xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bứt phá từ các công trình giao thông

THU HỒNG

Hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong những động lực để TP HCM bứt phá và phát triển bền vững, góp phần thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị

TP HCM đang nỗ lực khép kín đường Vành đai 2, khởi công Vành đai 3, Vành đai 4, nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50… nhằm kết nối giao thông thông suốt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Dồn sức cho Vành đai 3

Hạ tầng giao thông hoàn thiện là một trong những động lực để TP HCM bứt phá và phát triển bền vững, góp phần thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Một trong những dự án lớn được người dân TP HCM kỳ vọng là Vành đai 3. Tuyến đường dài hơn 76 km này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6 vừa qua.

Ngay sau khi dự án Vành đai 3 được thông qua, lãnh đạo TP HCM cùng 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã chủ động triển khai nhiều cuộc họp, hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó, tìm kiếm giải pháp, phương án tốt nhất trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như chuẩn bị vật liệu xây dựng cho dự án.

Là người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Lê Hoàng Kết - ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM - hào hứng: "Dự án này nghe thông tin đã lâu, đến nay thực hiện thì người dân rất ủng hộ. Chúng tôi mong tuyến đường sớm hoàn thành để kết nối giao thông giữa TP HCM với các tỉnh, giữa Củ Chi với nhiều nơi khác, tạo cơ hội làm ăn cho người dân địa phương".

Nhiều hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi Vành đai 3 ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng bày tỏ sự ủng hộ và mong muốn tuyến đường sớm hoàn thành như tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, người dân cũng mong chờ chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư hợp lý.

"Chỉ 3 năm nữa, một con đường thênh thang dài hơn 76 km chạy băng qua những cánh đồng, rồi các tòa nhà, khu mua sắm mọc lên xung quanh…, không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao đời sống của người dân trong khu vực" - ông Nguyễn Văn Thanh - ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM - mường tượng. Gia đình ông có gần 2.000 m2 đất bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM - chủ đầu tư dự án thành phần 1 TP HCM, Vành đai 3 đoạn thuộc thành phố dài hơn 47 km, đi qua TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Các địa phương đang nỗ lực thống kê, đo vẽ, cắm mốc ranh dự án theo đúng tiến độ. Thậm chí, Bình Chánh còn đề nghị cắm mốc sớm hơn ở những khu đất do nhà nước quản lý.

"91% phần đất thu hồi là đất nông nghiệp. Với quyết tâm cao của các địa phương, dự án sẽ bảo đảm khởi công vào cuối năm 2023" - ông Phúc tin tưởng.

Dồn quyết tâm vào Vành đai 3, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các địa phương tập trung nhân sự, ưu tiên giải quyết các công việc liên quan. Theo Sở GTVT, việc bàn giao hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng phải hoàn thành chậm nhất là ngày 30-9. Đây là cột mốc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các công việc tiếp theo.

Sở GTVT TP HCM kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn có kinh nghiệm, năng lực. Song song đó, chủ đầu tư cần sớm hoàn thiện hồ sơ thiết kế cắm cọc, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 theo quy định, trình Sở GTVT thẩm định trước ngày 10-9.

Bứt phá từ các công trình giao thông - Ảnh 1.

Đường Vành đai 2 đoạn qua phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP HCM

Bứt phá từ các công trình giao thông - Ảnh 2.

Đường Vành đai 3 sẽ đi qua TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long AnẢnh: Hoàng Triều

Hoàn tất những cây cầu dang dở

Một tin vui trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay được ông Lương Minh Phúc chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động: 3 cây cầu dang dở nhiều năm qua - cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè và cầu Tăng Long, Nam Lý ở TP Thủ Đức - sẽ được khởi công lại từ nay đến đầu năm 2023.

Trong đó, cầu Long Kiểng đã đạt được "mốc" quan trọng khi 100% hộ dân (103 hộ) bàn giao mặt bằng cho dự án vào ngày 29-8. "Sau khi có mặt bằng, chúng tôi sẽ tập trung nhân lực xây dựng hoàn thành cầu Long Kiểng như cam kết là vào ngày 31-12-2023. Cầu Long Kiểng đưa vào sử dụng không chỉ nâng cao năng lực giao thông cho khu vực, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mà còn tạo động lực thực hiện những dự án vướng mặt bằng nhiều năm nay như cầu Tăng Long, Nam Lý" - ông Phúc nhìn nhận.

Dự án xây mới cầu Long Kiểng được UBND TP HCM phê duyệt năm 2001 với chiều dài 318 m, tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng. Giai đoạn 1 - năm 2007, dự án đã giải phóng mặt bằng một số hộ dân. Đến tháng 8-2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2019. Thế nhưng, khi xây được vài trụ cầu thì dự án tạm dừng .

Để rồi, vào những ngày gần đây, vừa nhận mặt bằng từ các hộ dân, nhà thầu bắt đầu triển khai thi công lại cầu Long Kiểng. Nhìn nhóm thợ xây đang tất bật, ông Nguyễn Hữu Nam - người dân xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè - không giấu được vẻ xúc động. "Người dân trông ngóng cây cầu này đã hơn 20 năm nay. Từ lúc cầu sắt bị sập, rồi gia cố sửa chữa lại đến nay, không ngày nào người dân không nghĩ đến cây cầu mới. Nay giấc mơ đã sắp thành hiện thực khi không khí thi công hối hả trên công trình" - ông Nam kỳ vọng.

Tại TP Thủ Đức, 2 cây cầu "đứng hình" nhiều năm nay là Tăng Long và Nam Lý cũng đang được Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cùng địa phương dồn sức vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng.

Cầu Tăng Long mới dài 680 m trên đường Lã Xuân Oai được khởi công cuối năm 2017, với tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng mới thi công được hơn 30% khối lượng thì phải dừng do chờ giải phóng mặt bằng. Dự án dang dở khiến việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, cầu Nam Lý được kỳ vọng sẽ kéo giảm ùn tắc và tạo thuận lợi cho thuyền bè qua lại trên sông Rạch Chiếc nhưng chỉ thi công nửa nhánh rồi cũng dừng lại từ năm 2017. Suốt 5 năm qua, xung quanh công trình bị rào chắn, tạo thành nút thắt cổ chai dưới chân cầu khiến khu vực thường xuyên bị ùn tắc.

Theo ông Lương Minh Phúc, cầu Tăng Long và Nam Lý thuộc nhóm công trình giao thông chậm giải ngân do vướng mặt bằng. Chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương đang nỗ lực để khởi động lại 2 dự án này theo yêu cầu của lãnh đạo TP HCM.

Mới đây, UBND TP Thủ Đức cho biết sẽ bàn giao mặt bằng 2 cây cầu nêu trên vào tháng 12-2022. Nếu có mặt bằng, cầu Nam Lý sẽ được xây dựng hoàn thành sau 12 tháng và cầu Tăng Long sẽ hoàn thành sau 15 tháng.

Theo ông Lương Minh Phúc, hệ số K năm 2022 vừa được TP HCM điều chỉnh cao hơn những năm trước sẽ tạo cơ hội khởi động nhiều dự án giao thông trong thời gian tới, cũng như hỗ trợ tái định cư cho người dân được tốt hơn.

Chuẩn bị khởi công 3 dự án lớn

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cuối năm 2022, thành phố sẽ khởi công 3 dự án lớn: Mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) và nút giao An Phú (TP Thủ Đức).

Cả 3 dự án này đều mang ý nghĩa rất lớn khi tháo những nút thắt giao thông tại các cửa ngõ TP HCM, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế ô nhiễm môi trường quanh khu vực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo