xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm tựa cho ngư dân trên biển

TUẤN CƯỜNG - DƯƠNG NGỌC

Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuần tiễu, trực chiến tại các nhà giàn DK1, Hải đoàn 129 Hải quân còn đảm nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với quốc phòng an ninh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển

Hải đoàn 129 thuộc Quân cảng Sài Gòn - Quân chủng Hải quân Việt Nam, thành lập vào năm 1978. Sau 41 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Hải đoàn 129 (nay do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và tham gia xây dựng kinh tế, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ.

Ấm lòng ngư dân

Thượng tá Phạm Văn Quí, Chủ nhiệm chính trị Hải đoàn 129, cho biết hiện nay ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuần tiễu, trực chiến tại các nhà giàn DK1, tập thể cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 còn đảm nhiệm nhiệm vụ đặc biệt đó là quản lý, khai thác và làm trung tâm hậu cần nghề cá cho bà con ngư dân ở đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le và Tốc Tan. Bốn trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật của Hải đoàn 129 ở 4 đảo trên ra đời vào năm 2016, để thực hiện nhiệm vụ trên.

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các trung tâm đã cung ứng vật tư kỹ thuật, sửa chữa, cấp nước ngọt miễn phí cho gần 100 lượt tàu cá của ngư dân đánh bắt ở khu vực biển, đảo Trường Sa, DK1. Các trung tâm đều có phao, tiêu dẫn luồng cho tàu thuyền; trên đảo có kho nhiên liệu, nhà cư trú tránh bão cho ngư dân. Ở đảo Sinh Tồn có kho chứa dầu trên 100 m3, 300 m3 nước ngọt, sẵn sàng cung ứng đầy đủ khi bà con ngư dân có nhu cầu. "Tất cả ghe tàu của bà con ngư dân bị hỏng hóc đều được chúng tôi đón tiếp, sửa chữa. Nguyên vật liệu có giá thành cao thì chỉ lấy giá bằng ở đất liền như xăng dầu, chài lưới. Còn vật liệu giá thành thấp như ốc vít, bù-loong, chúng tôi không lấy tiền, sửa chữa miễn phí cho bà con" - thượng tá Quí thông tin.

Trong các trung tâm này, Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn là hiện đại nhất. Diện tích mặt nước của trung tâm trên 3,6 ha, sâu gần 5 m, có đèn chiếu sáng, bờ kè dài vững chắc. Âu tàu của trung tâm ở đảo này có thể tiếp nhận cùng lúc 100 tàu của ngư dân vào trú tránh bão và sửa chữa.

"Ngoài việc giúp đỡ bà con ngư dân sửa chữa, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, cán bộ chiến sĩ còn làm tốt công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; cứu hộ, cứu nạn; động viên bà con yên tâm bám biển, giữ vững môi trường hòa bình trên biển. Các tàu cá cũng liên hệ chặt chẽ với cán bộ chiến sĩ ở các trung tâm dịch vụ để được giúp đỡ, sửa chữa kịp thời. Các trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật và 2 làng chài thực sự là những ngôi nhà chung cho ngư dân trên biển" - thượng tá Quí chia sẻ.

Có thể khẳng định các trung tâm đã thực sự trở thành chỗ dựa cho hàng ngàn lượt tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Thuận, Phú Yên. Không thể kể chi tiết ra đây những lần cán bộ chiến sĩ ở các âu tàu cứu giúp tàu cá ngư dân vào trú tránh bão, cung cấp nước ngọt, muối ăn, ngư cụ, sửa chữa máy tàu hỏng hóc giữa biển khơi trong đêm tối. Chính những việc làm đáng quý đó của các chiến sĩ đã giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Mới đây, tàu cá Bình Định (BĐ-2698 TS) của ông Lê Công Chương đang khai thác đánh bắt cá ở vùng biển đảo Sinh Tồn thì bị vỡ lốc máy chính, trôi dạt trên biển. Ông Chương đã phát tín hiệu cấp cứu và may mắn được 2 tàu cá lai dắt vào âu tàu đảo Sinh Tồn. "Khi được 2 tàu bạn kéo vào rồi được các cán bộ chiến sĩ ở đây sửa chữa miễn phí, tôi mừng rơi nước mắt. Bây giờ đi đánh bắt hải sản, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Nếu gặp nạn, tàu hỏng máy sẽ được cứu nạn, đưa vào đây sửa chữa" - ông Chương bày tỏ.

Điểm tựa cho ngư dân trên biển - Ảnh 1.

Âu tàu của Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn có khả năng tiếp nhận 100 tàu thuyền vào trú tránh bão. (Ảnh do Hải đoàn 129 cung cấp)

Ở Đá Tây như ở đất liền

Cách bờ gần 400 km, giữa biển khơi bao la, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (do Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông quản lý) thuộc diện lớn nhất quần đảo Trường Sa. Cùng với các trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật của Hải đoàn 129, trung tâm này được ngư dân xem như người bạn thiết thân trên biển.

Ông Vũ Trí Thuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, cho biết trung tâm được nhận bàn giao vào năm 2005, hoạt động từ năm 2008. Đây là nơi cung cấp nhiều dịch vụ cho các tàu đang đánh bắt xa bờ nhằm hỗ trợ tối đa ngư dân bám biển, vừa khai thác nguồn thủy sản dồi dào tại vùng biển phía Nam vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trung tâm có âu tàu diện tích 13 ha, 37 chiếc phao cột, sức chứa hơn 200 chiếc tàu neo đậu tránh bão cùng lúc. Ngoài ra, có 2 nhà tránh trú bão với sức chứa 2.000 người. Khi có bão, tàu thuyền neo trong âu tàu, còn người lên đảo tránh trú mới an toàn. "Trung tâm cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá tại đất liền; cấp nước ngọt miễn phí; sản xuất và cung ứng nước đá loại 50 kg/cây bằng giá tại cảng cá Cát Lở, Vũng Tàu; triền đà hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền miễn phí tiền công; miễn phí các dịch vụ cầu cảng, neo đậu; bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão; hỗ trợ, chăm sóc, cấp phát thuốc miễn phí; thu mua và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác và nuôi trồng về đất liền cho ngư dân theo giá thỏa thuận" - ông Thuấn cho biết.

Cũng theo ông Thuấn, hiện nay, âu tàu của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho phép tàu có công suất 200 CV, 400 CV và 1.000 tấn ra vào tiếp nhận, bốc xếp hàng hóa và hải sản. Năm 2018, có 427 lượt tàu vào làm dịch vụ cung ứng với trên 22 tấn lương thực thực phẩm, hơn 250.000 lít nhiên liệu, cấp miễn phí trên 55.000 cây đá và hơn 150 m3 nước ngọt cho ngư dân. Năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng của trung tâm cấp cứu 5 trường hợp; tư vấn, khám, điều trị cho 376 ngư dân đánh bắt hải sản tại khu vực; sửa chữa 28 tàu thuyền.

Bên cạnh việc sửa chữa, cung cấp nguyên liệu cùng nhu yếu phẩm cho ngư dân, một hệ thống thu mua, sơ chế hải sản tại Đảo Đá Tây cũng đang được khẩn trương xây dựng. Ông Vũ Trí Thuấn khẳng định khi đưa vào hoạt động, hệ thống thu mua, sơ chế hải sản của trung tâm sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Với ngư dân, giờ đây ở Đá Tây hay các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc như đang ở trên đất liền vậy. "Chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ một cách tốt nhất để bà con ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, có chỗ dừng chân lúc gặp nguy nan; để bà con yên tâm hơn ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc" - ông Vũ Trí Thuấn nhấn mạnh. 

Quy hoạch 6 khu neo đậu hiện đại ở Trường Sa

Hiện tại trên quần đảo Trường Sa, những âu tàu như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây thực sự là điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Theo lộ trình xây dựng, những âu tàu ở các đảo trên sẽ được hiện đại hóa, đủ sức chứa hàng ngàn tàu lớn nhỏ đến trú tránh bão tố. Các âu tàu cũng có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật. Đến năm 2020, quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa sẽ có 6 khu neo đậu hiện đại kết hợp cảng cá tại các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Đá Tây, Nam Yết, Phan Vinh.

chốt 2

Ông Trần Thanh Việt (thứ hai từ phải sang), Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang, trao cờ Tổ quốc cho ngư dân Phú Quốc


Cờ Tổ quốc đến với ngư dân Phú Quốc

Ngày 16-8, tại hội nghị sơ kết hoạt động Công đoàn huyện Phú Quốc, LĐLĐ tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi lễ trao cờ Tổ quốc cho đại diện 20 ngư dân trong tổng số 3.000 lá cờ được LĐLĐ tỉnh trao cho ngư dân ở huyện đảo này.

Cầm lá cờ Tổ quốc trên tay, ngư dân Dương Thành Được (ngụ khu phố 9, thị trấn Dương Đông) xúc động: "Đây là món quà vô giá, giúp ngư dân chúng tôi tự tin vươn khơi, bám biển trong thời gian tới".

Trung tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Ban Chỉ huy Biên phòng cảng Dương Đông, cho biết chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động là sáng kiến thiết thực, giúp ngư dân an tâm ra khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. "Chúng tôi mong rằng Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục phát kiến thêm nhiều chương trình thiết thực để cùng sát cánh với ngư dân trong thời gian tới", trung tá Mười nói.

Trước đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang tổ chức ở TP Rạch Giá vào ngày 29-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Ban Biên tập Báo Người Lao Động trao cờ Tổ quốc và túi đựng thiết bị cứu thương trên biển cho 12 ngư dân đại diện của tỉnh Kiên Giang. Dịp này, Ban Tổ chức chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" quyết định trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Kiên Giang.

Tin-ảnh: H.Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo