long vào năm 1812 ở phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long.
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội là nơi chứng kiến những mốc son lịch sử của Thủ đô và đất nước. Khi hoàn thành, công trình biểu tượng Cột cờ Hà Hội tại đất mũi Cà Mau vừa là nơi biểu diễn nghệ thuật, tham quan du lịch, vừa là nơi trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử.
Dự kiến, kinh phí xây dựng công trình này là 140 tỉ đồng từ nguồn vốn của TP Hà Nội và các nguồn vốn huy động khác.