xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: 2 năm, ở nhà chưa đủ 1 tháng

Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH THỨC

Hơn 30 năm theo nghề y, bác sĩ (BS) Đặng Thanh Nguyên gắn bó với bệnh nhân lao. Đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, ông lại cùng đồng nghiệp tiếp tục giành giật sự sống cho nhiều người

Ở tuổi 58, bác sĩ (BS) Đặng Thanh Nguyên, Trưởng Khoa Nội 2 Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, vẫn nhớ như in bức tranh về ngành y treo ở bức tường quán cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Huệ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khi anh đang là chàng sinh viên Trường Đại học Y Dược Huế. Bức tranh phía trước là người bác sĩ với con đường dài, phía sau là nghĩa trang với những ngôi mộ của bệnh nhân.

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: 2 năm, ở nhà chưa đủ 1 tháng - Ảnh 1.

BS Đặng Thanh Nguyên

Dặn mình không tự mãn

"Nhìn bức tranh đó, tôi hiểu trên con đường của một BS sẽ không thiếu những lúc có bệnh nhân tử vong. Từ đó, tôi luôn dặn mình đừng bao giờ tự mãn là BS giỏi. Mỗi bệnh nhân khi qua đời, tôi luôn tự đặt ra cho mình hàng loạt câu hỏi. Họ chết vì sao? Mình cần thay đổi gì trong điều trị để cứu họ? Cần biện pháp gì để bệnh nhân không chết?" - BS Nguyên tâm sự.

Khuôn viên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng giờ nghỉ trưa. Một người đàn ông trong bộ blouse trắng đi từng giường bệnh của Khoa Nội 2, thăm khám các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây. Rời phòng, ông thực hiện khử khuẩn rồi đi dọc hành lang khoa. Các y tá, điều dưỡng gặp ông, cúi đầu chào rồi đùa: "Bác Nguyên đẹp trai bữa nay ít bệnh nhân, chắc là đang buồn nhỉ".

Người đàn ông đó là BS Đặng Thanh Nguyên. Dáng vạm vỡ, bước đi nhanh, kính cận dày cộp trên mặt nhưng miệng thì luôn cười. Giọng Đà Nẵng đặc sệt, ông đùa lại với nhóm y tá, điều dưỡng: "Mừng chứ bây. Không có bệnh nhân nặng, tui mới về nhà ăn cơm vợ nấu được".

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế năm 1990 với chuyên ngành nội tổng quát, BS Nguyên được phân công về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Chàng BS trẻ đầy nhiệt huyết không ngại ngần nhận nhiệm vụ phụ trách thêm Trạm Y tế xã Hòa Minh của huyện này. Ngày đó, ngoài việc thăm khám tổng quát cho bệnh nhân mỗi ngày, BS Nguyên còn được giao thêm nhiệm vụ chuyên sâu về các bệnh xã hội bao gồm: lao, tâm thần, HIV...

"Đời mình gắn với bệnh lao từ đó. Người bị bệnh lao phần lớn khó khăn nên phải kiên trì thuyết phục họ điều trị, tránh bỏ dở để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Ngày đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, thuốc men cũng thiếu nên BS và bệnh nhân phải cùng quyết tâm, cùng động viên, đồng hành mới có thể cùng nhau vượt qua bệnh lao" - BS Nguyên nhớ lại.

Năm 1997, huyện Hòa Vang được chia tách để thành lập quận Liên Chiểu. Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu được mở ra và BS Nguyên được điều động về phụ trách Khoa Nội tổng quát tại đây. Về nơi công tác mới, BS Nguyên vẫn tự đề xuất xin phụ trách thêm mảng bệnh xã hội để đồng hành với những bệnh nhân lao.

"Có những bệnh nhân mình đang theo dõi, điều trị cho họ khi còn ở Hòa Minh. Mình lên chỗ mới nhưng không nỡ bỏ họ nên muốn tiếp tục cùng họ chiến đấu với lao, nên đề xuất xin ở lại" - BS Nguyên giải thích.

Học chuyên khoa nội tổng quát, ngoài làm việc, BS Nguyên còn phải liên tục nghiên cứu thêm tài liệu về bệnh lao để có thêm kiến thức. BS Nguyên kể may mắn nhất gặp được khi nghiên cứu về bệnh lao đến trong một chuyến tập huấn ở Hà Nội. Một BS đàn anh ở Viện Lao Phổi Trung ương tặng ông hơn chục đầu sách về bệnh lao chỉ vì thấy ông "có duyên với bệnh lao".

"Đợt đó, tôi khệ nệ mang về, nghiên cứu ngấu nghiến. Mình học vì để biết thêm về lao và kết hợp thực tế lâm sàng để có phương án điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân theo phác đồ. Năm 2007, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thành lập, mình về đó làm việc luôn" - BS Nguyên cho biết.

Có những ngày bị stress nặng

Dịch Covid-19 xuất hiện. Đà Nẵng ghi nhận các trường hợp dương tính đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2020.

Ở Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi được chỉ định làm nơi thu dung, điều trị cho các bệnh nhân. BS Nguyên cho biết lúc đó ngành y tế xác định đó là bệnh mới. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng mở nhiều cuộc họp để tìm phương án phòng chống. Nhân viên y tế trước đó chưa từng tiếp xúc, thông tin về bệnh này cũng ít.

"Tâm lý anh em lúc đó ai cũng có chút lo lắng. Mình lớn tuổi, có kinh nghiệm và là đảng viên nên xung phong nhận làm. Mình mà không làm thì ai nhận, ai dẫn lối cho các bạn trẻ. Nếu ai cũng sợ lây bệnh mà không làm thì ai sẽ cứu chữa, chăm sóc cho người bệnh" - BS Nguyên cho hay.

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: 2 năm, ở nhà chưa đủ 1 tháng - Ảnh 2.

BS Đặng Thanh Nguyên tận tình chăm sóc bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Hơn 2 năm trời, Đà Nẵng luôn là tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 với 4 đợt dịch tấn công mạnh. Tập thể Bệnh viện Phổi Đà Nẵng với sự trợ giúp của Bộ Y tế và đồng nghiệp cả nước, dần dần đẩy lùi Covid-19. BS Nguyên cho hay đến thời điểm này đã cơ bản "nắm" được Covid-19. Tuy vậy, ông thừa nhận bản thân, đồng nghiệp đã có những ngày bị stress nặng khi bệnh nhân liên tục có người tử vong vào tháng 9-2021.

"Lúc đó, bệnh diễn tiến nhanh quá. Ngày thứ nhất họ nhập viện vẫn đang tỉnh táo, ngày thứ 2 trở nặng và đến ngày thứ 3 thì mất. Một đêm 2 - 3 ca như vậy, trong nhiều ngày. Anh em chúng tôi choáng. Chúng tôi liên tục tự hỏi mình sai ở đâu, mình điều trị thiếu gì, vì sao họ chết, mình chưa đáp ứng ở khoản nào? Anh em có người bị sốc tâm lý, mình và BS giám đốc bệnh viện liên tục phải động viên anh em. May mắn, anh em ngày càng hiểu về Covid-19, nên giờ đây, mọi người đã rất tự tin trong việc điều trị cho bệnh nhân" - BS Nguyên kể.

BS Nguyên nói để hiểu Covid-19, ông đã không ngừng nghiên cứu tài liệu và tham gia học trực tuyến từ các bệnh viện khác, mỗi khi rỗi. Khác với bệnh lao mà ông gắn bó nhiều năm, Covid-19 phải cập nhật liên tục. Tài liệu về bệnh chủ yếu là tiếng nước ngoài. Ông phải vừa học vừa kéo đồng nghiệp trẻ vào giúp nhau. Ông chỉ cho họ kinh nghiệm làm việc của mình và học lại từ họ những kiến thức mới trong nhà trường mà bản thân chưa tiếp cận. Đặc biệt, BS Nguyên thừa nhận đã học được rất nhiều từ lớp học trực tuyến Chương trình cà phê sáng của Đại học Y Dược TP HCM. "Các bạn đó rất giỏi, đi rất nhanh trong việc tiếp cận và điều trị Covid-19" - ông khen.

Suốt 2 năm trời cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch Covid-19, BS Nguyên có thêm hàng chục người bạn là bệnh nhân. Họ là những người từng thập tử nhất sinh, được ông và đồng nghiệp chữa trị, cứu sống. Cả quá trình điều trị, họ chỉ giao tiếp bằng ánh mắt, lời nói qua lớp bảo hộ chứ chưa từng thấy mặt BS.

"Bệnh nhân hay lắm nghe. Trước lúc ra viện, họ yêu cầu chúng tôi nói cho họ nghe tiếng rồi nhìn vào mắt từng người. Vậy mà họ đoán được hết tên chúng tôi, những cái tên ghi bên ngoài lớp áo bảo hộ lúc điều trị. Vậy là họ lấy số, rồi thường xuyên nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, rất vui" - BS Nguyên hào hứng.

Thèm cơm vợ nấu

Hai năm liên tục, BS Nguyên thừa nhận ít có thời gian cho gia đình. Cả nhà chỉ nói chuyện qua tin nhắn, qua các cuộc gọi video. Kể về mình, ông liên tục nhắc đến vợ cùng 2 con.

"Mình may mắn là có vợ cùng làm ngành y nên thương và hiểu. Vợ mình là y tá ở Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu nên cũng chiến đấu với dịch Covid-19 như mình. Cô ấy đi lấy mẫu, điều tra dịch tễ, đi tiêm vắc-xin, có lẽ cực hơn mình ở đây" - ông cười lớn.

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: 2 năm, ở nhà chưa đủ 1 tháng - Ảnh 3.

BS Đặng Thanh Nguyên (giữa) và đồng nghiệp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Hạnh phúc nhất với ông trong những ngày căng thẳng với dịch Covid-19 là cậu con trai út đang học 12 ở nhà. Ông kể con trai ra phường xin đăng ký làm tình nguyện viên tham gia chống dịch, giữ chốt. "Con nói không học y, mình tôn trọng thôi nhưng bất ngờ là con trai hiểu về công việc của ba mẹ. Mình hỏi sao đi tình nguyện, con bảo thương ba mẹ thì đăng ký. Nghe vậy là mình sướng rồi" - BS Nguyên kể.

Giữa khuôn viên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, ông ngồi nhẩm tính trong 2 năm 2020 và 2021, ông chỉ ở nhà chưa đủ 1 tháng. Thời gian còn lại là "cắm trại" tại bệnh viện. Có những ngày hiếm hoi giải lao thì phải thực hiện cách ly trước khi về nhà.

"Xong cách ly lại có ca nặng. Vậy là chạy vào bệnh viện. Giai đoạn này chuyên ăn cơm hộp. Thèm cơm vợ nấu lắm mà chịu. Có hôm mình về, mấy ông hàng xóm bạn trà hết ôm rồi nhìn ngó như mình đi đâu xa lắm nay trở về, rồi lại còn nói nhớ quá. Dịch Covid-19 làm cuộc sống thay đổi hết. May mắn thời điểm này người dân đã tiêm vắc-xin nên dịch bệnh được khống chế, cuộc sống đã trở lại như trước" - ông nói. 

Phải học liên tục

Là chuyên gia về bệnh lao, bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến với Covid-19 nhưng cả cuộc trò chuyện, BS Đặng Thanh Nguyên chưa bao giờ thừa nhận mình giỏi. Ông nói BS đừng bao giờ nghĩ mình giỏi mà phải học liên tục. Bản thân ông luôn học từ đồng nghiệp trẻ, từ sách vở mới, từ tài liệu nghiên cứu của nước ngoài.

"Đàn em mình, dù mới ra trường những cũng có những thứ hơn mình. Đừng bao giờ nghĩ mình giỏi hơn họ mà hãy học họ. Làm BS phải có cái tâm, tối trở về nhà mới ngủ ngon là được. Bản thân BS đừng để phải gác tay lên trán suy nghĩ hay hối hận là được" - BS Nguyên nhắn nhủ.

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: 2 năm, ở nhà chưa đủ 1 tháng - Ảnh 5.
Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: 2 năm, ở nhà chưa đủ 1 tháng - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo