Bốn chương trình phát triển TP HCM
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển TP HCM giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và 24 chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP HCM đã xây dựng và thực hiện 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm phát triển TP.
Đối với Chương trình đột phá đổi mới quản lý, Đảng bộ TP đưa ra mục tiêu chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý TP phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP phù hợp nhu cầu và phát huy các nguồn lực, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và ngân sách chung của cả nước. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, niềm tự hào của các tầng lớp nhân dân TP tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng, thi đua sáng tạo xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.
Để thực hiện Chương trình đột phá đổi mới quản lý, TP xây dựng 13 đề án và 1 chương trình. Đáng chú ý có Đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững; Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM...
Chương trình đột phá phát triển hạ tầng đặt ra yêu cầu phải phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư; quan tâm phát triển, bảo đảm nhà ở cho người dân trên địa bàn. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạnh ngành logistics; giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách đặt ra: giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn, cung cấp và vận động 100% người dân TP sử dụng nước sạch, phát triển cây xanh, hệ thống chiếu sáng đô thị... đáp ứng và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân TP.
Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị. Khuyến khích đại học chia sẻ, phát triển giáo dục thông minh, tạo điều kiện tiếp cận và lĩnh hội hệ thống tri thức gắn với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Cùng với đó là phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ thống y tế toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu chăm lo sức khỏe nhân dân; phát triển các ngành, lĩnh vực văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực để phát triển kinh tế.
Chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, TP HCM đưa ra mục tiêu là địa phương đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng TP thông minh, làm nền tảng phát triển kinh tế hiện đại; tiếp tục là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, TP sẽ đồng hành và tích cực hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp và phát triển DN nhỏ và vừa; chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỉ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của TP trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp thế mạnh, trọng yếu và có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế TP như: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm...