xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chống dịch quyết liệt nhưng đừng cực đoan

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Các đại biểu Quốc hội cho rằng một số địa phương áp dụng cách chống dịch thái quá, cực đoan, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cần phải chấn chỉnh, không để đứt gãy nền kinh tế

Hôm nay (26-7), buổi sáng, Quốc hội (QH) sẽ bầu, thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, sau đó Chủ tịch nước tuyên thệ; thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Buổi chiều, QH bầu, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ, sau đó Thủ tướng tuyên thệ.

Gian nan mục tiêu kép

Ngày 25-7, QH đã dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 đã bao trùm nội dung thảo luận.

Trở lại với bức tranh tăng trưởng kinh tế của đất nước, đại biểu (ĐB) Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh không doanh nghiệp (DN) nào muốn ngừng hay đóng cửa nhưng việc sản xuất trong tâm dịch gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.

"Với việc ngăn sông cấm chợ, địa phương này cách ly với địa phương khác, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất vô cùng khó khăn thì chúng ta phải bảo đảm thực hiện mục tiêu kép như thế nào?" - ông Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đề nghị cần quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp cực đoan. Vừa qua, văn bản của một số địa phương đã gây tranh cãi, áp dụng những biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân, người lao động và DN. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều DN phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định.

Chống dịch quyết liệt nhưng đừng cực đoan - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết đã xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng những biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân Ảnh: NGUYỄN NAM

Bà Nguyễn Thị Thủy ví von cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế.

ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đề nghị áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh ở các địa phương rất khác nhau và các biện pháp phòng chống dịch cũng rất khác nhau. Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp phòng chống dịch dẫn đến sự ùn tắc trong lưu thông hàng hóa và con người.

"Theo tôi nắm được, hiện nay vẫn diễn ra sự ùn tắc về mặt hàng hóa nên việc phối hợp giữa các địa phương, giảm tối đa các điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết sẽ làm tăng sự lưu thông, vận chuyển hàng hóa" - ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến.

Có tình trạng sợ mua sắm thiết bị y tế

Tại phiên thảo luận chiều 25-7, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết thì nhiệm vụ đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vô cùng quan trọng, cấp bách. Tuy nhiên, trên thực tế đang có vướng mắc về mặt pháp lý, có tình trạng sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên của một số cán bộ chủ trì ở những cấp quyết định đầu tư, mua sắm. Dù Chính phủ đã ra các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quyết định chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục vẫn có độ trễ nhất định.

Hôm 24-7, QH đã thể hiện sự cấp bách này bằng việc bổ sung nội dung về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vào chương trình để đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Xuân cho rằng không nên đưa nội dung về phòng chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của kỳ họp, mà cần có một nghị quyết chuyên đề riêng, với tên gọi riêng, nhằm tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

ĐB Nguyễn Thị Xuân đánh giá dù Việt Nam kiên định thực hiện mục tiêu kép nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất - kinh doanh rất khó khăn do đại dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm. Vì vậy, việc tiết kiệm chi ngân sách là rất cần thiết. Chính phủ cần tính toán để tiết kiệm chi thường xuyên, tạm dừng đầu tư các dự án đầu tư công không cần thiết, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, nguồn lực tiết kiệm được sẽ đầu tư cho mua sắm trang thiết bị y tế từ cấp cơ sở đến trung ương, mua vắc-xin phòng Covid-19 để đạt mục tiêu tiêm chủng. 

TP HCM tri ân nhân dân cả nước

Trong phiên thảo luận sáng 25-7, ĐB Trần Hoàng Ngân đã thay mặt Đoàn ĐBQH TP HCM gửi lời cảm ơn chân thành đến các cá nhân, tổ chức, địa phương đã hỗ trợ, động viên thành phố phòng chống dịch thời gian qua.

"TP HCM luôn ghi nhớ, tri ân những tấm lòng của nhân dân cả nước. Dù còn nhiều cam go, thử thách nhưng TP HCM đã và đang nỗ lực hết sức với quyết tâm sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường như lòng dân mong đợi" - ông Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo