xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần do mắc bệnh hiểm nghèo

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đau buồn và tiếc thương trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Ông là tấm gương sáng về sự giản dị, nghị lực vượt khó, học giỏi

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương ngày 21-9 thông báo và xác nhận: Ông Trần Đại Quang, sinh năm 1956, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các lãnh đạo Đảng, nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi.

Mắc bệnh hiểm nghèo

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 5 phút ngày 21-9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).

Tình trạng sức khỏe của Chủ tịch nước thời gian qua được người dân hết sức quan tâm. Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương cũng đã chia sẻ những thông tin ban đầu để người dân cùng biết.

Theo GS-TS Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, cố vấn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện mắc bệnh cách đây một thời gian và đã từng đi nước ngoài điều trị. Thời gian gần đây, bệnh của Chủ tịch nước có dấu hiệu trở lại, nặng hơn và đã được các chuyên gia trong nước và nước ngoài hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị. Chiều 20-9, Chủ tịch nước yếu, phải nhập viện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó rơi vào tình trạng hôn mê. Mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa nhưng Chủ tịch nước đã từ trần.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần do mắc bệnh hiểm nghèo - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri ở TP HCM hồi tháng 6-2018. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Những hồi ức đẹp về Chủ tịch nước

Tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần đã khiến cho cả vùng quê xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - nơi Chủ tịch nước sinh ra và lớn lên - đã hết sức ngỡ ngàng và vô cùng đau buồn.

"Trưa nay, nghe truyền hình thông báo Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, tôi rất bất ngờ, không tin đó là sự thật. Tối hôm trước (19-9), vợ chồng tôi còn xem thời sự thấy Chủ tịch nước vẫn làm việc bình thường. Vậy mà…" - ông Cao Hoàng Đản (SN 1955, xóm phó, công an viên xóm 13), ở gần nhà nơi Chủ tịch nước sinh ra, bày tỏ sự đau buồn.

Chủ tịch nước sinh ra và lớn lên tại xóm 13, xã Quang Thiện, trong một gia đình có 6 anh chị em. Người đứng đầu nhà nước có tuổi thơ rất khó khăn, bố mất sớm, nhà nghèo nên một mình mẹ ông làm đủ thứ nghề, kể cả đi buôn chuối, để nuôi anh em ông ăn học. Dù gia cảnh khó khăn nhưng cậu học trò Trần Đại Quang rất thông minh, ham học, được nhiều bạn bè, hàng xóm cùng trang lứa nể phục.

Theo ông Cao Hoàng Đản, thuở nhỏ, Chủ tịch nước 1 buổi đi học, 1 buổi đi chăn trâu, cắt cỏ giống bao bạn bè cùng tuổi. "Từ cấp 1 đến cấp 3, Chủ tịch nước đều học ở quê nhà, ngày nhỏ cùng ra đồng, chơi đùa với nhau suốt ngày. Sau này, người bạn Trần Đại Quang làm tới chức Bộ trưởng Bộ Công an rồi Chủ tịch nước, chúng tôi cảm thấy rất tự hào" - ông Đản kể lại.

Ông Đinh Dung (SN 1964, xóm 13) hồi ức: Thuở nhỏ, Chủ tịch nước học cùng với anh trai ruột của ông Đinh Văn Hùng (hy sinh năm 1979 ở biên giới phía Bắc). Cậu học trò Trần Đại Quang rất ham học, thường đi bộ tới trường cách đó vài cây số. Thời đó phải học ở dưới hầm vì máy bay Mỹ bắn phá suốt. Chủ tịch nước là người hiền lành, chịu khó học hành, không mất lòng ai cả. Về sau, làm chức lớn, mỗi dịp về quê, Chủ tịch nước vẫn thường hỏi thăm anh em, bà con đời sống kinh tế thế nào, có khó khăn không. "Nghe tin Chủ tịch nước đột ngột qua đời, chúng tôi buồn lắm!" - ông Dung nghẹn ngào.

Có lẽ người mang nhiều tâm trạng nhất khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần chính là cụ Lê Kim Toàn (SN 1938, ngụ thôn Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn). Cụ Toàn là thầy giáo chủ nhiệm của Chủ tịch nước thời học cấp 3 tại Trường THPT Kim Sơn B. Cả 6 anh em nhà Chủ tịch nước đều được cụ Toàn dạy học. Thời đi học, Chủ tịch nước rất vất vả, do bố mất sớm nhưng Chủ tịch là người ham học, thông minh và có chí tiến thủ. "Trong lớp tôi chủ nhiệm thời đó, Quang là người hiếu học, tài giỏi và tôi tin sau này cậu ấy sẽ có sự nghiệp lớn. Niềm tin đó của tôi đã đúng. Nhưng giờ thì…, buồn quá, không có gì có thể bù đắp!" - cụ Toàn kể. 

Tiểu sử Chủ tịch nước Trần Đại Quang

- Họ và tên: TRẦN ĐẠI QUANG

- Ngày, tháng, năm sinh: 12-10-1956

- Quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

- Nơi đăng ký thường trú: phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội

- Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sĩ Luật học, Đại học An ninh

- Học vị: Tiến sĩ; Học hàm: Giáo sư

- Lý luận chính trị: Cao cấp

- Ngoại ngữ: Cao học tiếng Trung

- Ngày vào Đảng: 26-7-1980; Ngày chính thức: 26-7-1981

- Đại biểu Quốc hội khóa XIII, khóa XIV

. Tóm tắt quá trình công tác:

+ Từ tháng 7-1972 đến tháng 10-1975: Học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

+ Từ tháng 10-1975 đến tháng 6-1987: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau tách thành Cục Bảo vệ chính trị II , giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

+ Từ tháng 6-1987 đến tháng 6-1990: Trưởng Phòng Tham mưu và Trưởng Phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

+ Từ tháng 6-1990 đến tháng 9-1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

+ Từ tháng 9-1996 đến tháng 10-2000: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục An ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an.

+ Từ tháng 10-2000 đến tháng 4-2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng (2003); được phong học hàm Phó giáo sư (2003).

+ Từ tháng 4-2006 đến tháng 1-2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Trung tướng (2007); được phong học hàm Giáo sư (2009).

+ Từ tháng 1-2011 đến tháng 8-2011: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

+ Từ tháng 8-2011 đến tháng 4-2016: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII) , Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012); Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.

+ Từ ngày 2-4-2016 đến nay, ông giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Lãnh đạo các nước chia buồn

Ngày 21-9, lãnh đạo nhiều quốc gia đã gửi điện chia buồn việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần tới lãnh đạo nước ta.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi điện tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Campuchia Hun Sen gửi thư chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gửi lời chia buồn với nhân dân Việt Nam... Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono gửi điện chia buồn tới Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã có tuyên bố và Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov gửi thư chia buồn tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Trong các bức điện, thư và tuyên bố của mình, các nhà lãnh đạo và các đại sứ bày tỏ vô cùng thương tiếc và lời chia buồn sâu sắc nhất khi nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Nhắc lại những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, bày tỏ lòng kính trọng trước việc Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11-2017, những việc Chủ tịch nước đã làm để củng cố nền an ninh quốc gia, bảo vệ các lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế…, bày tỏ trân trọng di sản Chủ tịch nước để lại và lòng tiếc thương trước sự ra đi của ông.

D.NGỌC

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo