xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Di tích cấp Quốc gia kêu cứu khắp nơi (*): Xẻ khu di tích Bạch Dinh để cho thuê

Bài và ảnh: Ngọc Giang

Khu di tích cấp quốc gia Bạch Dinh bị xẻ ra cho thuê làm hàng loạt quán cà phê giải khát nhưng khi hết hợp đồng lại không thể thanh lý. Vụ việc phải đưa ra tòa, trong khi đó đất di tích vẫn đang bị chiếm dụng

Di tích Bạch Dinh là dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX với tổng diện tích hơn 6 ha, nằm bên sườn núi Lớn của TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Năm 1992, Bạch Dinh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và là một trong những điểm nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Cà phê, quán nhậu thi nhau chiếm dụng

Trước khi trở thành dinh thự của vua Bảo Đại, Bạch Dinh còn gắn liền với vị vua thứ 10 của triều Nguyễn là Thành Thái, sau đó được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, thời Pháp thuộc.

Không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, nơi đây cũng từng là pháo đài Phước Thắng của triều Nguyễn, được bố trí nhiều khẩu súng thần công nhằm bảo vệ cửa biển Cần Giờ, lưu trữ rất nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam và cả thế giới.

Có giá trị lịch sử là thế nhưng ngày nay đến với Vũng Tàu, du khách phải "đỏ mắt" mới tìm thấy cổng vào của khu di tích Bạch Dinh, bởi hàng loạt quán cà phê, nước giải khát, quán nhậu mọc lên san sát, thi nhau chiếm dụng khu di tích.

Di tích cấp Quốc gia kêu cứu khắp nơi (*): Xẻ khu di tích Bạch Dinh để cho thuê - Ảnh 1.

Hàng loạt quán cà phê mọc lên trong khu di tích Bạch Dinh

Ghi nhận của chúng tôi tại Bạch Dinh cho thấy các quán giải khát đều nằm ngay mặt tiền của khu di tích, kéo dài hàng chục mét, nối từ Bảo tàng tỉnh BR-VT đến hết khuôn viên của Bạch Dinh. Có quán cà phê còn xây dựng trên sườn núi, ăn sâu vào phía bên trong của khu di tích.

Những quán hàng này hoạt động ngày đêm, thay tên đổi chủ; một số quán liên tục chuyển đổi loại hình kinh doanh, lúc thì cà phê, khi là quán ăn, quán nhậu. Vỉa hè được tận dụng làm nơi trông giữ xe máy, ôtô nên lối đi lên khu di tích này ngày càng bị thu hẹp. Quan sát từ Bãi Trước, Bạch Dinh nằm lọt thỏm trong hàng trăm tấm tôn, bạt lụp xụp với đủ loại âm thanh phát ra từ các quán.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2011, khoảng 2.500 m2 đất mặt tiền đường Trần Phú nằm trong khuôn viên của khu di tích Bạch Dinh (khu vực II) được Bảo tàng tỉnh BR-VT ký hợp đồng kinh tế số 45 với ông Đỗ Hữu Côn để cho thuê kinh doanh cà phê, giải khát, với giá cho thuê thời điểm đó là 72 triệu đồng/tháng, thời gian thuê 5 năm. Sau khi ký hợp đồng, ông Côn lại ký hợp tác kinh doanh với 5 người khác để mở các quán cà phê giải khát khác nhau.

Hợp đồng cho thuê là 2.500 m2 nhưng thực tế, diện tích đất các hộ này sử dụng lên tới 4.200 m2, một diện tích đất rất lớn bị "xài chùa" hơn 10 năm qua, tới nay vẫn tiếp tục như thế.

Theo lý giải của Bảo tàng tỉnh BR-VT, việc cho thuê kinh doanh tại khu vực trên đều được sự chấp thuận của UBND tỉnh nhằm tạo nguồn thu cho hoạt động đoàn thể. Tất cả các vấn đề về giá cho thuê, đấu thầu đều thực hiện theo quy trình.

Cụ Phan Anh Minh (78 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) bức xúc: "Việc để các quán cà phê tồn tại từ nhiều năm qua trong khuôn viên của khu di tích cấp quốc gia là điều không thể chấp nhận được. Hàng quán lụp xụp, chỗ cà phê võng, nơi lại là quán ăn khiến cho Bạch Dinh không khác gì một khu chợ. Nếu không xử lý dứt điểm, trả lại hiện trạng sẽ thể hiện yếu kém trong quản lý của chính quyền địa phương".

Kiện ra tòa để đòi

Hợp đồng hai bên ký kết ghi rõ khi hết thời hạn thuê (cuối tháng 10-2016), bên thuê phải tháo dỡ vật dụng để trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, quá thời hạn trên, phía bảo tàng đã thành lập tổ thanh lý hợp đồng, yêu cầu các hộ kinh doanh bàn giao mặt bằng nhưng các hộ kinh doanh này lấy lý do số tiền đầu tư vào các quán giải khát quá lớn; người thuê sau lại nhận chuyển nhượng từ người trước, chưa kinh doanh được bao lâu nên có đơn xin xem xét tái ký hoặc gia hạn hợp đồng.

Di tích cấp Quốc gia kêu cứu khắp nơi (*): Xẻ khu di tích Bạch Dinh để cho thuê - Ảnh 2.

Một quán cà phê xây dựng sâu bên trong khu di tích

Bất chấp các văn bản đề nghị trao trả hiện trạng di tích của bảo tàng, các quán cà phê ở đây vẫn hoạt động bình thường. Sau nhiều lần "đòi đất" không thành, vào tháng 6-2019, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành 5 quyết định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các quán cà phê giải khát tại đây và 3 quyết định giải quyết khiếu nại của các chủ quán. Theo Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), thời điểm này, thanh tra sở đã phối hợp với bảo tàng và chính quyền TP Vũng Tàu kiểm tra, lập biên bản 5 quán cà phê giải khát có hành vi "Sử dụng trái phép đất di tích lịch sử văn hóa".

Tuy nhiên, đến năm 2020, UBND tỉnh BR-VT đã phải ký quyết định thu hồi hủy bỏ các quyết định này, theo quyết định của ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - quá trình lập biên bản vi phạm hành chính của Thanh tra Sở VH-TT chưa bảo đảm về trình tự, thủ tục, chưa xác định cụ thể về tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm hành chính.

Sở VH-TT cho biết cơ quan quản lý này từng có văn bản số 2163, ngày 24-11-2020, cho rằng hoạt động kiểm tra và xử lý các vi phạm hành chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình an ninh trật tự của 5 quán cà phê giải khát là trách nhiệm của TP Vũng Tàu. Còn theo UBND TP Vũng Tàu, sau khi nhận được văn bản, UBND phường 1 đã mời các bên lên lấy ý kiến và kiểm tra hoạt động của các quán trên. Tuy nhiên, tại cuộc họp thống nhất giữa các phòng, ban của thành phố, nhiều ý kiến cho rằng cần giải quyết dứt điểm hợp đồng giữa bảo tàng tỉnh với 5 hộ kinh doanh. Vụ việc đang được giải quyết dân sự và đã được tòa án thụ lý giải quyết, do đó sẽ chờ thực hiện theo bản án của tòa.

Việc đòi lại đất di tích Bạch Dinh bị chiếm dụng là trách nhiệm của bảo tàng tỉnh, của Sở VH-TT và của cả UBND tỉnh BR-VT nhưng điều khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài là trách nhiệm của cơ quan quản lý, các cá nhân để xảy ra sai phạm kéo dài từ năm này qua năm khác không được đề cập, làm rõ và xử lý đúng người, đúng việc. 

Chờ tòa giải quyết

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh BR-VT, cho biết được sự cho phép của UBND tỉnh, sở này đã gửi đơn khởi kiện ra tòa dân sự đối với hành vi vi phạm hợp đồng của các hộ kinh doanh. Tòa án đã thụ lý vụ việc và đưa vụ án ra xét xử nhiều lần, nhưng do thời gian qua, một số chủ hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên vụ án tới nay vẫn chưa kết thúc. "Sau khi tòa xử, sở mới có các động thái tiếp theo trên cơ sở quy định của pháp luật" - ông Nguyễn Đình Trung khẳng định.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo