xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

0,01 điểm và khoảng cách với thủ khoa

Bài và ảnh: TRANG NGUYỄN

Điểm số mong manh ấy cũng là một lời nhắc nhở tôi hãy bằng lòng với kết quả cuối cùng do chính nỗ lực của bản thân; không chút vướng bận, muộn phiền, trăn trở

Khoảng cách 0,01 trong bảng điểm toàn khóa có lẽ chẳng khiến mấy người quan tâm cân đong đo đếm. Nhưng với tôi, khoảng cách 0,01 ấy vẫn gieo vào lòng mình một nỗi tiếc nuối và cái tặc lưỡi "giá như mình cố gắng hơn tí nữa...".

25 mảnh ghép của ngày xưa

Chúng tôi là lớp dự án ở trường cao đẳng sư phạm đào tạo đơn môn vào năm 2003. Sau đợt công bố điểm chuẩn xét tuyển, lớp vỏn vẹn chỉ có 6 sinh viên. Tôi là người đầu tiên nhận giấy báo trúng tuyển vào lớp sau khi hạ điểm chuẩn lần thứ nhất.

Quả thật, chẳng có cái dại nào bằng sự khờ dại của tuổi 18 khi tôi tự mình loại bỏ một tác phẩm ngữ văn trong chương trình ngữ văn lớp 12 và sững sờ nhìn đề thi chiếm 50% số điểm lại chính là văn bản "bị bỏ rơi" ấy. Vậy là chỉ có thể vớt vát "hoa lá cành" cho phần mở bài và ngồi cắn bút.

Điểm số công bố sau đó ít lâu một lần nữa nhấn chìm tôi trong nỗi ân hận muộn màng. Những ngày dài lê thê chờ thông tin hạ điểm chuẩn dần dà bòn rút chút hy vọng mỏng manh. Rồi như người đuối nước được ném cho cái phao, tôi mừng rơn khi nhận giấy báo xét tuyển bổ sung, lóp ngóp đến trường làm hồ sơ.

Lớp ngữ văn thưa thớt vài người dần được lấp đầy chỗ trống. Lớp tôi chốt sĩ số 25 sinh viên với những mảnh ghép thú vị về hoàn cảnh, ngoại hình, tính cách và số phận. Chúng tôi gặp nhau ở hai điểm chung lạ kỳ đó là "thấp bé, nhẹ cân" và nghèo.

Vì "thấp bé, nhẹ cân" nên cứ mỗi lần đến giờ thể dục, chúng tôi lại bị trêu "lớp trời đè". Và vì nghèo nên ai cũng giàu ý chí, nghị lực, nhiệt tâm học tập, ganh đua về điểm số, cố gắng chen chân vào tốp 8 giành được học bổng.

Những năm đầu thế kỷ XXI mà lớp chỉ có một, hai chiếc xe tay ga của mấy nhỏ bạn "sang chảnh" sau một hồi cách biệt hoàn cảnh cũng sớm hòa nhập vào tập thể lớp: giản dị và mộc mạc đến kỳ lạ!

"Rượt" theo điểm số

Khốn khó tạo nghị lực vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. Chúng tôi như những đóa hoa dại kiên cường nương náu vào sự học để mơ về khát vọng lập thân, lập nghiệp.

Có nhỏ bạn thường xuyên nhịn đói đến trường vì khoản chi tiêu trong tuần được bố mẹ gói ghém đã hết sạch. Có nhỏ bạn lọc cọc dậy từ 4 giờ sáng đạp xe 30 cây số đến trường và quay về giữa trưa nắng chang chang với lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Còn nhỏ khác chẳng có tiền mua sách cứ lúi húi trên thư viện trường mượn sách rồi chép tay từng trang miệt mài như con ong chăm chỉ…

Vì xuất phát điểm ban đầu thấp hơn so với điểm số của các bạn trong lớp, tôi có phần e dè trong chuyện học hành. Rồi điểm tổng kết cuối kỳ lọt tốp 10 khiến tôi sống như trong mơ. Tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa, tôi cố gắng học hành gấp bội, tận dụng mọi khoảnh khắc của tuần dự trữ để ôn bài thi. Kết thúc năm học thứ nhất, với điểm tổng kết 7,54; tôi còn cách xa cô bạn dẫn đầu lớp lúc này đã vượt qua con số 8.

0,01 điểm và khoảng cách với thủ khoa - Ảnh 1.

Bạn cũ cùng khóa học năm xưa, gặp lại nhau trong một đợt chấm thi

Vậy là chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, tôi đã nhập cuộc "học đuổi", cứ nhìn điểm số cao nhất mà "rượt" theo. Điểm số của tôi tăng đều qua từng học kỳ, dần dà vượt qua con số 8,08 và cách không xa người dẫn đầu lớp. Sau tôi là cô bạn bí thư Đoàn cũng đuổi theo sát nút.

Hồi ấy, chúng tôi ngây thơ vô cùng, cứ đinh ninh rằng hễ bằng giỏi là được tuyển dụng, rồi điểm số càng cao càng có cơ hội được chọn trường. Kỳ thi cuối khóa cuốn chúng tôi quay vòng trong việc ôn luyện. Phòng học, hành lang, ghế đá hay bất cứ nơi đâu có thể yên tĩnh ôn bài đều có bóng dáng của mấy cô cậu lớp ngữ văn.

Không chỉ giáo viên chủ nhiệm mà các thầy cô trong khoa đều rất thương yêu chúng tôi. Nhớ hồi ấy, không biết bao nhiêu lần chúng tôi bị nhắc nhở trong học tập vì thiếu bài tập nhóm hoặc chưa đọc xong quyển sách cô giáo giao… Đằng sau mỗi lời nhắc nhở ấy là cả một tấm lòng bao la của những người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục lớp giáo sinh kế cận.

Luôn tri ân tấm lòng cô giáo

Vì nghèo nhất nhì trong lớp nên tôi được các thầy cô thương và để ý nhiều đến chuyện học hành. Trước kỳ thi cuối khóa, khi nhìn thấy điểm số của tôi suýt soát với cô bạn cao nhất lớp, một cô giáo trong khoa đã bảo tôi hãy đánh dấu bài thi của mình để cô cho điểm cao hơn.

Suốt 2 ngày liền đầu óc tôi quay cuồng với cái ý định đánh dấu bài thi cuối khóa. Tôi biết cô thương tôi, quá thương tôi nên mới bỏ nhỏ tôi về việc đó. Nhưng sự gian lận trong thi cử đối với chúng tôi hồi ấy là điều cực kỳ xa lạ. Lớp chúng tôi với 25 đứa học thật, thi thật và chưa bao giờ dám đụng đến "phao".

Sự nghiêm túc trong học hành, thi cử của chúng tôi từng nổi tiếng khắp trường hồi ấy. Các thầy cô nói mỗi lần được phân công vào lớp ngữ văn coi thi là y như rằng khỏe re. Không tài liệu, chẳng nhìn ngang liếc dọc và cứ thế cắm cúi làm bài đến khi chuông reo hết giờ.

0,01 điểm và khoảng cách với thủ khoa - Ảnh 2.

Những đôi mắt biết cười trong lễ tổng kết năm học

Vậy nên cái ý định đánh dấu bài thi chỉ "tôi biết, cô biết" ấy đã gặm nhấm suy nghĩ khiến người tôi mệt nhoài. Cuối cùng thì tôi cũng đã chiến thắng được nó, vượt qua lòng ham muốn điểm số mà bất kỳ ai cũng ao ước. Kỳ thi diễn ra, tôi vẫn làm bài thi bằng tất cả năng lực và sự cố gắng của bản thân.

Điểm số cuối khóa của tôi là 8,27; sát sao cô bạn thủ khoa với điểm tổng kết là 8,28. Khoảng cách 0,01 ấy có lúc khiến tôi dâng lên nỗi tiếc nuối, tặc lưỡi giả định nếu mình viết sâu hơn bài luận ấy, nếu mình ôn bài kỹ hơn chút xíu nữa thì biết đâu…

Nhưng 0,01 điểm và khoảng cách với thủ khoa ấy cũng là một lời nhắc nhở tôi hãy bằng lòng với những gì mình đạt được, bằng lòng với kết quả cuối cùng do chính nỗ lực của bản thân tạo ra. Không chút vướng bận, lo toan. Không chút muộn phiền, trăn trở.

Câu chuyện về 0,01 điểm ngày ấy vẫn được tôi kể cho các em học trò hôm nay và tự hào biết bao nhìn thấy ánh mắt ngưỡng mộ của các em về một người thầy từ "đậu vớt" dần vươn lên vị trí á khoa với tất cả ý chí, nghị lực của thời thanh xuân.

Còn lời gợi ý của cô giáo mà tôi yêu quý ngày xưa vẫn được tôi cất giữ trong một góc khuất sâu kín nhất... để tri ân, để gợi nhắc nhiều điều.

Tuổi thanh xuân của chúng tôi đã sống trọn vẹn, sống mạnh mẽ cho những mục tiêu lớn của cuộc đời. Mai sau ngoảnh lại, chúng tôi luôn tin rằng sẽ chẳng có chút hối tiếc nào về ngày xưa ấy... 

Cảm ơn cô giáo của tôi đã cho tôi một cơ hội san bằng điểm số nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn muốn đi thẳng, nhìn thẳng bằng đôi chân không chùn bước và cõi lòng an yên.

Bền gan, chí thú học hành

Nhìn gương bạn khó vẫn cố nuôi chí học hành, chúng tôi thêm bền gan bền chí trên giảng đường. Những ngày tháng sinh viên hoa mộng của chúng tôi ngày ấy chỉ biết học, học và học rồi so kè điểm số, hí hửng nhận học bổng, tự thưởng cho mình một đĩa cơm bụi 2.500 đồng có sườn chiên...

Đĩa cơm bụi hồi ấy sao ngon đến thế! Cả bánh mì kem, chè chùa, nước trái cây xanh đỏ nữa... Khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn và nhọc nhằn, những món ăn bình dân giá rẻ dành cho sinh viên nghèo vẫn neo giữ hoài trong ký ức đến tận bây giờ, để rồi thỉnh thoảng bất chợt nhớ lại hương vị xưa và thòm thèm...

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

0,01 điểm và khoảng cách với thủ khoa - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo