xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 ở 3 tỉnh, thành

Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh

Sáng nay, 8-3, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay sẽ được mở đầu tại Hà Nội, TP HCM, Hải Dương với sự chỉ đạo trực tiếp của 3 thứ trưởng Bộ Y tế

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương (TP Hà Nội), BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, Trung tâm Y tế TP Hải Dương, Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) sẽ triển khai tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên cho các nhân viên y tế là nhóm đối tượng có nguy cơ cao vào sáng 8-3.

Triển khai thận trọng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, do đây là lần đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho người lớn ở quy mô rộng nên tại các điểm tiêm này sẽ có 3 thứ trưởng Bộ Y tế giám sát, chỉ đạo.

"Thời gian đầu thực hiện tiêm vắc-xin, Việt Nam triển khai thận trọng, bảo đảm theo dõi, đánh giá. Trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm tiêm trên diện rộng hơn trong thời gian ngắn nhất có thể" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết dù vắc-xin AstraZeneca về từ cuối tháng 2 nhưng Bộ Y tế vẫn phải chờ giấy chứng nhận xuất xưởng của Hàn Quốc, đồng thời phải đánh giá lại tất cả những vấn đề liên quan lô vắc-xin này trước khi thực hiện những mũi tiêm đầu tiên cho nhóm nguy cơ cao. Trong số hơn 117.600 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, Bộ Y tế đã sử dụng 600 liều để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu và Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin - sinh phẩm y tế theo quy định.

Chiều 7-3, BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết sẽ có 100 cán bộ, nhân viên y tế của BV được tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca trong sáng 8-3. Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Để việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, BV đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ phương tiện, kỹ thuật cần thiết nhằm theo dõi sát người được tiêm.

Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Ai bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24 giờ tại BV.

Tại Hải Dương, Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành là 2 điểm đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, sau đó tới 10 huyện, thành phố, thị xã còn lại. Tỉnh Hải Dương hiện có 700 người mắc Covid-19 và hơn 2.600 trường hợp tiếp xúc gần, đang cách ly tập trung. Các cơ sở y tế ở Hải Dương vẫn đang điều trị cho gần 300 bệnh nhân Covid-19.

Theo Sở Y tế tỉnh Hải Dương, các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin đợt này gồm: nhân viên y tế đã, đang điều trị bệnh nhân Covid-19; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung; thành viên tổ truy vết, trực chốt; nhân viên tham gia điều tra dịch tễ; cán bộ trực tiếp tiêm chủng vắc-xin Covid-19; lực lượng quân đội; lực lượng công an; lực lượng tổ "Covid cộng đồng" tại TP Chí Linh, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, Nam Sách.

Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng với CDC tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắc-xin theo đúng quy chuẩn và chuẩn bị địa điểm, nhân lực, phương tiện bảo đảm quy trình tiêm chủng an toàn. Trong quá trình tiêm phải tuân thủ thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay, khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm, theo dõi sau tiêm…

Tại phía Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM được phân bổ 8.000 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. BV Bệnh nhiệt đới TP HCM là đơn vị đầu tiên của TP được ưu tiên tiêm vắc-xin này. Trong vòng 1 tuần, 900 nhân viên y tế của BV là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ sẽ được tiêm vắc-xin luân phiên.

Cụ thể, 7 đối tượng của BV Bệnh nhiệt đới TP HCM được tiêm đợt này thuộc khoa nhiễm D, khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, phòng công tác xã hội, phòng xét nghiệm sinh học phân tử, hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc BV. Thời gian tiêm được chia theo 2 ca, buổi sáng và buổi chiều cùng ngày 8-3.

BV Bệnh nhiệt đới TP HCM vốn là nơi thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa cho người dân. Do đó, việc tổ chức tiêm vắc-xin tại đây rất phù hợp khi nhân sự có kinh nghiệm, có các phác đồ chống sốc cùng các trang thiết bị để hồi sức. Trước khi tiêm vắc-xin, ban giám đốc BV đã lên các kịch bản, xử lý tình huống và thông tin đầy đủ cho nhân viên.

Bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 ở 3 tỉnh, thành - Ảnh 1.

900 nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM sẽ được tiêm vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 trong tuần này. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chuyển vắc-xin đến các địa phương

Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, số vắc-xin tiêm phòng Covid-19 cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao đã và đang được vận chuyển về các địa phương, bộ, ngành.

Theo quyết định của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc-xin phòng Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 13 tỉnh, thành phố; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 21 BV điều trị bệnh nhân Covid-19 được tiếp nhận vắc-xin đợt đầu.

Trong số này, Hải Dương là tỉnh được phân bổ nhiều nhất cả nước với 33.000 liều vắc-xin; tiếp đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhận 30.000 liều; CDC Hà Nội và CDC TP HCM mỗi đơn vị nhận 8.000 liều; BV Bệnh nhiệt đới TP HCM nhận 900 liều, BV Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) nhận 450 liều...

Bộ Y tế yêu cầu dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) tiếp nhận, vận chuyển vắc-xin tới các cơ sở tiêm chủng. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo thẩm quyền quản lý, thực hiện quản lý, sử dụng vắc-xin đúng đối tượng theo quy định.

Công ty CP Vắc-xin Việt Nam (VNVC) cũng đã sẵn sàng phương tiện vận chuyển 117.600 liều vắc-xin Covid-19 về các điểm tiêm tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNVC, cho hay sau khi tiếp nhận lô vắc-xin AstraZeneca, VNVC đã bảo quản ở kho lạnh chuyên biệt 2-8 độ C và chia ra thành 49 kiện (mỗi kiện 2.400 liều) để đưa đến các điểm tiêm.

VNVC đã tập huấn cho nhân viên của hệ thống này cách thức bảo quản, vận chuyển vắc-xin ra sân bay và đến các điểm tiêm. Tại kho lạnh biệt lập để chứa vắc-xin Covid-19, các nhân viên được chỉ định quyền vào kho phải mặc áo bông giữ nhiệt. Sau khi vào kho chứa vắc-xin AstraZeneca với lối duy nhất và qua nhiều lớp cửa, cửa tự động khóa lại, có sự giám sát của camera.

Ngoài số vắc-xin được chuyển ra Hà Nội ngày 7-3, một số vẫn để lại tại kho của VNVC ở TP HCM để vận chuyển đến các điểm tiêm tại TP HCM, Bình Dương, Gia Lai.

PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành dự án Tiêm chủng rộng quốc gia - cho biết vắc-xin này rất mới. Dù trên thế giới đã có 25 quốc gia triển khai tiêm vắc-xin nhưng thời gian triển khai tiêm rất ngắn nên các kinh nghiệm triển khai, các tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ.

Tương tự tất cả vắc-xin khác, vắc-xin Covid-19 cũng như một loại thuốc, khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc. Ngoài phản ứng sốc tại chỗ trong vòng 30 phút sau tiêm thì người tiêm có thể có phản ứng chậm hay phản ứng quá mẫn muộn xảy ra trong 1-2 ngày đầu sau tiêm. 

Theo Bộ Y tế, ngày 7-3, nước ta phát hiện thêm 5 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 1 ca tại Hải Dương cùng 4 trường hợp nhập cảnh được cách ly tại Kiên Giang và Bắc Ninh.


Hơn 100 triệu liều vắc-xin Covid-19 sẽ tiêm cho dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết do số lượng vắc-xin về Việt Nam còn hạn chế nên sẽ tập trung cho những đối tượng ưu tiên là người trực tiếp làm công tác điều trị, phòng chống dịch, người làm công tác xét nghiệm...

Trong cuối tháng 3 này, lượng vắc-xin có thể sẽ dồi dào hơn với khoảng 1,3 triệu liều sẽ về Việt Nam; đến tháng 4 và 5, nguồn cung sẽ tăng lên. Ngành y tế sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 ngay khi những lô tiếp theo được nhập về.

Việt Nam là một trong 92 quốc gia được tài trợ vắc-xin Covid-19 giai đoạn đầu tiên của COVAX Facility (cơ chế được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid- 19). COVAX Facility sẽ cung cấp cho Việt Nam khoảng 5 triệu liều vào năm 2021, còn lại khoảng 25 triệu liều sẽ cung ứng vào năm 2022.

Trong năm 2021, Bộ Y tế huy động tổng lực toàn ngành, trong đó huy động 100% cơ sở y tế công lập, để tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, với hơn 100 triệu liều/năm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo