xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đại biểu Quốc hội: Bác sĩ "chân trong chân ngoài", tất bật ở phòng khám tư vì thu nhập

Minh Chiến - Văn Duẩn

(NLĐO)- Theo đại biểu Quốc hội, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công

Ngày 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nêu thực trạng thời gian qua có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, rời bỏ bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ.

"Nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công"- đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội: Bác sĩ chân trong chân ngoài, tất bật ở phòng khám tư vì thu nhập - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu các bất cập trong vấn đề tự chủ của bệnh viện công

Theo đại biểu Cường, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để được toàn quyền lựa chọn, thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc, thiết bị.

Trong điều kiện làm việc hiện nay, đại biểu Cường nhấn mạnh nếu đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế được hưởng mức thù lao thỏa đáng, đúng với công sức thì họ sẽ toàn tâm, toàn ý dành hết năng lực cho công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện mà không phải “chân trong, chân ngoài”, tất bật với phòng khám tư.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội, nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. "Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư, các bệnh viện quốc tế, chỉ vì những đơn vị này có thiết bị hiện đại hơn"- đại biểu Hoàng Văn Cường nêu thực trạng.

Với những bất cập nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn TP Hà Nội cho rằng những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.

Do đó, tại dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị cần quy định rõ, tự chủ là trao quyền cho bệnh viện được quyền quyết định trong hoạt động khám chữa bệnh, được quyền quyết định về tổ chức bộ máy, con người phù hợp với hoạt động của bệnh viện; quyết định vấn đề tài chính của bệnh viện, kể cả ngân sách đầu tư. Cần xác định cả các điều kiện tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau.

Vị đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính với bệnh viện nói chung về tự sử dụng nguồn thu, tự quy định mức chi trả tiền lương, đầu tư mua sắm và trích lập những quỹ đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, để tránh quan điểm không đúng về tự chủ, khoán trắng cho bệnh viện tự lo.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản tại bệnh viện để chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư, hoạt động mua sắm, đi thuê, liên kết máy móc, trang thiết bị để sử dụng các cơ sở vật chất đó hiệu quả nhất, gọn nhẹ đúng quy định.

Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) bày tỏ băn khoăn về chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng việc giải trình trong báo cáo chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Quốc hội: Bác sĩ chân trong chân ngoài, tất bật ở phòng khám tư vì thu nhập - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cho biết hiện tại Nhà nước chưa có quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh

Trao đổi với báo chí bên hành lang quốc hội sáng cùng ngày về dự thảo luật này, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải được Nhà nước thống nhất quản lý tại Luật giá (sửa đổi).

Theo ông Khải, vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Mặt khác, giá khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như khả năng chi trả của mỗi người dân chúng ta.

"Dự thảo Luật tại Điều 108 đã quy định về chi phí khám, chữa bệnh; các căn cứ để tính giá khám chữa bệnh và được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá thông qua Luật Giá (sửa đổi). Tôi đề nghị Bộ Y tế cần phải phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng những quy định liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dự thảo trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này"- ông Khải cho hay.

Vị đại biểu đoàn Hà Nam nhấn mạnh vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải được giải quyết thấu đáo, hiệu quả để tháo gỡ được nhiều khó khăn, đặc biệt là đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, có khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.

Liên quan đến vấn đề giá, đại biểu Trần Văn Khải lưu ý về vấn đề quản lý giá thuốc, hiện tại Nhà nước chưa có quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh, chỉ mới khống chế giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc của bệnh viện.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải được Nhà nước thống nhất quản lý tại Luật giá (sửa đổi). Theo đó ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa; quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo