xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dịch vụ công xa tầm tay tư nhân

Minh Chiến

Đóng góp của khu vực tư nhân trong dịch vụ công còn rất hạn chế, trong khi nhiều dịch vụ còn nặng tính "xin - cho" gây phiền hà, rủi ro cho doanh nghiệp

"Y tế, giáo dục là lĩnh vực quan trọng mà giao cho tư nhân họ vẫn làm tốt, tại sao dịch vụ công trong những lĩnh vực khác không để cho tư nhân làm?". Đó là vấn đề mà ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đặt ra tại hội thảo về vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công do VCCI tổ chức ngày 15-5 ở Hà Nội.

Nhà nước còn ôm đồm

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nhà nước nói chung và doanh nghiệp (DN) nhà nước nói riêng đã thu hẹp "sân chơi" của mình khi "chia phần" cho tư nhân. Các lĩnh vực vốn được coi như là "sân riêng" của nhà nước như hàng không, cảng biển, nay đã có sự tham gia của tư nhân. Nhờ đó, tính minh bạch được tăng cường, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Dù vậy, chủ tịch VCCI nhận xét trong dịch vụ công, đóng góp của khu vực tư nhân vẫn chưa được như kỳ vọng. Nhiều dịch vụ công chỉ mang tính chất đăng ký, thông báo nhưng khi nhà nước quản lý thì hành vi này lại trở thành việc "xin - cho", gây phiền hà cho người dân và DN. Việc nhà nước vừa làm chính sách vừa tổ chức thực thi vừa cấp giấy phép vừa thẩm định năng lực cần xem xét lại một cách nghiêm túc để có những thay đổi phù hợp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng trong các lĩnh vực nếu có sự tham gia của tư nhân thì đều đạt được những kết quả tích cực, tạo sự cạnh tranh có lợi. Trong bối cảnh đầu tư công, chi tiêu công đang rất hạn chế thì nguồn lực tư nhân là rất quan trọng.

"Khách sạn do nhà nước quản lý thì… "mùi" nó khác với khách sạn tư nhân. Có thể do cách quản lý của tư nhân và nhà nước khác nhau nên dẫn đến ngay cả chất lượng dịch vụ khách sạn cũng khác nhau" - ông Tuấn ví von. Theo vị chuyên gia về pháp chế này, một số dịch vụ công phổ biến hiện nay như dịch vụ chứng nhận, dịch vụ công ích, dịch vụ xã hội và đầu tư hạ tầng rất cần có sự tham gia của tư nhân.

Theo bà Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), các hoạt động công chứng, thừa phát lại, giám định... của ngành tư pháp đã được xã hội hóa, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng và mở rộng cơ hội tiếp cận của người dân. Dịch vụ công trong ngành tư pháp còn xã hội hóa được thì không có lý do gì các ngành khác lại không làm!

Dịch vụ công xa tầm tay tư nhân - Ảnh 1.

Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là công trình do tư nhân đầu tư, xây dựng. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Tư nhân kêu khó

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho biết kinh nghiệm ông đã trải qua khi đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân ở Thanh Hóa cho thấy việc tư nhân tham gia dịch vụ công còn gặp nhiều khó khăn trong chính sách, nhận thức. Theo ông Đệ, đang có sự cạnh tranh giữa nhà nước và tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ công nhưng là cuộc cạnh tranh không cân sức.

"Tư nhân phải lấy vốn của mình, trí tuệ của mình, tâm huyết của mình để đầu tư thì bên còn lại lấy ngân sách nhà nước ra. Để cạnh tranh được, tư nhân phải chịu nhiều thứ tiêu cực, luồn lách… Đây là yếu tố nguy nan cho cộng đồng DN" - ông Đệ chỉ rõ thực trạng.

Là đơn vị đầu tiên tham gia dịch vụ công trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert, cho rằng tính bất ổn định của pháp luật đang trở thành lực cản đầu tư đối với tư nhân trong lĩnh vực này. Ông Dũng dẫn chứng trước đây, các cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đánh giá chứng nhận hợp quy điều kiện sản xuất theo quy chuẩn và Vinacert đủ điều kiện cấp chứng nhận này. Tuy nhiên, sau khi Luật Thủy sản năm 2017 ra đời thì việc cấp chứng nhận này thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước.

"Để triển khai các dịch vụ chứng nhận hợp quy trên, chúng tôi đã đầu tư để đào tạo chuyên gia, hệ thống thử nghiệm… nhưng chỉ sau một đêm, tất cả trở thành vô nghĩa. Làm như vậy thì không có nhà đầu tư nào dám mạnh dạn đầu tư nữa!" - ông Dũng thẳng thắn.

Cũng theo ông Dũng, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa tư nhân với các tổ chức của nhà nước. Tuy gọi là "xã hội hóa" nhưng vẫn giữ một vài điểm mang thuộc tính "nhà nước".

Chia sẻ với khó khăn của DN, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị nhà nước chỉ nên đóng vai trò tạo "sân chơi", tạo cơ chế, chính sách quản lý, kiểm tra, giám sát; còn cung cấp dịch vụ công thì để tư nhân tham gia. Nhà nước vẫn phải kiểm soát để luật chơi được công bằng và bảo đảm chất lượng dịch vụ. Có công cụ trong tay, nhà nước có thể quản lý tốt hơn nhưng qua đó tranh thủ được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy môi trường cạnh tranh bình đẳng

Ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia nghiên cứu hợp tác công - tư Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID), cho rằng Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm các nước trong việc khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công. Chẳng hạn, ở Úc, chính phủ thuê các công ty tư nhân kiểm tra an toàn sinh học, kiểm định và cấp giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng. Tại New Zealand, cơ quan quản lý giao thông cho công ty tư nhân thực hiện dịch vụ thi bằng lái xe, kiểm định phương tiện...

Theo ông Michael Greene, Giám đốc USAID, tới năm 2022, Việt Nam cần 26 tỉ USD cho các dự án hạ tầng nên phải có những cách thức đầu tư và triển khai hợp lý. Để các dự án công tư được vận hành hữu hiệu, Việt Nam cần thúc đẩy môi trường cạnh tranh bình đẳng. Ông Michael Greene kỳ vọng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang được xây dựng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý, phát huy tính sáng tạo và thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo