xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ba tôi và "tài sản" để lại

HOÀI HƯƠNG

Ba tôi đã đi về miền xa gần 30 năm, nhưng cảm giác như ba vẫn bên mấy mẹ con tôi hằng ngày như chưa hề âm dương cách trở

Cũng có thể việc vắng mặt ba trong nhà tôi đã là một sự bình thường, bởi ba là một người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, luôn đi công tác xa nhà, nên khi ba ra đi mãi mãi, mấy mẹ con vẫn không nghĩ đó là cuộc biệt ly vĩnh viễn.

Từ anh bộ đội đến nhà ngoại giao, tình báo

Ba tôi, năm 1945, mười lăm tuổi, đang là cậu học sinh giỏi của Trường "thuộc địa" Trung học Cần Thơ, đã đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp, làm liên lạc viên cho Bộ đội Long - Châu - Sa. 17 tuổi, ba đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. 9 năm kháng chiến, ba làm trợ lý tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn 5 đặc công Nam Bộ, rồi Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 338.

Năm 1954, ba tập kết ra miền Bắc. Theo yêu cầu của cấp trên, ba chuyển sang làm công tác ngoại giao thuộc Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, trực thuộc văn phòng Phủ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1965, ba được lệnh chuyển làm công tác bí mật, vào Nam "nằm vùng" hoạt động tình báo, thuộc lưới A22 chiến lược. Suốt nhiều năm công tác, với vỏ bọc chắc chắn, cùng sự hỗ trợ của đồng đội, đồng chí, của bạn bè, ba hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, ba lại trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary gây ra…

Ba tôi và tài sản để lại - Ảnh 1.

Ba tôi ở Đà Lạt, năm 1970, lúc hoạt động bí mật ở miền Nam

Thời gian làm công tác ngoại giao ở Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, ba tôi có giữ vài tấm hình chụp chung với Bác Hồ khi tiếp khách ngoại quốc, những bức hình này cũng là "tài sản" quý giá của gia đình tôi. Thi thoảng lật album, nhìn mấy tấm hình, ba nói với tôi, ba học được cách giao tiếp và phong cách đối với khách nước ngoài từ Bác Hồ.

Muốn làm tốt công tác ngoại giao, trước hết bản thân mình phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Ba đã vừa làm vừa học hàm thụ ở Khoa Sử và Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, tìm đến các nhà văn hóa học thời đó như ông Nguyễn Khắc Viện, ông Hữu Ngọc để tìm hiểu sâu về văn hóa Việt, tự đề ra cho bản thân mỗi tuần phải đến bảo tàng để học hỏi và hiểu biết thêm. Ba còn là một người "cầm - kỳ - thi - họa" tài hoa. Ba nói làm công tác ngoại giao, nhất là ngoại giao văn hóa, mà không biết chút gì về văn học - nghệ thuật thì kể như thất bại.

Những chuyện ba kể...

Tôi là cô con gái cưng của ba, có lẽ vì tôi phải xa ba ngay từ khi còn rất nhỏ và sau này cũng không có nhiều thời gian bên ba nhưng mỗi lần hai ba con có dịp ngồi với nhau, ba hay kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về thời gian hoạt động nội đô trong vai "tình báo Việt Cộng" thời kháng chiến chống Mỹ. Từ những câu chuyện của ba, tôi đã học được rất nhiều điều để ứng dụng trong tác nghiệp báo chí và cuộc sống sau này.

Ba nói khi tiếp cận một vấn đề, hãy nhìn nó theo nhiều chiều, cả lạc quan và bi quan, cả quá khứ, hiện tại, tương lai và đưa ra nhiều phương án giả định diễn tiến của vấn đề. Có như thế mới thấy được rõ, chủ động xử lý, không bị động, từ đó mới có thể nắm chắc được phần thắng. Ba cũng truyền cho tôi kinh nghiệm phải biết phán đoán, tư duy một hiện tượng bất thường xảy ra, dù nhỏ, bởi đằng sau đó có thể là một chuyện lớn, để tìm hiểu, phát hiện, điều tra… Ba kể ngày xưa, chợt thấy hàng "quân tiếp vụ" - hàng hóa của Mỹ cấp cho binh lính - được bày bán rộ lên trong chợ Dân Sinh hay chợ trời thì có thể hiểu hàng hóa viện trợ về nhiều, có thể sắp xảy ra đánh lớn - chiến dịch của Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh vào căn cứ quân Giải phóng, để báo tin cho bên mình biết, đối phó kịp thời.

Còn khi muốn tiếp xúc đối phương để tìm kiếm thông tin quý giá, quan trọng, hãy chịu khó đi "đường xa", để cho một lúc nào đó như vô tình khơi gợi vào vấn đề và đối phương sẽ nói ra. Tuy nhiên, lúc đó cũng đừng quá hồ hởi, nhiệt tình khi mục đích đã đạt, mà phải tạo vẻ ngoài thờ ơ, có thể sẽ còn thu nhặt thêm nhiều thông tin giá trị khác. Hiểu rõ tâm lý đối phương mà ta tiếp cận cũng là một vấn đề cần quan tâm nếu muốn khai thác thông tin từ họ. Đó là một nghệ thuật để chiếm được cảm tình của họ, từ đó họ mới có thể "rút ruột" cho mình nhiều thông tin cần thiết.

Tủ sách khởi nguồn đam mê văn chương

Như trên đã nói, ba tôi từng là một sinh viên hàm thụ Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội và ba có một niềm say mê với sách văn học, nên hầu như vào thời điểm đó có cuốn nào xuất bản, ba cũng mua về hay sưu tầm ở các hàng sách cũ. Cho đến khi ba vào chiến trường, tôi đã được sở hữu tủ sách văn học của ba, dù lúc đó rất nhỏ (chưa đến tuổi đi học). Đến khi tôi bắt đầu biết chữ thì thú vui đầu tiên của tôi là đọc sách, có thể thay thế tất cả các trò chơi trẻ con đương thời.

Với tầm tuổi của tôi thời đó, có thể nói hiếm có trẻ nào "ôm" những cuốn sách văn học thường dành cho người lớn và là tác phẩm kinh điển như: "Thằng ngốc" - Fyodor Dostoyevsky, "Bông hồng vàng" - Paustovsky, "Truyện ngắn Puskin", "Chiến tranh và hòa bình" - Lev Tolstoi, "Con đường đau khổ" - Alexei Tolstoi, "Sông Đông êm đềm" - M. Sholokhov, "Cây phong non trùm khăn đỏ" - Aitmatov, "Truyện ngắn A.P.Chekhov", "Hội chợ phù hoa" - William Makepeace Thackeray, "Jane Eyre" - Charlotte Bronte, "Đỉnh gió hú" - Emily Bronte… Chưa kể mấy chục cuốn truyện cổ tích, thần thoại của Nga, Việt Nam, Trung Quốc, anh em nhà Grim, truyện cổ Andersen, "Ngàn lẻ một đêm"…

Ba tôi và tài sản để lại - Ảnh 2.

Ba và tôi trước ngày ba vào Nam hoạt động bí mật Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH TÁC GIẢ

Trong chuyến xe của cơ quan mẹ tôi đưa gia đình vào TP HCM tháng 6-1975, hơn phân nửa chiếc xe gồm 6 thùng to là những cuốn sách của ba tôi. Tôi nhớ khi ba đón mấy mẹ con, nhìn đống thùng chất ngổn ngang, ba trách: "Đã nói đừng mang gì vào nhiều, đủ dùng trong mấy ngày đi đường thôi, mang chi cho vất vả, đã sắm sanh đầy đủ vật dụng, còn mua cả quần áo mới cho mấy mẹ con...". Nhưng khi tôi chỉ mấy cái thùng nói đó là tủ sách của ba, con không thể bỏ lại vì đó là tài sản của con thì ba mừng rỡ. Ba bế bổng tôi lên, hôn má tôi mà khen: "Trời, cục cưng của ba sao giỏi thế. Ba cảm ơn cục cưng".

Tôi đã mộng trong giấc mơ lâu đài văn chương từ hồi đó, từ lúc bắt đầu mon men vào tủ sách văn học của ba để lại cho tôi trước khi ba vào chiến trường. Chỉ tiếc, khi hôm nay, trên con đường văn của tôi có chút thành công thì ba đã thật xa.

Với tôi, những "tài sản" ba để lại cho con gái luôn là niềm tự hào về ba của tôi, để tôi sống thật tốt, thật hữu ích giữa đời, xứng đáng với tình thương và niềm tin của ba. 

Học nhiều điều từ sách

Với một đứa trẻ như tôi lúc đó, những cuốn sách danh tác văn chương nhân loại như thế chắc chắn đọc sẽ không thể hiểu hết, nhưng tôi vẫn nhìn ra trong đó là một thế giới kỳ bí huyền ảo, để như một mơ ước, có một ngày sẽ khám phá những điều lý thú lạ lùng đó. Lớn dần lên, tôi hiểu nhiều hơn, học được nhiều hơn từ những cuốn sách văn học trong tủ sách của ba gầy dựng.

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

Ba tôi và tài sản để lại - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo