xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bị tổn hại, dân phản ứng

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đóng phí oan và mất sinh kế là hai nguyên nhân chính khiến người dân và cánh tài xế phản ứng các trạm BOT đặt "nhầm chỗ"

Trong năm 2016, ngay sau khi trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) vận hành được ít ngày, hàng trăm người dân xung quanh đã nhiều lần kéo ra chặn xe lưu thông qua trạm vì cho rằng mức thu phí cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Thất thu

Ông Trần Văn Trung (ngụ xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) cho biết từ khi có trạm thu phí đến nay, cuộc sống của rất nhiều người dân địa phương bị ảnh hưởng nặng. "Gia đình tôi có xe tải nhỏ chở vật liệu cho người dân trong xã. Con cái ăn học được cũng nhờ nó nhưng từ khi có trạm thu phí đến nay, nhà tôi thất thu hẳn. Hồi chưa có trạm thu phí, mỗi ngày chạy cũng gần 10 chuyến hàng nhưng bây giờ chỉ còn 2-3 chuyến/ngày. Chỉ có chuyến nào không phải đi qua trạm thu phí mới dám nhận, còn đi qua thì đành bỏ. Bởi mỗi chuyến vậy chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng/lượt, nếu đóng phí hết 50.000 đồng, trừ tiền xăng, công cán thì lỗ chắc" - ông Trung bức xúc.

Bị tổn hại, dân phản ứng - Ảnh 1.

Trạm thu phí Nam Bình Định bị người dân phản đối do thu phí vô lýẢnh: Anh Tú

Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, thừa nhận việc người dân phản đối trạm thu phí này chủ yếu do bị mất phí oan, sinh kế bị ảnh hưởng. Chẳng hạn họ chỉ chở hàng hóa từ xã Nghĩa Phương qua xã Nghĩa Thương, cách nhau mấy chục mét nhưng bắt buộc phải đi qua trạm thu phí và phải đóng phí như các phương tiện khác, cho cả tuyến đường dù họ sử dụng rất ít… "Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi các sở ngành chức năng liên quan đề nghị xem xét giảm mức phí qua trạm cho người dân ở gần đó" - ông Thành nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chấp thuận giảm phí cho người dân 7 xã ở huyện Tư Nghĩa với mức từ 20% đối với vé lượt và 40% đối với vé tháng, bắt đầu từ ngày 1-9. Tuy vậy, theo ông Lê Trung Thành, mức giảm này quá thấp so với các nơi, trong khi thủ tục làm hồ sơ để được giảm phí lại nhiêu khê, rườm rà. Ông Thành bày tỏ: "Chúng tôi lo lắng trong nay mai người dân sẽ tiếp tục bức xúc, gây ra những vụ việc không hay, tạo điểm nóng".

Từ ngày trạm thu phí Nam Bình Định (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đi vào hoạt động, cuộc sống người dân ở 2 bên trạm thu phí này cũng bị đảo lộn. Theo họ, do không có chỗ quay đầu xe nên dù muốn đi về hướng ngược lại trạm thu phí cũng phải mua 2 lượt vé qua trạm rồi mới quay lại được. "Từ nhà tôi đến trung tâm thị xã chỉ khoảng 2 km. Vậy nhưng, khi đoạn Quốc lộ (QL) 1 qua trước nhà bị bịt bởi dải phân cách cứng, tôi buộc phải vòng qua trạm thu phí rồi quay ngược lại thêm 4 km nữa, tức chạy tổng cộng 6 km mới đến trung tâm thị xã. Ngoài việc phải đi xa mất công, tốn xăng, tôi còn phải mất oan thêm 2 lượt vé qua trạm 70.000 đồng. Thật là phi lý hết sức!" - chị Nguyễn Thị Hương (nhà ở khu vực phía Bắc trạm thu phí; thuộc phường Bình Định, thị xã An Nhơn), gay gắt.

Né trạm

Trước sự phi lý như vậy, nhiều xe tải nhỏ lưu thông từ cầu Bà Di đến các cơ sở kinh doanh dọc QL 1 đoạn thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (chưa tới trạm) sau khi giao hàng đã không đi thẳng để quay đầu mà bất chấp nguy hiểm, cho xe "de" ngược khoảng 1 km nhằm né nộp phí. "Đoạn QL1 từ cầu Bà Di đến trạm thu phí Nam Bình Định là đường một chiều, bị ngăn bởi dải phân cách cứng và không hề có chỗ quay đầu xe. Bởi vậy, dù giao hàng ở địa điểm chưa tới trạm thu phí nhưng muốn quay đầu ngược lại hướng xuất phát thì ô tô có tải trọng 2 tấn của tôi buộc phải mua vé qua trạm thu phí 2 lượt, với số tiền 50.000 đồng/lượt. Giao mấy bao hàng chỉ được 100.000 đồng tiền cước, giờ mất 100.000 đồng mua vé qua trạm thu phí nữa thì lấy gì ăn nên đành liều cho xe "de" ngược lại thôi" - anh Lê Hoài Vương, một tài xế xe tải hoạt động ở khu vực cầu Bà Di, giải thích.

Phản ứng bằng cách né trạm cũng diễn ra ở trạm thu phí Cam Thịnh (xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Dự án BOT này dài 37 km qua địa bàn TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 Cam Ranh thực hiện, đưa vào hoạt động gần 2 năm nay. Cũng từ đó, tình trạng xe né trạm diễn ra thường xuyên, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Ban đầu, cách trạm khoảng 400 m về phía Nam có mở dải phân cách để người dân rẽ vào đường liên thôn Xóm Mới. Tuy nhiên, các xe tải, xe ben, xe bồn, xe khách… sớm phát hiện rằng nếu chạy qua đường liên thôn này qua xã Cam Thịnh Tây sau đó đi vào QL27B thì sẽ trở lại QL1 (cách trạm 300 m về phía Bắc). Như vậy, chỉ cần chạy thêm khoảng 8 km là các xe dễ dàng "né" được khoản thu phí không nhỏ.

Cuối năm 2016, Bộ GTVT cho đóng kín dải phân cách phía Nam nhưng chỉ ngăn được tình trạng né trạm hướng từ Nam ra Bắc. Chiều ngược lại, lưu lượng xe né trạm ngày càng tăng khiến tuyến đường liên xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây bị xuống cấp nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cùng nhà đầu tư BOT 194 xin nâng cấp đường Xóm Mới thành đường đồng bằng cấp IV, mặt đường từ 3,5 m lên 7 m với chiều dài khoảng 4,8 km, đồng thời đặt trạm kiểm soát để thu phí hoàn vốn vào QL1. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp Bộ GTVT có giải pháp điều tiết phương tiện giao thông trên các tuyến đường địa phương; chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để cải tạo tuyến đường Xóm Mới - Cam Thịnh.

Dân bất bình, sở tìm cách gỡ

Những ngày qua, trở lại hiện trường trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), chúng tôi vẫn còn nghe những bức xúc, bất bình của tài xế, người dân. Các tài xế nói rằng lưu lượng xe tại đây rất lớn nên chắc chắn lượng tiền mà họ bị thu oan không hề nhỏ. Còn người dân thì không thể nào chấp nhận sự vô lý khi đường tránh nằm trên xã Bình Minh nhưng trạm thu phí lại nằm ở xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom).

Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 6 dự án BOT do Bộ GTVT cấp phép là BOT đường tránh TP Biên Hòa, các QL1, 1K, 51, 20 và dự án cầu Đồng Nai mới. Ngoài ra, là các dự án BOT thuộc thẩm quyền tỉnh cấp phép, nhiều dự án phải nâng cấp, cải tạo… Do ngân sách eo hẹp nên tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, dự án được bổ sung cũng đồng nghĩa với việc tăng thời gian thu phí. "Sở đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để triển khai tháo gỡ vướng mắc" - ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, thông tin.

Kỳ tới: Tay mơ bắt giặc, trây trét thu tiền

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo