xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa đến mùa khô, miền Trung đã héo hắt

NHÓM PHÓNG VIÊN

Dù đang ở thời điểm sản xuất vụ đông xuân nhưng nhiều tỉnh, thành miền Trung đã đối mặt tình trạng thiếu nước, nông dân phải tưới cầm chừng để dành cho vụ hè thu

Ở tỉnh Quảng Ngãi, dù đang là giai đoạn nước rút của vụ sản xuất đông xuân nhưng do không có mưa kéo dài nên nhiều nơi rơi vào tình cảnh thiếu nước. Tại huyện đảo Lý Sơn, vụ tỏi đông xuân 2019-2020, toàn huyện xuống giống hơn 330 ha. Nhiều tháng qua, ở đây không có trận mưa nào nên các ruộng tỏi khô khốc, người dân phải tưới "cầm chừng".

Ruộng lúa khô cháy

Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết hồ chứa nước Thới Lới đã xuống đến mực nước chết cách đây gần 1 tháng. Vì vậy, nguồn nước ngọt cho nông nghiệp và sinh hoạt vào mùa khô năm nay sẽ rất khó khăn. Trước mắt, huyện vận động người dân tiết kiệm nước tối đa. Về lâu dài, huyện mong muốn tỉnh hỗ trợ xây dựng những công trình nước sạch để bảo đảm tưới tiêu và sinh hoạt.

Trong khi đó, gần 100 ha lúa ở cánh đồng Chà Rang, thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định lâm vào cảnh khô cháy, người dân thiếu nước sinh hoạt vì đứt mạch nước ngầm.

Chưa đến mùa khô, miền Trung đã héo hắt - Ảnh 1.

Nhiều diện tích lúa ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, quắt queo vì hạn Ảnh: ANH TÚ

Theo ông Đặng Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, dù địa phương có kênh mương N24 dẫn nước từ đập dâng Văn Phong về nhưng gần 100 trăm ha đất sản xuất nông nghiệp vẫn bị thiếu nước tưới, hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Trong đó, cấp bách nhất vẫn là đồng Chà Rang và vùng dân cư 2 thôn Thuận Hạnh, Thuận Hiệp.

Tình trạng nhiễm mặn tại các sông Cẩm Lệ, Cầu Đỏ thuộc quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cũng đến sớm hơn mọi năm khiến nhiều diện tích trồng hoa màu của người dân thiệt hại nặng nề. Nước sông Cẩm Lệ nhiễm mặn rồi nước giếng khoan cũng nhiễm phèn. Nước nhiễm mặn tưới xuống đất để lại một lớp muối trắng phau. Hoa màu gặp phải lớp "muối" này thì chết dần. Người dân chống hạn, mặn bằng cách đào thêm giếng khoan, lắng bể để lấy nước bề mặt nhằm giảm phèn… Một số hộ thì chuyển việc canh tác từ hoa màu sang cây trồng chịu hạn như mè, đậu phộng nhưng năng suất không cao.

Thiếu nước, thủy điện khó chống hạn, mặn

Tại tỉnh Quảng Nam, dù mới bước vào mùa nắng nhưng nước mặn thường xuyên xuất hiện trên các sông Thu Bồn, Câu Lâu. Trong khi đó, mực nước trên các hồ thủy điện đang ở mức thấp khiến người dân và các ngành chức năng không khỏi lo lắng về một năm đối mặt hạn, mặn khốc liệt.

Theo số liệu thống kê của các thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, ngoài hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích đầy nước vào mùa mưa năm ngoái, đa số thủy điện còn lại đều thiếu nước. Riêng thủy điện A Vương, đến cuối mùa lũ năm 2019, lượng nước về hồ thiếu hụt gần 200 triệu m3. Trong các tháng đầu năm 2020, các hồ chứa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn cho hạ du. Tuy nhiên, hiện nay, mực nước các hồ thủy điện đều thấp hơn mức quy định.

Một lãnh đạo nhà máy thủy điện ở Quảng Nam cho rằng hiện kho nước của các hồ chứa thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn rất ít so với tổng lưu lượng tự nhiên của toàn bộ lưu vực sông. Lượng nước trên các hồ chứa thủy điện chỉ có khả năng bổ sung thêm cho hạ du để đối phó với tình trạng khô hạn chứ không đủ giải quyết cho bài toán chống xâm nhập mặn. Với tình hình thời tiết cực đoan như những năm gần đây, các ngành chức năng cần có giải pháp căn cơ cho việc chống hạn, nhiễm mặn.

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị bộ quan tâm chỉ đạo nghiên cứu xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Thu Bồn.

Khẩn trương xây dựng phương án chống hạn

Trước tình hình khô hạn đến sớm hơn mọi năm, bà Nguyễn Thị Tố Trang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), cho biết đã ghi nhận nhưng vẫn chưa có phương hướng xử lý vì kinh phí hoạt động của hội rất hạn hẹp. "Mới đầu tháng 2 thôi mà nước sông Cẩm Lệ đã nhiễm mặn là sớm hơn các năm rất nhiều. Năm 2019, đơn vị đã hỗ trợ 200.000-500.000 đồng/hộ tùy theo diện tích thiệt hại. UBND phường cũng đã cho đắp bờ kè dọc sông Cẩm Lệ để bảo đảm sản xuất cho nông dân" - bà Trang thông tin.

Trong khi đó, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay sở đã yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng phương án phòng chống hạn và có giải pháp tiết kiệm nguồn nước ngay trong vụ đông xuân này. Chỉ cấp nước vừa đủ, tưới luân phiên, tiết kiệm để dành nguồn nước cho sản xuất vụ hè thu.

Còn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, khẳng định sắp tới sẽ đưa dự án trạm bơm ở đồng Chà Rang vào đầu tư theo nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. "Vừa rồi, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đầu tư kênh Thượng Sơn mang nước từ hồ An Khê - Ka Nak về, kinh phí khoảng 400 tỉ đồng, thi công 2 tháng nữa xong. Kênh Thượng Sơn có đi qua vùng sản xuất ở Bình Thuận. Trong quy hoạch, chúng tôi sẽ đầu tư từng bước các hệ thống kênh mương phụ hoặc trạm bơm chứ chưa thể giải quyết một lần được. Và còn phải phụ thuộc vào nguồn vốn và nguồn nước ở hồ An Khê - Ka Nak" - ông Hổ nói. 

Chưa đến mùa khô, miền Trung đã héo hắt - Ảnh 2.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo