xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐBSCL gấp rút khống chế dịch Covid-19

NHÓM PHÓNG VIÊN

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL điều chỉnh cấp độ đánh giá dịch, gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó

Ngày 1-11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký quyết định về việc cập nhật và công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Nhiều khu vực "chuyển màu"

Quyết định có hiệu lực từ 12 giờ ngày 2-11. Theo đó, có 20/64 xã, phường thuộc cấp độ 4 ("vùng đỏ"); 8/64 xã, phường cấp độ 3 ("vùng cam"); 36 xã, phường còn lại ở cấp độ 2 ("vùng vàng"). Đối với cấp huyện, thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu thuộc "vùng đỏ"; huyện Phước Long, huyện Hồng Dân và huyện Đông Hải thuộc "vùng cam"; huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình thuộc "vùng vàng". Việc thiết lập, vận hành các chốt kiểm soát dịch được thực hiện ngay sau khi quyết định này được công bố.

Những ngày qua, dịch Covid-19 bùng phát ở khắp các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong 3 ngày, từ 30-10 đến 1-11, toàn tỉnh ghi nhận 1.200 ca mắc Covid-19, trong đó có 459 ca trong cộng đồng.

ĐBSCL gấp rút khống chế dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho người dân trên địa bàn TP Bạc Liêu. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Trước đó, khi Bộ Y tế công bố đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của 63 tỉnh, thành trên cả nước, Bạc Liêu thuộc nhóm các tỉnh, thành cấp độ 2. Tuy nhiên, do toàn tỉnh không còn địa bàn nào nằm trong "vùng xanh" nên UBND tỉnh Bạc Liêu cũng quyết định công bố dịch cấp độ 4 trên toàn tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ cấp độ dịch này để áp dụng biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trên địa bàn.

Những ngày qua, số ca mắc tại tỉnh Hậu Giang liên tục tăng, có ngày ghi nhận gần 400 ca. Từ địa phương gần như là "vùng xanh" 100%, hiện có 66/75 xã và 457 ấp thuộc cấp độ 2; cấp độ 3 là 2 xã và 20 ấp; cấp độ 4 là 7 xã và 48 ấp. Hàng chục khu vực thực hiện phong tỏa, thiết lập vùng cách ly y tế, thực hiện nghiêm "ai ở đâu thì ở yên đó".

Tại Sóc Trăng, ngày 1-11, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký thông báo hỏa tốc về việc chuyển cấp độ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ cấp độ 1 lên cấp độ 2, áp dụng từ 12 giờ ngày 2-11. Cụ thể, đối với cấp xã, có 79 đơn vị thuộc cấp độ 1; 20 đơn vị thuộc cấp độ 2; 10 đơn vị thuộc cấp độ 3. Đối với cấp huyện, có 2 đơn vị "vùng xanh"; 8 đơn vị "vùng vàng" và 1 đơn vị "vùng cam".

Xuất hiện nhiều ổ dịch

Từ ngày 23 đến 29-10, TP Cần Thơ có 786 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó có một số ổ dịch lớn như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, một số phường của quận Ninh Kiều, Khu Công nghiệp Thốt Nốt, doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn) với số ca nhiễm 151 người... Trước tình hình này, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, ký ban hành công văn về việc cập nhật lại cấp độ dịch Covid-19 từ cấp độ 1 sang cấp độ 2 toàn TP, áp dụng từ ngày 1-11.

Theo Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.870 trường hợp mắc Covid-19. Riêng ngày 31-10, tỉnh ghi nhận 90 ca mắc. Đáng chú ý là những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng và lây lan rất nhanh. Các địa phương chưa kịp thời điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly y tế, nguy cơ dịch bệnh lây lan rất lớn.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau - yêu cầu bí thư các huyện ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau, cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, rà soát, chỉ đạo quyết liệt điều tra, truy vết thần tốc các trường hợp F0, F1, F2 của từng ổ dịch; đồng thời thực hiện phong tỏa, cách ly ngay các trường hợp mắc Covid-19, không để lây lan ra diện rộng và vượt quá khả năng kiểm soát.

Cùng với nỗ lực khống chế dịch có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, ngày 1-11, UBND tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương của Sở Y tế tỉnh này về việc thí điểm triển khai cách ly điều trị F0 tại nhà. Việc thí điểm triển khai tại một số địa phương như TP Long Xuyên, TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu; các địa phương khác cũng có thể áp dụng phương án này nếu dịch bùng phát khi các cơ sở thu dung điều trị F0 tại đây không bảo đảm các điều kiện cần thiết.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây với gần 11.200 ca mắc Covid-19. Việc thí điểm cách ly F0 tại nhà nhằm giải tải hệ thống điều trị. Với việc thí điểm này, An Giang cũng sẽ triển khai chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ trong cộng đồng.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành quyết định về thí điểm về quản lý cách ly, điều trị F0 tại nhà để giảm tải cho các cơ sở y tế. Đồng thời, tỉnh xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng chống dịch theo từng cấp độ dịch, vừa tổ chức khám chữa bệnh cho bệnh nhân thông thường vừa điều trị các trường hợp F0.

49 tỉnh, thành phát hiện thêm ca bệnh Covid-19

Bộ Y tế cho biết ngày 1-11, nước ta ghi nhận 5.598 ca mắc Covid-19 tại 49 tỉnh, thành, trong đó 2.321 ca ngoài cộng đồng. Trong ngày, có 1.731 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 822.065.

Cùng ngày, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhất là sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận số mắc trong cộng đồng gia tăng như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang.

Trước thực tế nhiều người đã tiêm vắc-xin vẫn bị mắc Covid-19 và việc cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao nhất là những điểm có người về từ TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và các địa bàn dịch Covid-19 cấp độ 3, 4... Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Ng.Dung

TP HCM ra khỏi vùng nguy cơ cao

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP HCM chiều 1-11, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Phòng chống dịch Covid-19, cho biết cấp độ dịch của TP là cấp 2 ("vùng vàng"), trong đó không còn quận - huyện nào là "vùng cam" - nguy cơ cao. Cụ thể, có 13 quận, huyện đạt "vùng xanh" và 9 địa phương là "vùng vàng" (gồm quận 3, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận; huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Hóc Môn).

"Căn cứ vào tình hình dịch bệnh hằng tuần của quận, huyện và TP Thủ Đức, cùng tình hình dịch bệnh của 312 phường, xã, thị trấn để quyết định số lượng quy mô làm việc lại của cán bộ công chức. Sở Nội vụ đang trình UBND TP kế hoạch tổ chức làm việc lại của cán bộ, công chức và UBND đang cân nhắc lựa chọn phương án nào để phù hợp, vừa bảo đảm giải quyết công việc cho người dân thông suốt, vừa bảo đảm phòng chống dịch" - ông Hải thông tin.

Cũng tại họp báo, liên quan đến lo ngại biến chủng phụ của virus Delta (Delta Plus) đã có mặt ở các quốc gia, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho rằng TP đã qua đỉnh của đợt 4, chuyển sang thời kỳ mới của công tác phòng chống dịch nhưng các biện pháp vẫn đang được tiếp diễn.

Ngành y tế tiếp tục cùng chuyên gia Bộ Y tế, chuyên gia nước ngoài đang ở TP HCM cũng theo dõi diễn biến của biến chủng mới. Cơ sở nghiên cứu đặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang lấy mẫu chính xác tầm soát xem biến chủng này đã có ở Việt Nam chưa, nghiên cứu giải mã gien đối với loại virus này để xem đặc tính của nó.

"Đây là các bước chuẩn bị qua thực tiễn 4 đợt dịch, TP đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm để áp dụng khi có sự cố xảy ra vào đợt dịch sau" - bà Mai nhấn mạnh.

Liên quan đến việc bàn giao các điểm trường được chọn làm cơ sở cách ly, điều trị, để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết việc bàn giao này tiếp tục thực hiện trong tháng 11.

Đến nay, số lượng trường chưa bàn giao là 236 trường, trong đó có 31 trường THPT. Tuy nhiên, tại một số cơ sở, chưa có thời gian cụ thể.

N.Thuận

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo