xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hội nghị Trung ương 7: Bí thư nên là người địa phương khác

Thế Dũng

Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương mới về công tác cán bộ, nhiều ý kiến tại Hội nghị Trung ương 7 cho rằng đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, ngày 8-5, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 7) thảo luận về đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (đề án). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

2 trọng tâm, 5 đột phá

Đề án xác định đến năm 2020, thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo kế hoạch, phù hợp tình hình thực tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; triệt để chống chạy chức, chạy quyền và chặn đứng tình trạng suy thoái; cơ bản thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác… Đề án xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá để thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ giải pháp. Hai trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Năm đột phá là: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc, có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Hội nghị Trung ương 7: Bí thư nên là người địa phương khác - Ảnh 1.

Hội nghị tập trung nghiên cứu cho đề án mới về công tác cán bộ Ảnh: TTXVN

Tránh chi phối tình cảm

Nhiều Ủy viên Trung ương bày tỏ sự đồng tình chủ trương này và cho đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác và nể nang, duy tình trong chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, cần thực hiện có lộ trình, có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương; yếu tố vùng, miền; yếu tố văn hóa... Việc bố trí cán bộ phải có sự tương đồng, tránh bố trí cán bộ từ vùng biển lên miền núi và ngược lại cán bộ từ miền núi về vùng biển. Đồng thời cần cơ chế, chính sách rõ ràng đối với cán bộ luân chuyển để họ yên tâm công tác...

Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị cần triển khai nhất quán từ đầu, tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không và để làm được thì ngay từ bây giờ phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư, bảo đảm tính chất vùng miền, dân tộc...

Là người từng giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiều năm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến bày tỏ: "Người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, đôi khi rơi vào duy tình, nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong xử lý công việc. Là người nơi khác thì bí thư có thể thiếu hụt về hiểu biết địa bàn, dân cư, kinh tế - xã hội… thì tự mình có thể lăn lộn, nghiên cứu bù đắp được nhưng vấn đề tình cảm thật sự là khó".

Tuy nhiên, theo ông Chiến, việc bố trí, luân chuyển cán bộ cần chú ý đặc thù vùng miền, giúp cán bộ nhanh chóng nắm bắt được tình hình địa phương.

Nêu kinh nghiệm thực tế tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tập trung đánh giá đội ngũ cán bộ ở các địa bàn hiện nay vì đội ngũ này sẽ được đào tạo thành đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thời gian tới. "Tỉnh đặt hàng cho các bí thư, chủ tịch huyện, giám đốc các sở 5-7 nhiệm vụ mà tỉnh đang cần giải quyết, cuối năm lấy sản phẩm để đánh giá. Cái này thực chất hơn, rõ hơn" - ông Hùng hiến kế.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất bên cạnh cơ chế kiểm soát, cần có cơ chế khích lệ và động viên cán bộ; có chế độ chính sách về nhà ở, đào tạo, có lộ trình thăng tiến minh bạch. Muốn cải cách công tác cán bộ thì đầu tiên phải đặt mục tiêu và mạnh dạn giao việc, giao quyền cho cán bộ, khơi dậy năng lực và khát vọng cống hiến, phụng sự, hy sinh.

Chiều cùng ngày, hội nghị thảo luận về đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Tăng dần tỉ lệ cán bộ trẻ

Các ý kiến đều nhất trí với mục tiêu tăng dần tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; đồng thời phải sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng.

Các ý kiến nhất trí cao với việc ban hành một nghị quyết mới về công tác cán bộ. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa ở từng cấp, từng ngành để triển khai thực hiện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo