xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bão vừa, trụ điện "đủ chuẩn" vẫn gãy la liệt

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu tạm dừng sử dụng các cột điện bê-tông ly tâm dự ứng lực và đánh giá lại tính phù hợp của loại trụ điện này trong điều kiện tự nhiên nhiều gió bão ở miền Trung

Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) ngày 22-9 có thông cáo cho biết bão số 5 đã làm 304 cột điện bị gãy, 169 cột đổ và 143 cột nghiêng. Trong số 304 cột bị gãy có 34 cột bê-tông ly tâm dự ứng lực và 270 cột bê-tông ly tâm thường. Cột điện gãy, đổ, nghiêng xảy ra ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

"Không hiểu sao dễ gãy đến vậy" (?!)

Cùng ngày, sự cố mất điện do hàng trăm trụ điện gãy, đổ ở thị trấn Thuận An và TP Huế của tỉnh Thừa Thiên - Huế mới cơ bản khắc phục xong. Trước đó, theo báo cáo của Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, cơn bão số 5 đã làm gãy, đổ 272 cột điện trung áp và hạ áp.

Nhiều người đặt nghi vấn tại sao gió bão chỉ khoảng cấp 6 đến cấp 8, giật cấp 9 cấp 11 nhưng sao quật được trụ điện vốn được thiết kế chịu gió giật trên cấp 12? Thậm chí chính Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cũng thừa nhận "dù đây là cơn bão được đánh giá là có cường độ chưa mạnh nhưng đã gây gãy đổ rất nhiều cột điện".

Bão vừa, trụ điện đủ chuẩn vẫn gãy la liệt - Ảnh 1.

Trạm biến áp ở thị trấn Thuận An được gắn trên 2 cột điện bê-tông ly tâm truyền thống nhưng vẫn bị gãy

Theo khảo sát của phóng viên ngày 22-9, tuyến điện trung áp kết hợp đường dây hạ áp dọc đường Quốc lộ 49A vẫn còn nhiều cột điện bị nghiêng, một số gãy lòi cả sắt bên trong. Trước đó, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã huy động lực lượng dọn dẹp trạm biến áp ở đường Hoàng Sa, thị trấn Thuận An, bị gãy cột, đổ sập. Trạm biến áp bị sập được gắn trên 2 cột trụ bê-tông ly tâm. Chỗ gãy cách mặt đất chừng 0,5 m, lòi ra nhiều sắt phi 10-12.

Ông Phạm Thanh Lâm, giám đốc một công ty xây dựng tại TP Huế, tỏ ra bất ngờ trước việc bão không mạnh nhưng cột điện gãy nhiều. Ông Lâm cho biết đơn vị ông đã thi công nhiều công trình nhà hàng, khách sạn theo phương pháp kỹ thuật bê-tông dự ứng lực. "Các sợi thép được kéo ra nhỏ, khẩu độ rất lớn. Giải pháp kỹ thuật này có nhiều ưu điểm hơn khuyết điểm. Đối với cột điện hình tròn thì đã giảm được lực gió rất nhiều nhưng không hiểu vì sao lại dễ gãy đến vậy" - ông Lâm nói.

Gãy... "đúng tiêu chuẩn"!

Theo EVNCPC, qua kiểm tra thực tế, các trụ điện gãy có nguyên nhân từ cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường, quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn… Một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột.

"Chúng tôi đã tiến hành rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị đều bảo đảm theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Qua rà soát, các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt" - thông cáo nêu.

Cũng khẳng định các cột điện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đúng tiêu chuẩn, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, cho rằng sức gió của cơn bão số 5 khó lường, gây ra các hiện tượng quăng, quật, giật, xoáy làm ngã hàng loạt vật cản trên đường di chuyển, trong đó có trụ điện.

Trong thời gian tới, EVNCPC cho biết sẽ tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu cây cối, công trình tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, đặc biệt chặt tỉa cây cối trước mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại lưới điện. 

Tạm dừng sử dụng cột bê-tông ly tâm dự ứng lực

Trong cơn bão số 12 năm 2017, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa có khoảng 115 trạm biến áp phải sửa chữa hoặc thay mới; gần 1.900 cột bị gãy, 1.700 cột nghiêng. Đây là cơn bão rất mạnh, sức gió rất lớn, xoáy trong khi đường dây điện vướng vào vật cản như tôn bay, cây đè... là nguyên nhân gây ra hiện tượng trụ điện gãy, nghiêng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chánh văn phòng Công ty CP Điện lực Khánh Hòa cho biết hiện nay, ngành điện ký hợp đồng với các nhà máy sản xuất trụ bê-tông bằng công nghệ mới là ly tâm dự ứng lực. Công nghệ này dùng thép dự ứng lực nhập khẩu với ưu điểm tiết kiệm nguyên liệu, vận chuyển. Nhược điểm là lực uốn kém hơn nên thường gãy ngang. Công nghệ này cho phép dùng thép phi 9 kết hợp xi-măng độ cứng cao. Bê-tông tính toán cụ thể từng thành phần một sẽ có chất lượng tương đương với thép phi 20-22 so với trụ ly tâm thường để bảo đảm theo TCVN đã quy định. Khi hỏi về việc thay đổi công nghệ để cột điện có sức chống chịu tốt hơn trước gió bão, chánh văn phòng Công ty CP Điện lực Khánh Hòa cho biết vẫn chưa có thông tin.

Trong khi đó, sau khi xảy ra tình trạng cột điện gãy hàng loạt sau bão số 5, EVN yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá điều kiện tự nhiên của khu vực miền Trung cũng như tính phù hợp của loại cột ly tâm trong điều kiện cụ thể như diễn biến của đợt bão vừa qua. Trong khi chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, tạm dừng sử dụng các cột điện bê-tông ly tâm dự ứng lực.

K.Nam

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo