xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BẢO TỒN BIỂN VỊNH NHA TRANG: S.O.S! (*)": Điều tra nguyên nhân để ngăn chặn

NGUYỄN HỒNG ÁNH

Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo kiểm tra nguyên nhân hệ sinh thái Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang bị hủy diệt để kịp thời ngăn chặn, có biện pháp phục hồi

Ngày 12-6, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc kiểm tra thông tin liên quan việc suy giảm rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang mà Báo Người Lao Động phản ánh trong nhiều ngày qua.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân

Theo chỉ đạo trên, cơ quan thẩm quyền phải kiểm tra nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa trước ngày 19-6.

Trao đổi thêm về chỉ đạo này, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, giải thích: "Bây giờ tất cả nguyên nhân đều có thể xảy ra. Do vậy, phải kiểm tra, kết luận nguyên nhân cụ thể là do đâu để đưa ra giải pháp cho đúng. Sau khi có kiểm tra, báo cáo chính thức, tôi sẽ chỉ đạo nghiêm túc vụ này. Trách nhiệm của ai là phải nói rõ".

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ quan quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang là UBND TP Nha Trang. Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho UBND TP Nha Trang đề nghị Viện Hải dương học và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đánh giá tình hình, nghiên cứu kỹ rạn san hô ở khu bảo tồn biển này.

BẢO TỒN BIỂN VỊNH NHA TRANG: S.O.S! (*): Điều tra nguyên nhân để ngăn chặn - Ảnh 1.
BẢO TỒN BIỂN VỊNH NHA TRANG: S.O.S! (*): Điều tra nguyên nhân để ngăn chặn - Ảnh 2.

Hệ sinh thái ở Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang đang bị suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: KỲ NAM

"Phải làm rõ tại sao hệ sinh thái bị hủy diệt như thế. Do biến đổi khí hậu hay do khai thác của con người trong quá trình tổ chức các hoạt động du lịch, khai thác hải sản? Phải cho kiểm tra tổng thể khu vực vịnh; kể cả việc san lấp, lấn biển có ảnh hưởng đến môi trường biển hay không?" - ông Tuân nhấn mạnh.

PGS-TS, đại tá Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái Nhiệt đới thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, cho rằng việc bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái ở khu bảo tồn biển này là vô cùng cấp thiết. Ông góp ý: "Để đánh giá được chính xác suy thoái là do nguyên nhân gì thì các nhà khoa học nên vào cuộc ngay điều tra, đánh giá một cách đầy đủ, chi tiết. Khi đã xác định được nguyên nhân do tự nhiên hay con người gây ra thì chúng ta mới có biện pháp bảo tồn, phục hồi được những hệ sinh thái biển bị suy thoái".

PGS-TS Nguyễn Đăng Hội cũng khẳng định các nhà khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga sẽ bắt tay ngay vào việc điều tra đánh giá lại hệ sinh thái của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang sau khi có đề nghị từ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

Ngăn chặn khai thác kiểu hủy diệt

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề cập nguyên nhân khai thác hải sản trái phép có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển.

Theo ông Luân, dù rất nỗ lực nhưng những năm qua, việc xây dựng các khu bảo tồn biển của Việt Nam chưa đạt kết quả như mong muốn. Có một số nguyên nhân như do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển đã tác động lên các khu bảo tồn và nguồn lợi thủy sản nhưng nghiêm trọng nhất là tác động của con người khi sử dụng nghề, ngư cụ đánh bắt ở các vùng hải sản không đúng quy định.

BẢO TỒN BIỂN VỊNH NHA TRANG: S.O.S! (*): Điều tra nguyên nhân để ngăn chặn - Ảnh 3.

Tàu đánh bắt hải sản trái phép trong vùng cấm ở Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. (Ảnh do Ban Quản lý vịnh Nha Trang cung cấp)

Ông Luân nhấn mạnh: "Tình trạng sử dụng chất cấm, ngư cụ cấm để khai thác mang tính hủy diệt không chỉ tác động đến nguồn lợi thủy sản mà còn đến hệ sinh thái ở các khu vực biển. Vì thế, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật tại địa phương để ngăn chặn hoạt động khai thác mang tính hủy hoại hệ sinh thái".

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu - cảnh báo môi trường biển đang xuống cấp, một số khu vực cục bộ tiếp tục bị đầu độc bởi những nguồn thải vào biển ngày càng gia tăng, kể cả vật chất nhận chìm công khai theo luật. Nhiều khu vực, đặc biệt những nơi có giá trị bảo tồn cao như Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, lại nằm ở ven bờ, có những cảnh quan nổi, cảnh quan ngầm rất đẹp càng dễ bị tổn thương, vượt quá sức chống chịu.

Ông Hồi lưu ý việc đầu tiên cần làm ngay lúc này là làm rõ nguyên nhân làm suy thoái hệ sinh thái ở Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Trong đó, chú ý đến yếu tố do khu bảo tồn nằm gần bờ nên đã chịu những tác động ven bờ (như khai thác hải sản, du lịch…) nhưng không kiểm soát ngay từ sớm, từ xa.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam còn đề xuất xây dựng mô hình kinh tế bảo tồn như Anh cũng như nhiều quốc gia đang áp dụng hiệu quả. Với mô hình này, không chỉ bảo tồn được giá trị của biển mà Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn. 

Ông LÊ MINH NGÂN, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Không thể đánh đổi môi trường

Phải bảo đảm nguyên tắc kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, không lấy phát triển kinh tế để đánh đổi môi trường. Chúng ta đã thành lập các khu bảo tồn biển, đã xác định bảo tồn rồi thì phát triển kinh tế phải lựa chọn các ngành sao cho không ảnh hưởng đến các khu bảo tồn. Ở những khu bảo tồn thì có thể triển khai du lịch sinh thái chứ không thể tác động vào đó những công trình xây dựng hoặc những hoạt động ô nhiễm làm ảnh hưởng đến khu bảo tồn.

Về nguyên tắc, những khu vực đã được quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt thì các hoạt động kinh tế phải đánh giá tác động môi trường và phải cân nhắc đến những tác động của nó. Đối với vịnh Nha Trang, chúng tôi mong địa phương cần dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, có những quyết định để bảo đảm phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường.

Phải có kế hoạch phục hồi

Tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 12-6, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - khẳng định muốn phát triển kinh tế biển bền vững cần bảo vệ tốt môi trường biển, ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái biển, đặc biệt ở các khu bảo tồn biển.

"Cần chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển đảo, khoanh vùng bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô. Phải có kế hoạch để phục hồi các khu, hệ sinh thái đa dạng sinh học bị suy giảm; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển đảo, nguồn thải từ vận tải, hoạt động du lịch, nguồn thải từ nuôi trồng đánh bắt hải sản; tích cực khắc phục và tuân thủ theo quy định đối với việc khai thác hải sản bất hợp pháp" - ông Trần Tuấn Anh lưu ý.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo