xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xử nghiêm để giữ tài nguyên

Thùy Dương

Nhiều ý kiến cho rằng xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định khai thác khoáng sản là chưa đủ mà có thể cần xem xét đến biện pháp hình sự

Nghị định 33/2017/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 20-5-2017) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định cụ thể các mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm từ vài triệu đến hàng tỉ đồng.

Phạt cao nhất: 2 tỉ đồng

Nghị định này quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không lưu trữ thông tin, số liệu quan trắc; không quan trắc dưới 25% các thông số phải quan trắc; phạt 20-25 triệu đồng đối với hành vi không quan trắc từ 25% đến dưới 50% các thông số phải quan trắc; từ 50% đến dưới 75% thì phạt từ 25-30 triệu đồng và trên 75% sẽ tăng lên 30-40 triệu đồng.

Mức phạt sẽ là 60-70 triệu đồng nếu không thực hiện quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước. Đặc biệt, mức xử phạt có thể lên tới 250 triệu đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng nước quá quy định cho phép; không tuân thủ lệnh điều hành vận hành hồ chứa của cơ quan nhà nước; không tuân thủ trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả nước; vi phạm quy định dẫn đến gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa.

Việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định thì có thể xem xét về mặt hình sự Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định thì có thể xem xét về mặt hình sự Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Trong lĩnh vực khoáng sản, phạt từ 70-100 triệu đồng với trường hợp thăm dò trái phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng của hộ kinh doanh; 100-150 triệu đồng với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; 150-300 triệu đồng với trường hợp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và 300-500 triệu đồng với trường hợp thăm dò vàng, bạc, đá quý, platin, khoáng sản độc hại là tổ chức. Nếu khai thác khoáng sản vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại, mức phạt cao nhất là từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng khi khai thác khối lượng 500 tấn trở lên. Đáng lưu ý, mức xử phạt nói trên dành cho vi phạm của cá nhân. Với tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi, cao nhất lên tới 2 tỉ đồng.

Riêng trong lĩnh vực khai thác cát đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nghị định quy định phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ. Phạt 300-500 triệu đồng nếu khai thác cát, sỏi lòng sông có tổng diện tích vượt ranh giới khu vực được phép khai thác từ 100% trở lên hoặc từ 1 ha trở lên và vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 5 m trở lên.

Ngoài ra, phạt 50-70 triệu đồng với một trong các hành vi: không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh; thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng không đăng ký khối lượng nạo vét, khối lượng cát có thể thu hồi với UBND tỉnh. Đồng thời, phạt tới 200 triệu đồng nếu không có giấy phép khai thác.

Có thể xử lý hình sự

Nhiều ý kiến đánh giá các mức xử phạt hành chính nêu trên là khá mạnh tay, có sức răn đe nhất định đối với những đối tượng khai thác tài nguyên trái phép.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), ví dụ như khai thác cát, do đặc điểm là địa bàn khai thác nằm ở ranh giới 2 địa phương, phương tiện linh hoạt, dễ di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác, có thể khai thác bất cứ lúc nào nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi quản lý.

Theo ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội (QH), không chỉ riêng cát mà nhiều tài nguyên khác như rừng, nhiều loại khoáng sản khác như vàng, đá… đều đang bị khai thác trái phép, bừa bãi. Tuy nhiên, nói mãi rồi vẫn không xử lý hiệu quả. “Có bảo kê hay không, mức độ nào thì phải điều tra mới rõ nhưng có chuyện cơ quan chức năng làm ngơ thì mới có khai thác trái phép. Trong vấn đề này, tùy mức độ vi phạm, có thể xử lý về trách nhiệm công chức. Nếu bảo kê, có dấu hiệu nhận hối lộ thì có thể xử lý hình sự” - ông Hoàng đề xuất

Trong một cuộc tọa đàm tổ chức ở Hà Nội mới đây, thượng tá Nguyền Hồng Thao, Trưởng Phòng 4 Cục Cảnh sát Môi trường (C49) - Bộ Công an, cho biết ở một số điểm khai thác trái phép, lực lượng công an tham gia bắt giữ, sau khi xử lý thì một số nơi các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động lại. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành, xử lý hình sự một vụ khai thác tài nguyên khoáng sản, cụ thể là khai thác cát trái phép, là không thể và chỉ có thể xử lý hành chính.

“Vì chưa có văn bản hướng dẫn nên các cơ quan chức năng chỉ bắt giữ còn chuyển sang khởi tố là hết sức khó khăn. Cũng chính vì thế, khi các cơ quan chức năng lơi lỏng tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng lập tức khai thác lại” - ông Thao nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ QH), nhấn mạnh vấn đề khai thác khoáng sản được cử tri rất quan tâm và gửi nhiều kiến nghị nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung từ phía các bộ, ngành như “sẽ quan tâm”, “sẽ giải quyết”, “sẽ sớm ban hành quy định”.

Theo bà Hải, dù đã có các quy định, có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra vào cuộc nhưng việc xử lý vẫn chưa hiệu quả nên cần nghiêm túc xem lại quy định liên quan đến tài nguyên, khoáng sản nói chung để tìm biện pháp mạnh tay. Dù mức xử phạt hành chính được nâng lên rất nhiều nhưng nếu hậu quả của việc khai thác trái phép gây ra quá nghiêm trọng, ảnh hưởng tới môi trường và cộng đồng dân cư lớn thì cần đưa vào các biện pháp hình sự.

Có lỗ hổng rất lớn

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, hệ thống pháp luật của chúng ta có lỗ hổng rất lớn. Trong khai thác khoáng sản, việc cấp phép thuộc cấp tỉnh nhưng ngành giao thông lại có quyền cho nạo vét luồng lạch dẫn đến có hiện tượng lấn sang khai thác cát.

“Đáng lẽ chúng ta phải nhìn trước được việc này. Xã hội hóa luồng lạch có thể bị biến tướng, cần đưa ra giải pháp để ngăn chặn, tránh xảy ra hiện tượng như ở Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi nhóm lợi ích có tồn tại không hay chính quyền địa phương có đứng sau không?” - ông Võ bức xúc.

Với hoạt động khai thác liên quan đến nguồn nước, một chuyên gia am hiểu về thủy điện cho rằng nhiều địa phương do muốn có dự án đầu tư trên địa bàn nên đã cấp phép tràn lan các dự án thủy điện dẫn đến không quản lý được việc khai thác nguồn nước. Do đó, ngoài việc quy định xử phạt hành chính thì cần có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý trong cấp phép và yêu cầu chủ đầu tư đáp ứng quy định nhằm hạn chế thấp nhất những “tai họa” gây ra ở các dự án liên quan nguồn nước.

Nếu bất cập phải tính lại

Với hiện tượng “cát tặc”, ông Trương Minh Hoàng cho biết đã kiến nghị bộ trưởng Bộ TN-MT phải kết hợp Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ tính toán lại giá thực của cát. Sau đó, khu vực nào đồng ý cho khai thác cần thu ngân sách cho đúng giá thực và khi bán cũng phải bán đúng giá thực. Cùng với đó, cần có sự vào cuộc rốt ráo của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương, tuyệt đối không để tình trạng khai thác cát lộ liễu mà không biết hoặc cố tình “làm ngơ”.

“Luật Đường thủy đã quy định rõ thẩm quyền quản lý của địa phương tới đâu, thẩm quyền, trách nhiệm của bộ tới đâu. Sông nào cấp trung ương quản lý, sông nào thuộc cấp địa phương. Nhiệm kỳ QH khóa trước, tôi đã chất vấn Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này. Bây giờ cần cụ thể xem nó thuộc thẩm quyền của cấp nào, nếu còn bất cập phải tính toán lại. Chỉ giao cho một bộ hay một địa phương nào thì cũng không làm được mà phải vào cuộc đồng bộ mới ngăn chặn được” - ông Hoàng góp ý.

Chậm ban hành văn bản pháp luật

Báo cáo về mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy các quy định pháp lý của Việt Nam không hề thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định trên giấy và thực tiễn thi hành luôn là vấn đề lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, năm 2013, mức độ thực thi nhiều quy định của pháp luật về khoáng sản còn thấp. Ví dụ, quy định về cấp phép hoạt động khoáng sản có mức độ sai phạm khá cao: 1.086 sai phạm trên 957 giấy phép (tức trung bình mỗi giấy phép có 1,13 sai phạm).

“Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại nhất là tình trạng chậm ban hành các văn bản pháp luật. Theo Báo cáo số 1642 của Ủy ban KH-CN-MT của QH (ngày 14-8-2015), tồn tại hạn chế lớn nhất là tình trạng chậm ban hành một số văn bản so với yêu cầu công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, như: quy chuẩn kỹ thuật; định mức kinh tế - kỹ thuật công trình địa chất; nội dung thanh tra, giám sát chuyên ngành khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; một số văn bản đã ban hành chưa có tính khả thi cao, nhất là trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc này không chỉ gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai khoáng mà còn khiến việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không đạt hiệu quả cao trên thực tế” - báo cáo của VCCI chỉ rõ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo