xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐB Nguyễn Lân Hiếu: Hãy để chúng tôi yên tâm với thu nhập, không lăn tăn cám dỗ nhỏ nhặt

Minh Chiến

(NLĐO)- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã bày tỏ băn khoăn về thu nhập của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và cho rằng nếu đảm bảo thu nhập, nhân lực ngành y Việt Nam sẽ không thua kém các nước trong khu vực.

Ngày 9-11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của kỳ họp thứ 2, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã nêu 5 nhóm vấn đề về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, 5 nhóm vấn đề này được ông đúc rút khi trực tiếp tham gia chống dịch ở nhiều địa bàn trong nước cũng như có may mắn được học hỏi kinh nghiệm chống dịch và hoạt động kinh tế - xã hội của các nước châu Âu trong chuyến công tác mới đây.

Nhóm vấn đề thứ nhất, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng sau khi đã phủ vắc-xin như hiện nay, tập trung rà soát các lỗ "hổng" trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị Covid-19 tấn công. Cần có kế hoạch cụ thể cho người lớn tuổi, bệnh nền không ổn định, phụ nữ có thai. Bảo vệ các bệnh viện và các nhà dưỡng lão tránh nguy cơ biến thành ổ dịch. Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, tiêm vắc-xin mũi 1 diện rộng sau đó mới tính đến mũi 2, chưa nên tiêm mũi 3 vì nhiều tỉnh còn có tỉ lệ tiêm thấp.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu: Hãy để chúng tôi yên tâm với thu nhập, không lăn tăn cám dỗ nhỏ nhặt - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu băn khoăn về thu nhập của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế

Nhóm vấn đề thứ hai là triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Theo vị đại biểu là Giáo sư-Tiến sĩ y khoa này, không thể để riêng một bộ chủ trì triển khai lĩnh vực vô cùng quan trọng này. "Hội đồng nghiệm thu phần mềm, các ứng dụng cần phải có mặt của các chuyên gia kinh nghiệm, tâm huyết của y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần triển khai đồng bộ trên diện rộng"- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Nhóm vấn đề thứ 3, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lưu ý mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa trên các khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng của những nước tiên tiến trên thế giới. "Không mở ra đóng vào theo cảm tính"- ông Hiếu nhấn mạnh và cho rằng cần trở lại cuộc sống bình thường bằng cách tuân thủ quy tắc sống an toàn với dịch.

Vị đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng chúng ta không sợ Covid-19 nhưng cũng không thể chủ quan để dịch bùng phát trên diện rộng. Theo ông, Thủ tướng chính phủ cũng đã khẳng định không dùng chiến thuật "zero Covid" mà mở cửa an toàn với 3 trụ cột và bằng chứng là nền kinh tế đang khó khăn đã có những tia sáng hy vọng thông qua những con số thống kê trong tháng 10 vừa qua.

Nhóm vấn đề thứ tư là chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế các tuyến huyện quận, xã phường, bởi đây chính là lực lượng chống dịch quan trọng nhất. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nhân viên y tế phường xã không chỉ phát hiện (xét nghiệm), cách ly, truy vết mà cần chẩn đoán (phân loại) và điều trị sớm. Lập kế hoạch đào tạo nhân lực, phân bố trang thiết bị hiện có cho tuyến cơ sở không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Y tế mà là cả các sở y tế địa phương.

Nhóm vấn đề thứ năm, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết khi được cầm những tấm bằng khen, trong ông có 2 luồng tình cảm trái ngược, vui có nhưng buồn lại phần nhiều hơn. "Buồn vì biết bao người xứng đáng hơn tôi lại chưa được ghi nhận, buồn vì những thiệt thòi của một ngành mà ai cũng ghi nhận lúc này nhưng hết dịch lại chẳng hề thay đổi"- ông Nguyễn Lân Hiếu băn khoăn.

Vị đại biểu mong muốn sau đại dịch không thể nào quên này, những chế độ chính sách, những bất cập vướng mắc của ngành y tế sẽ được giải quyết hoặc ít nhất có hướng thoát ra. Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo hay thậm chí vướng vào vòng lao lý đều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Theo ông, những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá còn có những lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi sao lại khó vô cùng.

"Một giám đốc bệnh viện giỏi chuyên môn là rất cần thiết nhưng không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định nhiều như hiện nay. Vậy nên rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men được rõ ràng mà tốt nhất là tách khỏi lĩnh vực chuyên môn"- ông Nguyễn Lân Hiếu phát biểu trước Quốc hội.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhắc lại việc vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm ông là giám đốc chuyên môn của Bệnh viện hồi sức bệnh nhân Covid-19 và đồng thời bổ nhiệm một giám đốc điều hành khác lo tất cả về hậu cần. Với mô hình mới đấy, bệnh viện đã hoạt động trơn tru hiệu quả cho dù thành lập trong hoàn cảnh cấp bách. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt nếu không muốn có những hậu quả lớn hơn.

"Hãy để chúng tôi yên tâm với thu nhập của mình để không còn tủi thân hay lăn tăn với những cám dỗ nhỏ nhặt hàng ngày. Tôi tin chắc với những gì cán bộ nhân viên y tế Việt Nam đã chứng minh trong thời gian vừa qua, nếu có thu nhập tường minh xứng đáng, chúng tôi sẽ không thua kém những nền y tế tiên tiến trong khu vực" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ khi kết thúc phần phát biểu của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo