xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo động an toàn bay

Dương Ngọc

Cục Hàng không Việt Nam lập 7 đoàn kiểm tra giám sát đặc biệt đối với Vietjet sau hàng loạt sự cố l Lập phương án dự phòng nếu Vietjet không được tăng chuyến dịp Tết

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành chỉ thị về việc bảo đảm an ninh, an toàn khai thác hàng không. Trong đó, Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo VietJet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay vừa qua.

7 sự cố trong 3 tháng

Theo Bộ GTVT, trong quý IV/2018, Vietjet đã để xảy ra 7 sự cố khai thác máy bay. Trong đó, 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật máy bay, 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không. Tính chung trong năm 2018, hãng hàng không này để xảy ra 2 sự cố mức B (nghiêm trọng, xếp sau mức A - tai nạn) trong tổng số 3 sự cố nghiêm trọng của năm. 4 sự cố liên tiếp gần đây đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách.

Báo động an toàn bay - Ảnh 1.

Máy bay bị rơi 2 bánh trước tại sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) Ảnh: CAO NGUYÊN

Đặc biệt, trong tháng 11 và 12 đã xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng. Ngày 29-11, chuyến bay VJ356 trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), 2 bánh càng mũi đã bị rơi ra khỏi máy bay. Chưa đầy 1 tháng sau (ngày 25-12), chuyến bay VJ689 đã hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) sau khi phải quay lại hạ cánh do gặp hỏng hóc kỹ thuật.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng cho biết cả 2 vụ này đều do lỗi phi công. Trong vụ máy bay Vietjet bị văng bánh ở sân bay Buôn Ma Thuột, phương thức tiếp đất không chuẩn khi bánh mũi (bánh trước) tiếp đất trước trong khi thiết kế của máy bay không cho bánh mũi tiếp đất trước mà là bánh sau.

Còn vụ Vietjet hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh là do cơ trưởng người Philippines quá chú trọng tới cảnh báo kỹ thuật nên mất tập trung, lệch hướng hạ cánh khi tiếp cận đường băng.

Giám sát đặc biệt

Tại cuộc họp đột xuất với các đơn vị liên quan ngày 27-12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải làm việc với các hãng hàng không về vấn đề này. Cần sắp xếp, bố trí các tổ bay làm việc theo đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của phi công, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc. Phải đặt an toàn hàng không làm hàng đầu, dứt khoát không để xảy ra tai nạn hàng không.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục HKVN tổng kiểm tra lực lượng phi công; Cục HKVN áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air, đặc biệt là ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh. "Tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với Vietjet Air cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25-12; trường hợp đặc biệt có văn bản báo cáo Bộ GTVT xem xét, giải quyết" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết Cục HKVN vừa lập 7 đoàn công tác thực hiện kiểm tra giám sát đặc biệt đối với Vietjet từ ngày 28-12-2018 đến 15-1-2019. Trong 7 đoàn kiểm tra, có 2 đoàn làm việc tại trụ sở của Vietjet, kiểm tra toàn bộ chính sách, quy trình khai thác đường bay, chương trình huấn luyện đào tạo; 1 đoàn kiểm tra riêng về huấn luyện; 4 đoàn sẽ làm tại 4 cảng hàng không Đà Nẵng, Cam Ranh, Nội Bài và Tân Sơn Nhất, kiểm tra tất cả các chuyến bay của Vietjet. Đặc biệt, 1 đoàn kiểm tra trực tiếp trên các chuyến bay của Vietjet, chuyên gia sẽ chọn và bay kèm trên chuyến bay để giám sát, đánh giá.

Đây là giai đoạn 1 của quy trình giám sát đặc biệt. Sau ngày 15-1, nếu Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, bảo đảm tuyệt đối an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục HKVN sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2, làm chặt hơn và thậm chí sẽ có thể cắt giảm các chuyến bay nếu cần thiết.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục HKVN đã giao Phòng Vận tải hàng không nghiên cứu phương án vận chuyển hành khách dự phòng trong trường hợp Vietjet không được tăng chuyến trong dịp Tết nguyên đán. Vietjet là hãng có số bay tăng chuyến dịp Tết nhiều nhất. Nếu Vietjet không đáp ứng được yêu cầu, sẽ có phương án dự phòng, phối hợp Vietnam Airlines và Vietjet trong việc tăng chuyến bổ sung, bảo đảm không ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của hành khách.

Về việc xử lý sau các sự cố hàng không, đại diện Vietjet cho biết hãng đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo dưỡng, tăng cường kiểm tra chéo bảo đảm chất lượng bảo dưỡng trước khi đưa vào khai thác. Cử cán bộ đi giám sát ở các sân bay, chấp hành các chỉ đạo của Cục HKVN trong quá trình giám sát đặc biệt. Lãnh đạo ban điều hành công ty bảo đảm khai thác tuyệt đối an toàn thời gian sắp tới, hạn chế tối đa sự cố.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vietjet có lượng khách vận chuyển nội địa cao nhất với 59.944 chuyến bay, tăng gần 22%. Tổng doanh thu đạt 21.197 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch, trong năm 2018, hãng này sẽ nhận 17 tàu bay Airbus.

Cần hết sức cảnh giác

Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung cho rằng hãng hàng không cần xem xét, kiểm tra lại chất lượng hoạt động của mình như thế nào, chất lượng phi công ra sao mà sự cố lại xảy ra liên tiếp như thế.

Điều quan trọng là Cục HKVN cần kiểm tra chặt chẽ hơn, khuyến cáo cụ thể hơn để các hãng thực hiện nghiêm túc. Trước những sự cố, người kinh doanh ngành hàng không phải luôn đề cao cảnh giác, nâng cao uy tín, tăng cường chế độ an toàn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo