xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cùng tính lại cảng biển

NGỌC GIANG - MINH ANH

Tuy đã phát huy hiệu quả nhất định nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đều đề nghị tính lại quy hoạch cảng biển để khai thác tối đa lợi thế, phù hợp thực tế

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) và Đồng Nai đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét điều chỉnh quy hoạch một số dự án cảng biển trên địa bàn trong đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển vùng Đông Nam Bộ và Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cũng như quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt năm 2017.

Chưa như kỳ vọng

Theo UBND tỉnh BR - VT, tỉnh hiện có 69 dự án cảng được quy hoạch với tổng diện tích 2.528 ha bao gồm 48 dự án đang hoạt động (chiếm 69,9%) tương đương 1.006 ha, công suất thực tế 141,5 triệu tấn/năm và 16.158 m cầu cảng. Trong số này, có 42 dự án đã chính thức hoạt động, 4 dự án đang hoạt động tạm và 2 dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 chưa xây dựng giai đoạn 2. Riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) quy hoạch 35 dự án, 22 dự án đang khai thác với công suất 117,8 triệu tấn/năm với gần 10 km cầu cảng.

Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cùng tính lại cảng biển - Ảnh 1.

Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng đón được những tàu siêu trọng tải, được xếp vào nhóm cảng hàng đầu thế giới .Ảnh: NGỌC GIANG

Trong những năm qua, BR-VT luôn xác định cảng biển là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Với những nỗ lực đó, Cái Mép - Thị Vải đang thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với lượng hàng qua cảng đạt gần 9%/năm, tàu container cập cảng ở đây từ 9 chuyến/tuần vào năm 2015 tăng lên 24 chuyến/tuần vào năm 2020. Đáng chú ý, Cái Mép - Thị Vải là 1 trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn. "Nhờ vậy, dù hoạt động hàng hải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cụm Cái Mép - Thị Vải vẫn liên tục đón nhận nhiều tin vui, nhiều kỷ lục mới được xác lập như xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng; đạt năng suất xếp dỡ hàng container cao nhất Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung" - lãnh đạo tỉnh BR-VT cho biết.

Năm 2020, dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng tổng khối lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển tỉnh BR-VT (bằng tàu biển và sà lan) đạt 107,6 triệu tấn. Khối lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển bằng tàu biển đạt 76 triệu tấn, tăng 4%; trong đó, hàng container xếp dỡ qua cảng bằng tàu biển đạt 32,2 triệu tấn tăng 10% (tương ứng 4,3 triệu TEU tăng 20%). Khối lượng hàng rời đạt 33,6 triệu tấn tăng 7% và khối lượng hàng lỏng đạt 10,2 triệu tấn (giảm 17%). Bên cạnh đó, những năm qua, dịch vụ hậu cần cảng tại BR-VT đã có những chuyển biến tích cực, từng bước hình thành hệ sinh thái logistics; có thêm 152 ha kho bãi đi vào hoạt động, đang chuẩn bị thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Công tác cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua cảng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Tương tự, Đồng Nai cũng nhìn nhận hệ thống cảng biển đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của toàn tỉnh. Trong đó, huyện Nhơn Trạch là địa phương có số lượng cảng biển nhiều nhất trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được duyệt của Bộ GTVT. Cụ thể, theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt năm 2017, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch được quy hoạch 36 cảng biển. Trong số này, có 15 cảng biển tổng hợp, 20 cảng chuyên dùng và 1 trung tâm dịch vụ hàng hải. Hệ thống cảng biển này nằm trên 4 sông chính là Đồng Nai, Thị Vải, Lòng Tàu và Nhà Bè. "Hiện nay, trong số 36 cảng biển được quy hoạch trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã có 9 cảng được đầu tư xây dựng hoạt động ổn định và hiệu quả" - lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thông tin.

Tuy hệ thống cảng biển đã phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu không nhỏ nhưng cả tỉnh BR-VT và Đồng Nai đều cho rằng để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng cũng như tránh lãng phí nguồn lực của tỉnh thì cần phải có những điều chỉnh nhất định liên quan đến quy hoạch cảng biển.

Loại nhiều dự án không còn phù hợp

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, BR-VT đề nghị điều chỉnh 4 dự án cảng biển. Cụ thể, không tiếp tục quy hoạch dự án Bến cảng container Vũng Tàu và dự án Bến cảng container tiềm năng tại khu vực Sao Mai Bến Đình (TP Vũng Tàu); tạm dừng quy hoạch Bến cảng dịch vụ hàng hải, dịch vụ dầu khí và dự án Bến cảng LNG Côn Đảo.

UBND tỉnh BR-VT cho hay tháng 8-2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản kết luận cuộc họp Chính phủ về chủ trương đầu tư phát triển tổ hợp cảng và dịch vụ dầu khí tại khu vực Sao Mai - Bến Đình để thay thế cho 2 dự án là Bến cảng container Vũng Tàu và dự án Bến cảng container quốc tế Vũng Tàu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch liên quan tới 2 dự án này, trên cơ sở đó, tỉnh BR-VT đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư phát triển tổ hợp cảng và dịch vụ dầu khí tại khu vực Sao Mai - Bến Đình. Vì vậy, BR-VT đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam không tiếp tục quy hoạch dự án Bến cảng container Vũng Tàu và dự án Bến cảng container tiềm năng tại khu vực Sao Mai - Bến Đình trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo quy hoạch chung TP Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với 2 dự án bến cảng dịch vụ hàng hải, dịch vụ dầu khí và dự án Bến cảng LNG Côn Đảo (cùng ở huyện Côn Đảo), UBND tỉnh BR-VT cho biết theo quyết định của Bộ GTVT vào năm 2017 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Côn Đảo được quy hoạch 3 khu bến cảng gồm Bến cảng Bến Đầm là bến cảng tổng hợp và hành khách, tiếp nhận tàu 10.000 - 30.000 DWT (tàu khách 50.000 GT) hiện nay, Ban Quản lý cảng Bến Đầm là đơn vị vận hành khai thác; Bến cảng dịch vụ hàng hải và dịch vụ dầu khí là bến cảng tổng hợp cho tàu trọng tải 30.000 DTW và Bến cảng LNG Côn Đảo là cảng chuyên dụng. Trước đây, một số nhà đầu tư xin chủ trương để nghiên cứu đầu tư dự án bến cảng dịch vụ hàng hải và dịch vụ dầu khí và Bến cảng LNG Côn Đảo, tuy nhiên do các nhà đầu tư không thực hiện dự án và hơn cả với thế mạnh du lịch về tâm linh, bảo tồn cảnh vật thiên nhiên, công tác bảo vệ cảnh quan môi trường tại huyện Côn Đảo hết sức quan trọng nên UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư của các dự án này.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho rằng theo quy hoạch cũ thì hiện nay diện tích nhiều cảng biển đã không còn phù hợp. Do đó, cần rà soát lại quy hoạch và thu hồi các dự án "ghi danh" nhưng không triển khai, đồng thời hạn chế phát triển các cảng chuyên dùng. Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương để quy hoạch lại hệ thống cảng biển, trong đó có các cảng biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và Sở GTVT cũng đã có định hướng kiến nghị để điều chỉnh lại hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh, trong đó có các cảng biển tại huyện Nhơn Trạch. "Theo đó, đối với những cảng đã được xây dựng và hoạt động ổn định Đồng Nai kiến nghị giữ nguyên. Đối với các cảng đã được cấp phép nhưng đã hết hiệu lực và các cảng chưa được cấp phép thì thực hiện thu hồi và cấp phép mới với điều kiện phải tăng diện tích, quy mô các cảng biển" - lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai nói. Đặc biệt, trong quy hoạch sắp tới, Đồng Nai sẽ kiến nghị Bộ GTVT đưa ra quy định cụ thể về diện tích cảng, quy mô cầu cảng đối với các dự án cấp phép mới. Qua đó, hạn chế tình trạng phát triển các cảng biển manh mún, nhỏ lẻ, các cảng chuyên dùng. Đồng thời, khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện liên doanh, liên kết để tăng quy mô các cảng biển xây dựng mới nhằm khai thác tối đa hiệu quả. 

Kết nối sân bay với cảng biển

Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai và là cụm cảng biển nước sâu lớn nhất của cả nước hiện nay, sân bay Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải có đầy đủ các yếu tố để trở thành những trung tâm phát triển ngành hàng không và cảng biển trong thời gian tới.

Tiềm năng của 2 trung tâm trên chỉ phát huy tốt nhất khi xây dựng được hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện. Tuy nhiên trên thực tế, Quốc lộ 51 là tuyến giao thông kết nối duy nhất hiện nay giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang quá tải. Do đó, cả tỉnh BR-VT và Đồng Nai đều cho rằng cần nhanh chóng thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép để giải quyết nhu cầu giao thông, đặc biệt là khi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo