xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Asanzo được minh oan!?

THÙY DƯƠNG - SƠN NHUNG - NGỌC ÁNH

C03 - Bộ Công an kết luận việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước; gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam"... là phù hợp quy định

Cơ sở của khẳng định trên, theo kết quả điều tra vừa được Cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi đến Tổng cục Hải quan, là do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam".

Chưa có căn cứ xác định Asanzo làm sai, trục lợi

Liên quan đến việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" và "Hàng Việt Nam chất lượng cao" cho một số sản phẩm, Bộ Công an cho rằng mặc dù Tập đoàn Sharp xác định không có việc Công ty Sharp - Roxy ký hợp đồng dịch vụ với Asanzo vào ngày 24-1-2017 và càng không có việc Công ty Sharp - Roxy ký thư xác nhận hợp tác với Asanzo như doanh nghiệp (DN) này công bố nhưng đến nay, Bộ Công an chưa nhận được bất cứ đơn tố cáo hay tố giác Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán sản phẩm nhãn hiệu Asanzo. Các công ty là đại lý, nhà phân phối và tiêu thụ các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo cũng đều xác nhận không vì cụm từ nói trên để làm đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm của Asanzo mà căn cứ vào chất lượng, giá cả của sản phẩm để bán hàng.

Asanzo được minh oan!? - Ảnh 1.

Liệu người tiêu dùng có chọn sản phẩm của Asanzo khi biết rõ công ty này sử dụng linh kiện xuất xứ Trung Quốc? Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kết quả điều tra cũng cho rằng chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ Trung Quốc đội lốt hàng hóa có xuất xứ Việt Nam tại thị trường Việt Nam. Do đó, chưa có căn cứ xác định Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu này.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận kết luận nêu trên là phù hợp nếu xét theo góc độ pháp luật hiện hành. Bởi Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa đã có quy định rõ về tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng chưa có đối với hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa.

Lộ nhiều kẽ hở

Như vậy, từ chỗ mang nghi vấn "lừa dối khách hàng", "buôn lậu", Asanzo đã được "giải oan" khi Bộ Công an nhìn nhận việc ghi nhãn của DN này là phù hợp quy định. Tuy nhiên, từ đây cũng cho thấy quy định về ghi nhãn sản phẩm không thật sự chặt chẽ, gây ra nhiều tranh cãi cũng như khiến DN lúng túng khi áp dụng.

Giám đốc một DN chuyên về nhãn hiệu hàng hóa tại TP HCM thừa nhận đối chiếu với các quy định hiện hành, Asanzo không sai trong ghi nhãn sản phẩm. Nhưng không thể không đặt câu hỏi về việc nhiều DN không muốn ghi trên nhãn thông tin về xuất xứ linh kiện, nhất là linh kiện Trung Quốc. Do tâm lý người tiêu dùng Việt Nam lâu nay không ưa chuộng hàng hóa xuất xứ Trung Quốc và bởi không ghi rõ xuất xứ linh kiện cũng không sai quy định nên DN cố tình lờ đi. Đây là kẽ hở phải được xem xét lại và cân nhắc bổ sung quy định ghi xuất xứ linh kiện để người tiêu dùng lựa chọn.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm, nêu quan điểm mặc dù kết luận điều tra cho thấy DN không vi phạm nhưng việc quảng cáo sản phẩm công nghệ Nhật nhưng thực chất linh kiện Trung Quốc và được lắp ráp ở Việt Nam có thể coi là hành vi "lòe" người tiêu dùng. "Nếu biết linh kiện sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc thì có chắc người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua? Bởi vậy, luật pháp cần quy định chặt chẽ hơn vì lợi ích người tiêu dùng, tránh tình trạng nhập nhèm sản phẩm "phong cách Nhật" nhưng thực chất được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước khác. Nếu không điều chỉnh thì vi phạm trong sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghệ nói chung sẽ khó xác định, bản thân cơ quan quản lý cũng chỉ xử lý theo kiểu "vừa ném đá vừa dò đường" - ông Tú góp ý.

Luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, đặt vấn đề nếu không có quy định rõ ràng về nhãn hàng hóa, có thể xảy ra các trường hợp đưa hàng hóa, linh kiện được sản xuất ở quốc gia khác về Việt Nam lắp ráp và dán nhãn hàng Việt để hưởng lợi khi xuất khẩu. "Nếu một sản phẩm 100% linh kiện sản xuất ở nước ngoài, Việt Nam chỉ lắp ráp thì không được coi là "Made in Vietnam". Để thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước và bảo đảm đúng ý nghĩa của hàng Việt thì sản phẩm được coi là "Made in Vietnam" phải được sản xuất bởi DN Việt, có ít nhất 40% linh kiện được sản xuất trong nước. Với các nhãn "Sản xuất tại Việt Nam", "chế tạo tại Việt Nam"... cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn để tránh bị trục lợi" - luật sư Lê Thành Kính gợi ý.

Còn theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, hội chưa từng tiếp nhận vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng nào đối với các sản phẩm của Asanzo. Trong khi đó, sản phẩm cùng loại, nhất là tivi của các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng khác vẫn bị khiếu nại thường xuyên...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo