xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bỏ quê lên phố, bỏ phố về quê

Hồng Ánh - Kỳ Nam

Hằng đêm, những ngôi nhà lạnh lẽo giờ đã đỏ đèn; cảnh từng đoàn người đổ ra đường đón xe vào TP HCM để làm thuê sau mỗi dịp lễ Tết cũng thưa dần khi họ tìm được những công việc ở tỉnh nhà có thu nhập kha khá

Sáng sớm 25-7, bà Lê Thị Huệ (42 tuổi; ngụ xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tranh thủ vừa bắc nồi cơm vừa ra sân dọn dẹp để 2 vợ chồng kịp vào TP Tuy Hòa làm thợ hồ cho 1 công trình đang xây dựng.

Về quê tìm việc

Bà Huệ cho hay mình mới trở về cách đây hơn 1 tháng. Gần 6 năm qua, bà và chồng gửi con trai út nhờ gia đình nội nuôi, đóng cửa nhà, theo con gái vào TP HCM. Bà bán vé số, còn chồng phụ hồ. "Mỗi năm chỉ về quê 2 lần, Tết và mùng 5 tháng 5 âm lịch. Mỗi lần về thấy ngôi nhà mình gắn bó như ngôi nhà hoang mà ứa nước mắt. Vậy mà tích góp 6 năm cũng chẳng được bao nhiêu vì giá cả đắt đỏ, còn phải tốn tiền thuê nhà. Vừa rồi về, nghe bạn cùng bán vé số ở TP HCM về trước rủ ở lại quê làm khá hơn, tôi bàn với chồng ở lại luôn. Mà khá hơn thiệt" - bà Huệ cười nói.

Bây giờ chồng bà là thợ xây còn bà phụ hồ, mỗi ngày 2 vợ chồng kiếm được 700.000 đồng. Ở quê bà Huệ trước đây, nhiều người cũng vào TP HCM làm thuê vì không thể sống được với mấy sào ruộng nhưng giờ cũng trở về vì tìm được những công việc kiếm được tiền ở tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Huy, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, kể nhiều lần làm từ thiện, về các làng quê, nhìn thấy các ngôi nhà đóng cửa im ỉm vì chủ nhân đã đến TP HCM làm thuê mà buồn lòng. "Họ cũng vì mưu sinh. Quan trọng là tạo được việc làm ở quê là họ sẽ trở về. Phú Yên đang phát triển, nhiều công trình đang mọc lên, cần nhiều nhân công xây dựng. Đây là nguồn thu hút lao động phổ thông rất lớn và nhiều người đã trở về" - ông Huy chia sẻ. Nhiều hội viên Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, trước đây đã từng bươn chải làm thuê nơi đất khách quê người. Giờ họ trở về làm giàu trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình và giúp được nhiều người.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Quà tặng và Du lịch Lê Hằng, cho biết trước đây bà cũng bôn ba làm thuê ở TP HCM. Nhận thấy du lịch Phú Yên dần phát triển, bà về quê gầy dựng công ty giới thiệu những đặc sản Phú Yên cho du khách. Nay công ty nhỏ của bà đã tạo được việc làm thường xuyên cho 4 cô gái quê và hàng chục lao động làm theo giờ. "Tôi rất vui vì giúp được các bạn trở về quê có được công việc thu nhập ổn định và còn giúp tiêu thụ được lượng hải sản lớn cho ngư dân" - bà Hằng chia sẻ.

Bỏ quê lên phố, bỏ phố về quê - Ảnh 1.

Nhiều công trình xây dựng mọc lên thu hút người xa quê trở về làm việc. Ảnh: HỒNG ÁNH

Cạnh tranh lao động

Cũng là một tỉnh có nhiều người phải tha hương tìm việc nhưng giờ Khánh Hòa lại đứng trước cảnh thiếu lao động. Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong các phiên giao dịch việc làm gần đây, tỉ lệ tuyển dụng chỉ đáp ứng được khoảng 20%- 30% nhu cầu.

Theo ông Khả, trong tháng 6-2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm mở 2 phiên giao dịch tại TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm với nhu cầu khoảng 1.000 việc làm cho khu công nghiệp Suối Dầu, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. "Nhưng số lượng người tham gia chỉ khoảng 100, trong khi vào tháng 11-2019 sẽ có hàng loạt dự án du lịch đi vào hoạt động. Chỉ riêng khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã cần khoảng 4.000 lao động. Đây là bài toán rất khó, một cuộc cạnh tranh khốc liệt sẽ diễn ra vì tình trạng khát lao động" - ông Khả nhận định.

Mỗi năm Khánh Hòa cần khoảng 13.000 công việc tại các khu du lịch, công ty may mặc, thủy sản. Năm nào các trường nghề cũng đào tạo nhiều ngành nhưng từ cuối khóa, các công ty đã đến "đặt cọc" bằng cách nhận thử việc. "Gần như 100% học viên ra trường là có việc. Còn các ngành khác như đóng tàu, công nghiệp nặng, xây dựng hay các hướng dẫn viên du lịch thì phải tuyển dụng cả nước, chứ chỉ riêng Khánh Hòa thì không đủ. Qua đó cho thấy đang có sự chuyển dịch lao động rất lớn từ các thành phố về Khánh Hòa" - ông Khả nói.

Tại TP Nha Trang, tình trạng thiếu lao động đang diễn ra khắp nơi. Đâu đâu cũng để bảng tuyển dụng. Ngay cả Vinpearl Nha Trang vừa qua cũng phải lên tận huyện miền núi Khánh Vĩnh để mở ngày hội tuyển dụng với nhiều ưu đãi. Ông Đỗ Xuân Tạo, chủ khách sạn Vesna Nha Trang, cho biết hiện nay nhân sự du lịch ở Nha Trang rất thiếu kể cả lao động cao cấp lẫn phổ thông. Nếu không có chính sách đãi ngộ thì sẽ không tìm được người làm. "Từ đây đến cuối năm 2019, khi có khoảng 10.000 phòng lưu trú hoạt động thì cuộc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn" - ông Tạo nhận định.

Phát triển kinh tế tư nhân

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên mới đây, định hướng phát triển sắp tới, UBND tỉnh này xác định lực lượng kinh tế tư nhân có đông, có mạnh thì tỉnh mới phát triển bền vững. Tỉnh Phú Yên sẽ tập trung nguồn lực để phát triển trong một số lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, nông nghiệp trồng trọt, lâm nghiệp và năng lượng mới gắn với xây dựng, phát triển lực lượng kinh tế tư nhân. Tỉnh sẽ tập trung vào giải pháp làm thế nào cơ quan nhà nước gần với doanh nghiệp hơn, lắng nghe và hiểu doanh nghiệp hơn, để từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kinh tế tư nhân phát triển sẽ kéo theo một lượng lao động rất lớn và tình trạng bỏ quê lên phố lâu nay sẽ đảo ngược, bỏ phố về lại quê.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo