xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo chí dấn thân

AN QUÝ

Nghề nghiệp nào cũng cần sự dấn thân, nghề báo cũng thế. Nhưng sự dấn thân của báo chí thời nay không chỉ bó hẹp trong nhiệm vụ sản xuất nội dung thuần túy mà phải xông pha làm nhiều việc khác hữu ích cho cộng đồng

"Các nhà báo luôn đi đầu trên mọi mặt trận: xưa là những phóng viên chiến trường không quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng vào sinh ra tử trong "mưa bom bão đạn" của chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã để lại một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, có người đã hiến trọn đời mình cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc. Khi hòa bình lập lại, đội ngũ nhà báo lại có mặt trên mọi nẻo đường, âm thầm, tận tụy cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, nhiều nhà báo đã dấn thân, sẵn sàng xung phong tác nghiệp tại tâm dịch, kịp thời có mặt tại các "điểm nóng", phản ánh toàn diện những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và toàn xã hội nhằm chiến thắng dịch bệnh, hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo". Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long đã viết như vậy trong thư chúc mừng những người làm báo, nhân dịp 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay (21.6.1925 - 21.6.2021).

LĂN XẢ, CỐNG HIẾN

Người đứng đầu ngành y tế đã dùng từ "dấn thân" để đánh giá nỗ lực và cống hiến của đội ngũ những người làm báo Việt Nam trong cuộc đại chiến với dịch Covid-19 suốt 2 năm qua. Nhận xét đó càng đúng vào dịp này - những ngày mà lẽ ra người cầm bút được quyền vui vầy với ngày truyền thống của nghề - thì lại tiếp tục căng mình cùng cả nước phòng chống dịch.

Trong gian khó mới tỏ lòng nhau, quả đúng như vậy. Không chỉ các lực lượng tuyến đầu như y - bác sĩ, bộ đội biên phòng... xung trận, báo chí cũng tiếp bước theo sau bằng hàng loạt chuyến công tác băng núi vượt sông để đến tận những vùng biên giới, "3 cùng" với các chiến sĩ biên phòng từ miệt Hà Tiên, An Giang đến Bình Phước, Tây Ninh ra Quảng Trị, Quảng Bình, tới tận rẻo cao Lào Cai, Hà Giang... Dưới cái nắng như thiêu đốt ở vùng biên giới Tây Nam hay cái lạnh cắt da nơi biên giới phía Bắc, phóng viên cũng đều nếm trải ngày đêm cùng lực lượng chức năng để ghi nhận và phản ánh chân xác công việc thầm lặng mà hết sức vất vả của họ, viết thành những thiên phóng sự, truyền/phát đến người dân cả nước, qua đó nhận được sự sẻ chia sâu sắc của toàn xã hội; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm chung trong phòng chống dịch.

Báo chí dấn thân - Ảnh 1.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (thứ ba từ phải qua), trao bảng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc (hợp phần của chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”) cùng nhiều nhu yếu phẩm tổng trị giá 450 triệu đồng cho quân, dân tỉnh Tây Ninh hôm 12-6. Người nhận bảng là ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Ảnh: QUANG LIÊM

Vận động cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai năm 2020, có thể kể đến các chương trình ý nghĩa như “Trái tim miền Trung” của Báo Người Lao Động, “Cùng Báo Thanh Niên vì miền Trung ruột thịt”, “Cùng Tuổi Trẻ cứu trợ miền Trung” hay “Cùng miền Trung vượt lũ” của Báo Sài Gòn Giải Phóng...

Ngay cả những nơi hiểm nguy đến sức khỏe, tính mạng nhất là các vùng dịch, ổ dịch hay khu cách ly, những người làm báo cũng không chùn bước. Phải tới nơi để chứng kiến tận mắt, gặp trực tiếp những người trong cuộc thì mới có thông tin, hình ảnh thời sự, thuyết phục, khách quan gửi đến độc giả, khán - thính giả trong nước và thế giới. Chẳng ai khác ngoài báo chí làm được điều đó.

Để thi hành nhiệm vụ, trước tiên họ phải tự "đấu tranh tư tưởng" và quên đi lợi ích của bản thân mình. Tôi biết chuyện một phóng viên của Báo Người Lao Động, vào tháng 5 năm ngoái được phân công vào khu cách ly dành cho "bà bầu" ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để viết bài. Hơn 220 "bà bầu" trong số hơn 340 người cùng từ Đài Loan về nước, đưa vào đây cách ly y tế 14 ngày, có nguy cơ mắc Covid-19 rất cao. Phải vào trong khu đó, tất nhiên phóng viên nào cũng ngán, trong khi phóng viên Báo Người Lao Động lại đang chăm vợ vừa sinh con, không lo sao được! Nhưng mình không làm thì ai làm, không vào thì làm sao viết và có khó khăn, nguy hiểm cũng phải gắng vượt qua. Thế là giấu vợ, đi! Kết quả là tòa soạn có cả series bài sinh động về điểm cách ly này, phục vụ bạn đọc.

Những ngày này, kẻ thù vô hình Covid-19 vẫn rình rập và đánh phá dữ dội. Miền Bắc nặng nhất là Bắc Giang, miền Nam là TP HCM và miền Trung sau nhiều tháng yên ả nay cũng đã bất an với hàng chục ca dương tính vừa phát hiện tại Đà Nẵng. Đồng hành với các lực lượng tuyến đầu, đội ngũ người làm báo vì thế cũng không một ngày ngơi nghỉ. Thông tin tuyên truyền là một mặt trận nóng bỏng; và họ lại tiếp tục xung trận...

DÂN QUÝ, BẠN ĐỌC TIN YÊU

Nếu chỉ kể chuyện tác nghiệp không thôi thì chưa nói hết tinh thần dấn thân, xung kích và sự đóng góp của báo chí. Các hoạt động sau mặt báo hướng về cộng đồng thể hiện rõ trách nhiệm của người làm báo cách mạng.

Dễ thấy nhất là cứu trợ đồng bào bị thiên tai. Hầu như năm nào miền Trung cũng oằn mình vì lụt bão còn vùng núi phía Bắc thì bị lũ quét gây thiệt hại nặng nề. Ngay khi thiên tai ập xuống, các báo - đài đã chủ động tổ chức chiến dịch vận động cứu trợ. Lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo, đồ gia dụng, tiền mặt... được quyên góp nhiều nguồn, vừa gửi qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc vừa trực tiếp đem về trao tận tay bà con. Hình ảnh phóng viên, nhà báo dầm mưa, vượt lũ đến tận những hộ gia đình gặp nạn trao tiền, quà hỗ trợ vừa mang tính nhân văn đậm nét vừa khẳng định rằng các báo, đài là cầu nối xứng đáng để các nhà hảo tâm trao gửi niềm tin. Từ đó, hoạt động cứu trợ lan tỏa rộng thêm, các cơ quan báo chí tiếp nhận nhiều hơn nguồn hỗ trợ từ các tập thể và cá nhân trong xã hội, không chỉ giúp đồng bào bị thiên tai vượt qua khó khăn trước mắt mà còn tạo được sinh kế lâu dài.

Báo chí dấn thân - Ảnh 3.

Phóng viên Báo Người Lao Động về tận vùng lũ ở miền cao Quảng Bình trao quà hỗ trợ cho người dân bị thiên tai Ảnh: TRẦN DÔN

2020 là một năm khá đáng nhớ, miền Trung chịu tổn thất kép - vừa bị dịch Covid-19 vừa bị thiên tai vùi dập. Các cơ quan báo chí TP HCM, với truyền thống nghĩa tình vốn có, đã kêu gọi quyên gói và gửi ra đồng bào nhiều khoản hỗ trợ lớn. Đây chính là những minh chứng toàn diện về trách nhiệm xã hội của báo chí.

Liên tục qua nhiều ngày - tuần - tháng - năm là các hoạt động thiện nguyện gắn với Covid-19. Không chỉ làm tròn nghĩa vụ thông tin, tuyên truyền mà cùng với Đảng, Chính phủ, các bộ - ngành và địa phương, rất nhiều cơ quan báo chí bằng những cách làm khác nhau đã chủ động chung tay chăm lo cho lực lượng tiền phương cũng như bệnh nhân khó khăn, người lao động bị mất việc, giảm thu nhập nhiều do dịch bệnh. Đây là việc tưởng khó có thể làm được, nhất là làm một cách bền bỉ, vì báo chí cũng bị dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng; lo chuyện trong nhà tưởng như đứt hơi, còn sức đâu lo cho thiên hạ! Thế nhưng, bằng cái tâm trong sáng, bằng sự kiên trì và sáng tạo, nhất là tiếp tục được bạn đọc trao gửi niềm tin, những người làm báo đã đồng hành với toàn dân, toàn hệ thống chính trị "chống dịch như chống giặc". Đài Truyền hình TP HCM (HTV) có quỹ "Chung một tấm lòng"; Báo Tuổi Trẻ mở cuộc vận động "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc-xin Covid-19"; đặc biệt, Báo Người Lao Động năm 2020 thực hiện chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" gây tiếng vang, quý II năm nay báo phát động chương trình công tác xã hội dài hơi "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", tiếp đó là "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" - sẻ chia với những địa chỉ cần giúp đỡ trong thời gian thực hiện giãn cách vì dịch Covid-19. Với khoản đóng góp rất lớn của bạn đọc, nhà hảo tâm..., báo tổ chức trao trực tiếp cho bên thụ hưởng một cách kịp thời. Đó là một trong những cách thể hiện phương châm của thương hiệu Báo Người Lao Động: Nhanh, Hay, Chính xác, Trách nhiệm, Nhân văn.

Báo chí lớn lên cùng đất nước. Nhà báo trưởng thành bằng ngòi bút trí tuệ và trái tim giàu yêu thương của mình. Cho đi ắt sẽ được nhận lại, bạn đọc chắc chắn không quên họ...! 

Đặc sắc Việt Nam

Có lần tôi hỏi một đồng nghiệp người Mỹ, từng làm việc cho một số tòa soạn ở Mỹ và châu Âu, rằng báo chí phương Tây có "làm công tác xã hội" nhiều như Việt Nam hay không? Anh ta nói cũng có nhưng chủ yếu là để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội (CRS: Corporate Social Responsibility) là chính; chứ còn làm một cách chân thành, rộng khắp và sâu đậm nghĩa tình thì chắc chỉ có ở Việt Nam.

2-ảnh-box-2

Quỹ "Chung một tấm lòng" của HTV nhận đóng góp từ một người bán vé số Ảnh: HTV

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi người làm báo Việt Nam thấu cảm nghĩa đồng bào, không bao giờ quên truyền thống "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo