xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dấu ấn những người thầy

HOÀNG XUÂN CƠ

Từ lúc thơ dại học tiểu học rồi lớn lên học trung học, đại học, tôi được nhiều thầy cô hết lòng dạy dỗ, truyền cho tôi ngọn lửa yêu nghề

Năm nay, tôi đã 71 tuổi, có hơn 48 năm làm giảng viên. Tôi có thể tự hào đã làm tròn bổn phận người thầy nhưng soi kỹ thì cảm thấy không có gì nổi bật, đáng nói nếu so với những gì các thầy cô giáo đã dạy dỗ, giúp đỡ tôi trong suốt thời học sinh, sinh viên và cả khi đã đi làm, trở thành một giảng viên.

Bài toán đố của thầy lớp 4

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng bán sơn địa xứ Thanh, xã Hợp Tiến, huyện Nông Cống, lúc ấy còn khá hoang sơ, xa thành thị, xa thế giới văn minh. May mắn khi sinh ra và lớn lên, quê tôi không thuộc vùng bị Pháp chiếm đóng (có thể coi là vùng tự do). Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có chủ trương rất đúng đắn là mở mang ngành giáo dục để con em các tầng lớp nghèo vùng nông thôn được đi học.

Đến tuổi vào học lớp 1 (7 tuổi), xã tôi đã có trường cấp I, không phải là khu trường riêng mà có các lớp học nhờ nhà dân, nhờ các đình làng với bàn ghế tự tạo, rất đơn sơ. Lúc ấy tôi quá nhỏ, không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ mỗi ngày đi bộ, có khi xa nhà 1 đến 2 km đến lớp học. Trong lớp nghe được gì thì nghe, khi có giấy thì dùng bút chì để viết, còn nhiều khi dùng than viết xuống sàn. Mãi đến năm học lớp 4, được học ở một ngôi đình rất rộng thì tôi mới bắt đầu hiểu rõ hơn về trường lớp, học hành. Rất may mắn khi thầy giáo dạy tôi là một thầy giáo "đặc biệt", cả về thân thế, kiến thức và tận tâm. Về thân thế, thầy là người Huế, là trí thức. Thầy tham gia kháng chiến chống Pháp, được đưa ra vùng tự do xứ Thanh và được cử làm giáo viên dạy ở xã tôi.

Dấu ấn những người thầy - Ảnh 1.

Thầy giáo cũ (thứ hai từ phải qua) đón học trò về thăm

Tôi được học thầy năm lớp 4, trong lớp có lẽ tôi ít tuổi nhất (đúng tuổi đi học) còn có nhiều anh chị đồng môn nhưng lớn hơn tôi vài tuổi. Thầy dạy toán rất giỏi, nhất là tính nhẩm và rất kiên trì giảng cho những học sinh ham học. Thấy tôi thích học toán, thầy có ý kèm riêng, ra cho tôi những bài toán hay và chỉ dạy cho tôi rất nhiều mẹo tính nhẩm, mẹo làm toán đố. Tôi nhớ nhất là thầy giao bài toán "cổ điển": "Vừa gà vừa chó bó lại cho tròn, đếm đủ 36 con, một trăm chân chẵn. Hỏi có mấy con gà, có mấy con chó" để tôi làm. Thầy dạy cho tôi cách giả thiết tạm để giải bài toán này (không giải bằng đặt phương trình), nếu cả 36 con đều là gà thì chỉ có 36 x 2 = 72 chân, thiếu hẳn 28 chân mới đủ 100. Nếu mỗi con gà (2 chân) thêm 2 chân nữa để thành chó thì phải chuyển 28 : 2 = 14 con gà thành chó, nghĩa là có 14 con chó và 36 - 14 = 22 con gà. Tôi một lúc lâu mới hiểu và chỉ đến khi tôi làm được bài toán thầy ra tương tự thì thầy mới yên tâm.

Luôn hết lòng với học sinh

Khi tôi lên học cấp II (lớp 5 đến lớp 7) thì xã bên cạnh, xã Hợp Thành có trường cấp II, cách nhà tôi 3 km. Ba năm ấy tôi phải đi bộ đến trường để học. Năm lớp 6 và lớp 7 đã có trường tập trung nhưng cũng là nhà tranh, vách đất đơn sơ. Chúng tôi được học với nhiều thầy cô giáo rất tâm huyết, hết lòng truyền đạt kiến thức cho học sinh. Xin lấy một ví dụ, nhà trường có dành khu đất làm vườn thực hành sinh học và địa lý, các thầy giáo đã dày công cùng với học sinh đi sưu tầm các cây về trồng theo thứ tự tiến hóa nên tiết học sinh vật rất dễ tiếp thu.

Người thầy để lại dấu ấn sâu đậm nhất thời kỳ tôi học cấp II là thầy Lường Văn Ánh, dạy toán. Thầy dạy rất say sưa với giọng nói của người vùng biển Sầm Sơn và thầy cũng rất nghiêm khắc. Tôi nhớ có lần thầy gọi lên bảng nhưng tôi không mang theo vở bài tập, thầy tuyên bố cho tôi 5 điểm 1 (một) vào sổ đầu bài và sau này mỗi lần lên bảng giải toán đúng thì thầy sẽ xóa cho một điểm 1. May mắn là thầy gọi tôi lên bảng nhiều nên cuối học kỳ I năm lớp 7 tôi đã được thầy xóa hết số điểm 1 và thi cuối kỳ, tổng kết thầy vẫn cho điểm cao nhất. Tết năm tôi học lớp 7, thầy đứng trước toàn trường tuyên bố thầy có 5 bài toán khó, em nào có thể giải được dù chỉ 1 bài, thầy sẽ có thưởng. Đây là những bài có đề rất ngắn, rất dễ nhớ nên tôi cũng thử giải nhưng khó quá, không giải được. Nhưng rồi một lần cầm cành cây vẽ hình trên đất, tôi kẻ thêm đường phụ và chứng minh được một bài hình học đem nộp thầy. Tôi nhớ khi đó, xem xong thầy rất vui và hôm tập trung sau Tết, thầy đã tuyên dương tôi trước học sinh toàn trường.

Cô giáo - thần tượng của tôi

Thời học đại học, tôi được học với cô giáo rất giỏi và có cách dạy rất hay, có thể khơi dậy trong sinh viên niềm đam mê học và tìm hiểu sâu hơn về những kiến thức cô đã giảng. Đó là PGS-TS Kiều Thị Xin. Thời đại học cô được sang Liên Xô, học ở thành phố cảng nổi tiếng Odessa (thuộc Ukraine ngày nay). Về nước cô phải dạy ngay môn học rất khó, cần nhiều kiến thức toán học nhưng cô dạy rất nhiệt tình, sẵn sàng trả lời, giải thích cặn kẽ những chỗ khó, đôi khi cùng sinh viên tìm cách dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt sao cho đúng nghĩa nhất.

Lớp học chỉ có 13 người nên cách học này mang lại hiệu quả rõ rệt và không biết từ lúc nào đã hình thành nhóm sinh viên thích học môn này, trong đó có tôi. Cô cho biết về xu thế giải bài toán khí tượng, dự báo thời tiết bằng phương pháp số trị, sử dụng máy tính điện tử sẽ phát triển, tôi đã cố gắng theo mấy anh bạn khoa toán học thêm lập trình để chạy trên máy tính Minsk-22 của Liên Xô được lắp đặt ở 39 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), trụ sở Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước từ năm 1968.

Dấu ấn những người thầy - Ảnh 2.

Cô giáo, PGS-TS Kiều Thị Xin và học trò cũ là tác giả bài viết Ảnh: XUÂN HÒA

Khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, tôi được cô hướng dẫn và cô chọn cho tôi đề tài có thể sử dụng lập trình để giải quyết. Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình lập trình (lúc đó còn lập trình dùng ngôn ngữ máy, chưa có chương trình kiểu Pascal, Fortran như sau này...) nhưng rồi chương trình cũng chạy.

Khi tôi đưa kết quả cho cô xem, cô vui ra mặt và nói chỉ cần kết quả như vậy là có thể bảo vệ được luận văn. Vì có kết quả trên máy tính nên luận văn (viết tay) của tôi rất ngắn gọn, chủ yếu là các công thức và kết quả tính toán, chỉ có một số phân tích, nhận xét bằng lời. Tôi nhớ mãi bài nhận xét của cô đọc trước hội đồng về luận văn của tôi, đánh giá rất cao nỗ lực của tôi trong lập trình để có kết quả tốt. Tôi luôn tự hào về kết quả này và biết ơn cô đã động viên, khuyến khích tôi học được một công cụ rất hữu ích để nghiên cứu, giảng dạy.

Cô giáo Kiều Thị Xin đã tu nghiệp thêm ở Đức, có được bằng tiến sĩ ở một trường danh tiếng của Đông Đức, Trường Đại học Tổng hợp Humboldt. Bây giờ cô đã nghỉ hưu, sống với con cháu, rất gần nhà tôi nên cô, trò vẫn gặp nhau và trao đổi nhiều chuyện, trong đó có chuyện về một thời đáng nhớ, một thời tôi không thể quên về cô giáo đã là thần tượng của tôi. 

Đắp quả địa cầu làm học cụ

Tôi nhớ mãi thầy dạy địa lý ở trường cấp II đã có ý tưởng rất hay là đắp quả địa cầu bằng đất, cát khá lớn, đường kính khoảng 3 m, lấy các mảnh cỏ lắp thành lục địa, đảo, dùng dây thừng làm vòng vĩ độ, làm biên giới quốc gia, châu lục. Thầy đã dày công tạo hình các con sông lớn, đỉnh núi cao và mở cuộc thi rất hay như thi cắm cờ quốc gia, cờ thủ đô các nước... Bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn còn hình dung những buổi sinh hoạt kiểu như vậy, vừa hay vừa dễ nhớ, dễ thuộc. Liệu bây giờ còn trường nào có được những dụng cụ học tập kiểu này không?

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

Dấu ấn những người thầy - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo