xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Để an cư không còn là giấc mơ (*): Những nút thắt bị... thả trôi!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nếu công nhân mong muốn tăng số lượng, minh bạch thông tin dự án nhà ở xã hội thì các nhà đầu tư lại mong ngóng sớm gỡ các nút thắt trong thủ tục sau nhiều lần kiến nghị

Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong 5 năm qua, TP chỉ có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được đưa vào sử dụng với trên 15.000 căn nhà. Sở Xây dựng thừa nhận con số này là rất ít so với nhu cầu NƠXH của người dân TP.

2 năm không dự án nào được triển khai

Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng TP, 2 năm gần đây, toàn TP không có dự án NƠXH nào được triển khai, các dự án nhà giá rẻ khác cũng gần như biến mất. Năm 2020, số lượng căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh, chỉ chiếm 1% tổng số sản phẩm nhà ở. Riêng quý I/2021, tỉ lệ nhà ở cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm đến 59%; tỉ lệ nhà ở trung cấp chiếm 41% và không còn căn hộ giá bình dân trên thị trường TP HCM. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người thu nhập thấp, nhất là công nhân, gần như không tiếp cận được với nhà ở.

Với con số trên 15.000 căn nhà NƠXH đưa vào sử dụng trong 5 năm qua ở TP HCM, theo thống kê, đối tượng được mua đa phần là lực lượng vũ trang, người hưởng lương ngân sách nhà nước. Đơn cử, tổ hợp chung cư NƠXH HQC Plaza, nằm ở mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), có 1.735 căn hộ cùng các tiện ích như trung tâm thương mại, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi trẻ em, siêu thị... Mỗi căn hộ tại đây có diện tích từ 54-68 m2 tại thời điểm bán, giá dao động từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/căn. Với giá bán tương đối thấp cùng các chính sách về vốn vay, lãi suất nên đây là dự án rất nhiều công nhân mơ ước nhưng không thể chạm đến, bởi số lượng có hạn và đối tượng ưu tiên không phải là công nhân. Dự án NƠXH HOF-HQC trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) có quy mô 464 căn do Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM làm chủ đầu tư cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng công nhân cũng khó...chạm đến.

Để an cư không còn là giấc mơ (*): Những nút thắt bị... thả trôi! - Ảnh 1.

Hai dự án nhà ở xã hội ở quận 8, TP HCM nằm chờ nhiều năm, trong đó một dự án ngừng thi công vì thủ tục chưa hoàn thiện (ảnh 1), dự án còn lại do UBND quận 8 quản lý chậm triển khai hơn 5 năm Ảnh: LÊ PHONG

Trước thực tế trên, Sở Xây dựng TP HCM ban hành kế hoạch về việc phát triển NƠXH, nhà lưu trú công nhân diện tích từ 25-77 m2 để cho thuê hoặc bán với giá từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng. Theo đó, những nơi được cho có thể làm được như KCX Linh Trung I, II, III; Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức); Công viên Phần mềm Quang Trung (43 ha, quận 12)... Ngoài ra, để biến giấc mơ an cư của công nhân, người thu nhập thấp thành hiện thực, UBND TP HCM ban hành kế hoạch giai đoạn 2021-2025 dự kiến phát triển mới khoảng 24.000 căn NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp. Theo đó, TP có 19 dự án trong danh mục NƠXH dự kiến hoàn thành từ năm 2021 trở về sau. Ngoài ra, TP đang có 65 dự án nhà ở thương mại, trong đó đã xác định quỹ đất 20% (trên 197 ha) để thực hiện NƠXH với hơn 146.000 căn. Như vậy, nếu kế hoạch đạt được như mong đợi thì đến năm 2025, dự kiến TP sẽ có trên 170.000 căn NƠXH được đưa vào sử dụng.

Theo chương trình phát triển nhà ở của TP đã được phê duyệt thì nguồn vốn để phát triển NƠXH hầu hết là vốn xã hội hóa, vốn tự có của doanh nghiệp hoặc vốn vay của các tổ chức tín dụng, ước khoảng 95%. Chỉ 5% còn lại sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư NƠXH thuộc sở hữu nhà nước, nhằm giải quyết cho những đối tượng đặc biệt khó khăn.

Cần trên thoáng, dưới thông

Bình luận về kế hoạch trên, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bất động sản cho rằng dù TP HCM đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho DN tham gia vào các dự án NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng với không ít nút thắt nảy sinh trong quá trình thực thi đến nay chưa được gỡ thì kế hoạch trên khó thành.

Câu chuyện đầu tiên được báo chí và DN nêu ra để làm điển hình cho thủ tục nhiêu khê của dự án NƠXH là dự án NƠXH Nam Lý (TP Thủ Đức) do Công ty Địa ốc Thảo Điền làm chủ đầu tư có diện tích 4.557 m2, dự kiến xây dựng chung cư 26 tầng và 1 tầng hầm, tổng cộng 291 căn hộ. Từ năm 2009, công ty đã có văn bản đề nghị được tự đầu tư hoặc là dự án thứ cấp. Đến năm 2017, TP HCM mới có quyết định chấp thuận đầu tư và chủ đầu tư, thời gian hoàn thành dự kiến vào quý III/2018. Tuy nhiên sau đó, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) có thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình chung cư cao tầng của dự án. Đến đầu năm 2019, Sở Xây dựng TP có văn bản về việc giao đất thực hiện dự án cho DN. Như vậy, DN đã mất đến 10 năm cho thủ tục của một dự án.

Để an cư không còn là giấc mơ (*): Những nút thắt bị... thả trôi! - Ảnh 2.

Hai dự án nhà ở xã hội ở quận 8, TP HCM nằm chờ nhiều năm, trong đó một dự án ngừng thi công vì thủ tục chưa hoàn thiện (ảnh 1), dự án còn lại do UBND quận 8 quản lý chậm triển khai hơn 5 năm. Ảnh: LÊ PHONG

Là một trong số ít người tiên phong đầu tư và phát triển các dự án nhà phục vụ công nhân, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, chia sẻ câu chuyện khi DN của ông ra mắt chung cư cho thuê tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân đã thu hút lượng lớn người mua và thuê dài hạn. Điều này minh chứng phân khúc này cực kỳ hút khách. Tuy nhiên, sau khi làm khoảng 7.000 căn hộ cho người thu nhập thấp thì DN này bắt đầu nản, dù DN rất muốn làm thêm thật nhiều căn hộ loại này để cùng với TP giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân.

Lý do được ông Nghĩa đưa ra là nằm ở khâu thủ tục. Ông so sánh một dự án nhà ở thương mại mất từ 4-5 năm để hoàn thiện hồ sơ, pháp lý, còn riêng dự án NƠXH thì quy trình này gian nan và khó khăn gấp nhiều lần, thời gian theo đó kéo dài hơn. "Chưa kể, như DN tôi triển khai một số dự án không sử dụng đất công, không sử dụng vốn ngân sách nhưng vẫn bắt buộc kiểm toán. Nói chung khá nhiều bất hợp lý trong thủ tục, trong đó có những bất hợp lý chúng tôi kiến nghị nhiều lần và được đích thân lãnh đạo TP chỉ đạo các sở - ngành liên quan xem xét giải quyết nhưng phải mất vài năm mới xong" - ông Nghĩa kể. Ông dẫn chứng khi thực hiện dự án NƠXH Tân Kiên (huyện Bình Chánh), DN bị vướng hệ số sử dụng đất và mật độ dân số. Sau nhiều lần kiến nghị, DN mất nhiều năm mới có được văn bản chấp thuận điều chỉnh nhưng hồ sơ vẫn "nằm" ở huyện Bình Chánh. "Hay dự án NƠXH cho thuê 49 năm Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân) được triển khai xây dựng từ năm 2017 với quy mô 930 căn hộ, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng một số vướng mắc về tiền sử dụng đất, thuế vẫn chưa hoàn tất mặc dù DN kiến nghị nhiều lần" - ông Nghĩa nêu thực tế và hy vọng sau đợt dịch này, thủ tục sẽ được hoàn tất.

Theo ông Nghĩa, nói ra vậy để thấy để phát triển và đầu tư được dự án NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi chứ không phải rườm rà thủ tục như bây giờ. "Dự án NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp bị khống chế về lợi nhuận, nếu thủ tục của dự án kéo quá dài sẽ khiến DN cảm giác không sinh lời, lập tức đề nghị ngưng triển khai và thực hiện việc chuyển đổi làm dự án nhà ở thương mại. Bởi với dự án thương mại, DN tự quyết giá bán, có thể cân đối đầu vào đầu ra" - ông Nghĩa phân tích. Ông tiếp tục nhắc lại ngoài ưu đãi cơ chế, chính sách, để kế hoạch xây dựng NƠXH của TP về đích theo mục tiêu đề ra thì rất cần "trên thoáng, dưới thông" về thủ tục. 

Đơn giản thủ tục cho khu lưu trú

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng là chủ DN ai cũng hiểu rõ khi công nhân an cư thì sự biến động về nhân công của DN rất ít. Vì vậy, Công ty Đại Dũng đã mua đất và đầu tư xây dựng 2 khu lưu trú cho công nhân với gần 300 phòng để giúp công nhân an cư. "Vì không tốn chi phí thuê nhà lại có chỗ ở ổn định nên công nhân rất an tâm kể cả khi dịch bệnh diễn ra" - ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, không phải DN nào cũng có đủ điều kiện để xây khu lưu trú công nhân bởi chi phí rất tốn kém. Đó là chưa kể thủ tục xây dựng còn quá rườm rà, phức tạp, từ khi bắt đầu đến khi hoàn tất thủ tục mất 2 năm. "Đề nghị các cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục và tạo cơ chế linh hoạt để xây nhà lưu trú cho công nhân. DN đã tự bỏ tiền ra mua đất, xây nhà lưu trú cho công nhân ở miễn phí nếu thêm rắc rối sẽ dễ nản" - ông Hùng bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-10

Kỳ tới: Bước đi đột phá

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo