Theo lịch trình, 219 công dân Việt Nam mắc kẹt tại Guinea Xích đạo sẽ về nước vào ngày 29-7 trên chuyến bay VN5, trong số công dân này có khoảng 120 người được xác định mắc Covid-19. Đây là một chuyến bay được đánh giá là chưa từng có của Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chức năng cũng như với hãng hàng không Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines sử dụng 1 máy bay thân rộng A350 bay thẳng từ Hà Nội đến sân bay Bata của Guinea Xích đạo để đón công dân và từ đó bay thẳng về Hà Nội.
Để đón được máy bay A350, sân bay Bata vừa phải bổ sung thêm nguồn cấp nhiên liệu cho máy bay và một xe chữa cháy đạt tiêu chuẩn cứu hỏa cấp 8 - cấp cần thiết để khai thác máy bay A350.
Cơ trưởng, giáo viên bay Phạm Đình Hưng, Phó Đội trưởng Đội bay A350 của Vietnam Airlines, là Cơ trưởng chỉ huy chuyến bay VN5 đặc biệt này.
Cơ trưởng Phạm Đình Hưng từng tham gia chuyến bay giải cứu công dân tại Libya do chiến tranh. Anh đánh giá nhưng chuyến bay đó rất khác với nhiệm vụ bay này. "Khi bay giải cứu do chiến tranh, chúng tôi chỉ cần bay ra khỏi khu vực xung đột là có thể yên tâm, còn chuyến bay này, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch trong suốt hành trình thì sau khi hoàn thành, bạn phải cách ly, xét nghiệm và chờ đợi ít nhất 15 ngày mới yên tâm"- anh đánh giá.
Cơ trưởng dày dạn kinh nghiệm cho rằng đây là chuyến bay nhiều thách thức vì thực hiện trên đường bay mới và có hơn 100 khách mắc Covid-19. Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong cả một hành trình dài trên 13 tiếng, và đặc biệt là hạn chế sự lây nhiễm trong khoang hành khách đối với cả hành khách lẫn thành viên phi hành đoàn thì đây thực sự là một thách thức vô cùng lớn.
Tổ bay được bố trí nhiều gấp đôi so với các chuyến bay bình thường (bao gồm 5 phi công, 8 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, cân bằng trọng tải bay) và 4 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Đoàn bay và Vietnam Airlines đã xây dựng những phương án phòng chống dịch bệnh chuẩn và nghiêm ngặt, được áp dụng cho tất cả các chuyến bay chở hàng và chở khách về từ vùng dịch. Tuy nhiên, chuyến bay này có nhiều người bị nhiễm bệnh, vì vậy Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã cử bác sĩ đi cùng, đồng thời mang theo thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch.
"Chúng tôi cũng đã lên phương án máy bay được ngăn thành khoang riêng cho những người bị nhiễm bệnh. Đoàn bay đã nhắc nhở các thành viên tổ bay thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh và chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện điều đó"- anh khẳng định.
Cơ trưởng Phạm Đình Hưng nguyên là phi công tiêm kích, đã từng làm chủ bầu trời, bảo vệ Tổ quốc trên những con Én bạc Mig21 huyền thoại của Không quân Việt Nam cho tới khi ra quân, phục vụ cho Hãng hàng không Quốc gia năm 1994. Cơ trưởng, Giáo viên bay Phạm Đình Hưng là một phi công tài giỏi, kỳ cựu và dày dặn kinh nghiệm với hơn 18 ngàn giờ bay trên tất cả các loại máy bay Airbus mà Vietnam Airlines từng khai thác.
Cơ trưởng Phạm Đình Hưng chia sẻ thêm, các thành viên khác trong tổ bay lần này đều xung phong nhận nhiệm vụ. Đó là điều khiến anh rất tự hào về các đồng nghiệp của mình, về các phi công của Đoàn bay 919 anh hùng.
Cơ trưởng Đỗ Trí Dũng, Đội trưởng Đội bay A350 phía Bắc (Đoàn bay 919, Vietnam Airlines), chia sẻ: "Ngay khi triển khai nhiệm vụ, nắm bắt được các khó khăn, thách thức sẽ phải đối đầu nhưng anh em phi công trong các đội, nhóm đã không hề do dự, ngần ngại. Tổ lái thực hiện nhiệm vụ cần 5 phi công, nhưng số lượng đăng ký gấp 3 số lượng phi công cần. Đội bay A350 của chúng tôi ngay từ đầu mùa dịch gần như đã phải căng mình ra thực hiện các chuyến bay đặc biệt, các chuyến bay hồi hương và chở hàng trong tình hình thiếu nhân lực nghiêm trọng do hàng trăm phi công nước ngoài phải tạm dừng hợp đồng trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19 và hàng trăm lượt phi công của đội phải thực hiện lệnh cách ly sau mỗi chuyến bay quốc tế".
Một số hình ảnh về chuyến bay:
7 giờ 45 sáng 28-7, chiếc Airbus 350 của Vietnam Airlines đã cất cánh rời Hà Nội đi Guinea Xích đạo đón 219 công dân Việt Nam, trong đó có 120 người mắc Covid-19 về nước - Ảnh: Vũ Tuấn
Được đánh giá là chuyến bay chưa từng có của hàng không Việt Nam, với tính chất đặc biệt quan trọng, tổ bay được bố trí nhiều gấp đôi so với các chuyến bay bình thường. Thành viên tổ bay mặc đồ bảo hộ cấp 4 và hạn chế dùng nhà vệ sinh - Ảnh: Vũ Tuấn
Để đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm toàn bộ ghế đều được bọc kín nylon và đặt sẵn 5 khăn ướt tẩm cồn, một túi rác, tờ hướng dẫn hành khách - Ảnh: Vũ Tuấn