xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cảnh báo thảm họa cần tính toán cụ thể

Bài và ảnh: Nguyễn Hưởng

Nhiều chuyên gia cho rằng Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Hà Nội cần được tính toán cụ thể và không gây hoang mang cho người dân

UBND Hà Nội vừa phê duyệt Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP Hà Nội. Đề án này không chỉ đánh giá các rủi ro có thể trở thành thảm họa của Hà Nội mà còn đưa ra các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để giảm thiểu hết mức và xử lý khi có rủi ro trở thành thảm họa.

Lo thảm họa hạt nhân

Theo đó, đề án dự báo 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của Hà Nội như vỡ đê sông Hồng, ô nhiễm nguồn nước, cháy, nổ, đổ sụp công trình, tai nạn giao thông, khủng bố, phá hoại...

Đề án cũng dự báo Hà Nội có thể xảy ra thảm họa nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc dẫn đến rò rỉ phóng xạ. Do vậy, Hà Nội là một trong số các địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bụi phóng xạ có khả năng phát tán rộng làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.

Hà Nội cũng dự báo vỡ đê sông Hồng là một trong những rủi ro có thể trở thành thảm họa trong tương lai. Theo đó, nếu do mưa bão, lũ làm nước sông Hồng dâng lên trên mức báo động cấp III (11,5 m) sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ đê sông Hồng khu vực trên TP.

Nếu xảy ra các thảm họa trên sẽ gây nguy hại đến tính mạng hàng triệu người dân và thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân thủ đô.

Các sự kiện tập trung đông người cũng là một trong những rủi ro được dự báo. Theo đề án, Hà Nội là nơi thường xuyên đăng cai và diễn ra các sự kiện lớn, tập trung đông người như các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm với số hàng ngàn người tập trung tại một địa điểm.

"Nếu có các sự cố gây hoảng loạn, người dân chen lấn, giẫm đạp để thoát thân sẽ có khả năng trở thành thảm họa khi số lượng người chết và bị thương lớn" - đề án nêu rõ.

Các rủi ro khác được TP Hà Nội dự báo đó là dịch bệnh, mất điện diện rộng, các hoạt động khủng bố…

Rất cần thiết

Về đề án phòng chống rủi ro của Hà Nội, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng các địa phương chủ động về phòng chống và xử lý sự cố thiên tai là rất cần thiết. Đặc biệt, Hà Nội là thủ đô nên mọi hiểm họa cần được đề phòng. "Hiện nay, hệ thống sông có thủy điện, hồ lớn, thời tiết lại biến đổi khó lường nên có thể gây lụt hoặc vỡ đê. Do vậy, để hạn chế thiệt hại do thảm họa này, các địa phương phải tính toán rủi ro một cách cụ thể" - ông Thái nói.

Theo ông Thái, những năm vừa qua, Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương đã phối hợp chặt chẽ các ban ngành để cảnh báo thiên tai và hạn chế hậu quả thiên tai gây ra. Tuy nhiên, để phòng ngừa, hạn chế thiệt hại từ thảm họa thì những kế hoạch và hành động tại chỗ của các địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao.

Ông Trần Hồng Thái cho biết Việt Nam đã và đang đóng vai trò trung tâm hỗ trợ khu vực về dự báo thời tiết nguy hiểm. Ngược lại, Việt Nam hiện nay đang có sự hỗ trợ thông tin từ các trung tâm dự báo lớn như: Nhật, Mỹ, Hồng Kông…

"Việt Nam đang đóng vai trò hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong việc thực hiện hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro bằng cách liên tục cung cấp những chỉ dẫn chất lượng cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt sắp xảy ra. Ê-kíp trực của Việt Nam phải thường xuyên giao lưu với ê-kíp trực các nước để dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm" - ông Thái nhấn mạnh.

Cảnh báo thảm họa cần tính toán cụ thể - Ảnh 1.

Các lực lượng tham gia cứu hộ của Hà Nội trong một trường hợp khẩn cấp cứu nạn nhân

Cần giải pháp phù hợp

Về nỗi lo sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc dẫn đến rò rỉ phóng xạ, một lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cho rằng cần phải có nghiên cứu một cách cụ thể và khi xảy ra sự cố có thể biết được bị ở mức độ nào. Qua đó, sẽ xây dựng một biện pháp phòng chống phù hợp và hiệu quả đối với từng mức độ sự cố hạt nhân.

Để ngăn ngừa và đề phòng việc nhà máy hạt nhân của Trung Quốc gặp sự cố ảnh hưởng tới nước ta, vị lãnh đạo VINATOM cho rằng Việt Nam cần sớm triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cho người dân. Mạng lưới này giúp phát hiện sớm sự cố và kịp thời có phương án ứng phó, bởi phóng xạ di chuyển không biên giới và không thể nhận biết bằng mắt thường.  

Đánh giá về rủi ro có thể trở thành thảm họa là cháy, nổ, đổ sụp công trình, trong đó có nhà cao tầng, khu đô thị, PGS-TS Trần Chủng, Trưởng Ban Chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng nguy cơ sụp đổ ở các chung cư cũ là vấn đề nóng lâu nay, thậm chí nhiều vụ sụp nhà đã gây chết người. Mặc dù TP đã bắt tay vào xử lý từ rất lâu nhưng việc thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả.

"Những sự chuẩn bị này là tư tưởng xuyên suốt trong pháp luật về xây dựng và lĩnh vực bảo đảm chất lượng công trình, bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, tôi không muốn đây chỉ là những hô hào mà phải là những giải pháp mang tính cụ thể, vì những công trình cũ của Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm rồi. Phải lưu ý rằng trong khi thực hiện cần phải cẩn trọng trong công tác tuyên truyền, không gây hoang mang lo lắng cho người dân, đừng để người dân nghĩ rằng tất cả các công trình cũ đều đang có nguy cơ sụp đổ" - ông Chủng nêu rõ.

Theo ông Chủng, hậu quả của sự xuống cấp ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là môi trường ở như bếp, khu vệ sinh… chật hẹp mà nếu xảy ra cháy nổ thì rất khó thoát được. Ngoài ra, về mặt thẩm mỹ, các khu chung cư hiện tại rất cũ và xấu, làm mất mỹ quan đô thị. Khi làm mới, cải tạo những chung cư này phải giải quyết đồng bộ tổng thể cả khu, sau đó sẽ chọn lọc những công trình đặc biệt rồi giải quyết sau. 

Năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía Nam Trung Quốc vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1.000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía Bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái (Quảng Ninh) 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km.

Xây dựng mô hình điểm "Cộng đồng an toàn"

Mới đây, tại hội nghị trước mùa thiên tai năm 2018 và giới thiệu mô hình phối hợp lực lượng Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết đã triển khai 20 chương trình, dự án về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, trong đó có 10 dự án phát triển, 10 dự án cứu trợ khẩn cấp với tổng trị giá trên 100 tỉ đồng.

Trị giá hoạt động của toàn hệ thống hội tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa năm 2017 đạt gần 240 tỉ đồng, trợ giúp cho hơn 578.400 lượt người. Riêng Chương trình cứu trợ bão số 12 năm 2017 có tổng kinh phí trên 82 tỉ đồng đã trợ giúp 33.630 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk….

Để chuẩn bị công tác ứng phó thiên tai năm 2018, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực dự phòng trong toàn hệ thống chữ thập đỏ các cấp gồm tiền và hàng trị giá 102 tỉ đồng. Trong đó có thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa chữa nhà, tấm bạt phủ, nhà tạm (lều bạt), nhà vệ sinh di động, bình lọc nước, thiết bị lọc nước…

Trong năm 2018, hội triển khai xây dựng mô hình điểm "Cộng đồng an toàn" và chuyển giao mô hình quản lý rủi ro thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng cho chính quyền địa phương, chuẩn hóa một số tài liệu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo