xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm tựa của gia đình

Huỳnh Văn Sơn. ảnh Hải Bá

Sự hòa hiếu không chỉ làm cho mỗi con người thêm năng lượng mà còn cho người thân nguồn năng lượng vô tận

Từng người sẽ chọn cho mình một sự khởi đầu mới trong một năm mới. Đơn giản bởi sự mở đầu sẽ đem đến những cảm xúc tích cực, tư duy lạc quan và cả sự hanh thông mang màu sắc về tâm lý... Sự khởi đầu trong một năm vì vậy có ý nghĩa hết sức đặc biệt... Nhưng cần gì phải khởi đầu ngoài đường phố, sao không khởi đầu bằng sự hiếu hòa?

lời chúc ấm nồng. Những tục khác nhau của Tết cổ truyền vẫn còn in sâu trong tâm trí. Ngày mùng 1 mặc áo thật đẹp, cứ thoải mái giao thừa nhưng đừng "nướng" trễ quá... Rồi đừng quét rác ra cửa nhà, đừng hái cây, hái lá, không được xài tiền hay mua sắm... Và điều quan trọng là phải hòa thuận trong nhà, đừng cãi vã nhau... Những lời dặn còn có thể kéo dài thành chương hồi qua từng thời khác nhau cũng như có thể bị ảnh hưởng ít nhiều trong tính văn hóa của vùng miền. Nhưng chắc chắn lời dặn thuận hòa trở thành điểm đến thú vị vì những giá trị sâu xa của nó.

Chiếc ghế bố hôm nay được dựng cao hơn đôi chút, bà nội đang ngồi để kiểm đếm các phong bì lì xì... Tấn Dũng bao giờ cũng là người thích nhận lì xì đầu tiên, rồi Thái Bảo sẽ lắp bắp cảm ơn bà không tròn câu vì kiểu hay nói đớt... Riêng thời gian dành cho Bảo Long và Minh Long sẽ dài hơn đôi chút bởi lời chúc của bà: "Chúc hai anh em thuận hòa và biết nhường nhịn, thương yêu nhau"... Năm nào cũng vậy, lời chúc của trẻ em có thể được chị "Lê Thị Google" tư vấn; hay đó có thể là lời mớm cho lời chúc lãng mạn, màu sắc... nhưng lời chúc của bà hay thậm chí của mẹ cha nhiều lần vẫn không thể thiếu... Có lẽ đó là mong mỏi chân thành, là khát vọng sâu sắc và là mơ ước của nhiều thế hệ... Lời chúc thời có điện hay thời công nghệ có thể khác đi. Nhưng chắc chắn mong ước sự thuận hòa trong gia đình vẫn còn trong mắt, trên môi; vẫn còn len lỏi sâu thẳm trong trái tim yêu thương của bà, của ông, của cha, của mẹ...

Thuận hòa có lẽ xuất phát từ nhiều duyên cớ mà nó trở thành lựa chọn như một giá trị yêu thương. Nhưng những lý giải cho thấy chính sự va đập của anh em, của các thành viên trong gia đình đông con hay của các cá nhân trong đại gia đình trở thành điểm xuất phát. Hòa thuận luôn là tiêu chí để người xưa đánh giá về hạnh phúc của một gia đình. Ngày xuân, chỉ có không hòa thuận mới đủ sức đẩy người ta Tết này không về gặp mặt. Ngày Tết, chỉ có giận hờn và mâu thuẫn mới đẩy ba mẹ chẳng chịu chung đôi về thăm nội ngoại và con cháu gia đình chẳng thể gặp mặt hàn huyên. Gặp nhau, hòa thuận thể hiện rõ trong nụ cười, ánh mắt nồng nàn... Vui vẻ thay những lời chúc nhiều may mắn cho nhau đầy cảm xúc. Ấm nồng thay khi từng nhóm con cháu hòa thuận thắp hương trên bàn thờ tổ tiên lần lượt nghiêm trang mà vẫn trật tự... Dường như giá trị nhân bản của mùa xuân làm người ta cảm thấy điểm tựa sâu sắc từ gia đình, từ những giá trị thiêng liêng đến vậy...

(Báo Xuân - Mùng 3) Điểm tựa của gia đình - Ảnh 1.

Mâm cơm với những món đặc sản ngày Tết trở thành kênh giao tiếp không lời hay trở thành "món nhấm" cho sự thuận hòa... Từ câu chuyện đôi đũa không lệch đến sự se duyên của thịt kho hột vịt với dưa giá cũng trở thành chiếc nôi và câu hát của sự thuận hòa... Rồi tiếng cười trên đôi hàm móm mém của bà, trên bộ râu mỏng bạc như cước của ông trở thành khúc dạo đầu cho khát khao muôn thuở: Ước chi các con cứ gắn bó mãi với nhau để ta có chết cũng an lành. Chút xúc động, chút mênh mang, chút mơ màng, chút hồ hởi cứ làm không khí ngày xuân thêm rộn rã. Chẳng cần có ánh nắng ấm mùa xuân phương nam, hay chút gió lạnh là lạ của miền Trung ngày Tết hoặc là mưa phùn nhiều hạt mỏng của phương Bắc xa xa, tất cả chỉ còn tiếng lắng đọng từ trái tim bởi những rung cảm sâu sắc, bởi sự điều chỉnh cần thiết của con tim và khối óc đang cùng điểm đến...

Hòa thuận. Chữ hiếu không chỉ thể hiện với bậc sinh thành và dưỡng dục mà còn thể hiện qua cách đối xử với những người thân. Vì hơn tất cả sự ràng buộc, các thành viên cũng gọi chung một gia đình khi có sự gắn kết lẫn nhau trên nhiều bình diện không nhất thiết là huyết thống. Trong suốt một năm, khi Xuân đến Tết về là khoảng thời gian mà mỗi người có thể lắng lòng lại để thuận hòa. Nếu thuận để gần thêm một chút, nếu hòa để có thể yêu thương hơn thì sao còn cân nhắc, hoài nghi?

Hòa thuận sẽ làm người ta nhìn nhau trìu mến, sẽ ngọt ngào hơn trong tông giọng sẻ chia, sẽ đồng cảm hơn qua từng hành vi dù là đơn giản... Mâm cơm ấm dường như ngọt hơn, nồng hơn bởi bàn tay run của ông bà thêm chắc, bởi sự "ba hoa" của mấy đứa nhỏ con bác, con dì, bởi sự dài hơn của nhịp đập khi mỗi người hiểu hơn về sự xâu xa của từ hòa, từ thuận. Nếu có hiểu lầm nhau, Tết đến thì hỉ xả cho qua, nếu có hục hặc hay mâu thuẫn với nhau thì cũng xem như đã xa không nhớ... Nếu có chút xung đột thì biến cho nó nhỏ hơn. Nếu có chút xíu của sự khó chịu thì xem như không có... Sự hòa thuận không phải ngẫu nhiên trở thành giá trị có sức mạnh tuyệt vời...

Cuộc sống ngày càng quá hiện đại, con người cũng trở nên phóng khoáng hơn mà ít quan tâm đến lễ nghĩa - chung quy với người trẻ miễn sao "nhanh - gọn - vui"... Vì vậy, không ít chàng rể, cô dâu hay thậm chí con cái ruột quên biếu quà ngày Xuân, quên chăm sóc người thân bằng sự yêu thương cụ thể... Thật sự với người lớn, họ chẳng cần quà cáp mà cần sự quan tâm nhưng có cách quan tâm nào phù hợp nhất vào những ngày gần Tết bằng việc thuận hòa với niềm yêu thương rộng mở. Chẳng có sự bận rộn nào có thể so sánh với niềm kính trọng và yêu thương thực sự gia đình. Chẳng có sự khó chịu nào có thể đủ cao và to che mất tiếng gọi lương tri từ sự hiếu lễ - thuận hòa trong gia đình ngày Xuân...

Cuộc sống ngày càng thay đổi. Nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể thay đổi được cảm xúc, nghĩ suy: Mùa xuân đến - mùa của sum họp và những niềm vui. Sau một năm làm việc vất vả, khoảng thời gian cùng nhau quây quần và tận hưởng một cái Tết ấm áp là điều mong chờ của tất cả các thành viên trong gia đình nếu biết thuận hòa. Mỗi khi Xuân về, mỗi người Việt lại cảm nhận vai trò của gia đình ngày Tết. Truyền thống của người Việt mang đậm tính nhân văn toàn cầu, đó là: trao cho nhau tình thương vô bờ để hướng đến những giá trị đích thực. Không có vật chất thì có sự quan tâm, có tấm lòng chân thực, có công sức của bàn tay với mồ hôi và sự đon đả chào hỏi, thương yêu… Lễ nghĩa không quá cao hay sâu nếu mỗi người biết trao và nhận một cách chân tình… Chỉ cần mỗi cá nhân biết nghĩ suy, thương yêu và hành động như một thành viên đích thực trong gia đình thì sự ấm áp của tình thương nhân lên nhiều lắm…

Ngày xuân, không khí gia đình sẽ thực sự không trọn vẹn nếu thiếu vắng những bữa cơm sum họp. Bỏ lỡ những bữa cơm vào ngày Tết là điều đáng tiếc. Đó cũng đồng nghĩa với việc bỏ rơi cảm xúc, bỏ rơi yêu thương và bỏ rơi những đong đầy của niềm vui, sự tin yêu và sự đồng hành mà gia đình đem đến cho mỗi cá nhân. Những bữa cơm ngày Tết là điều mà bao người xa quê thèm mong, ngóng chờ và nước mắt sẽ rơi trên môi mặn đắng khi ngậm miếng cơm ngày Tết một mình... Quả thật, quá trình tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đã làm cho Tết thay đổi. Nhưng thuận hòa không chỉ là giá trị của một gia đình, dòng tộc mà trở thành nét đẹp ẩn tàng trong những hành vi đón Tết. Nếu vui, sao không thể hiện yêu thương qua hòa thuận. Nếu buồn, hãy trút bỏ hết những điều còn khiến ta không toàn tâm toàn ý với những người thân vào những ngày Tết cũng như trút bỏ bớt những nghĩ suy khiến lòng người bận rộn để hòa mình vào những niềm vui bên gia đình êm ấm. Và sự thành đạt hay niềm vui mà vật chất đem lại cũng không thể thay thế được nụ cười của cha, của mẹ, của anh chị em, của con cái trong những ngày Xuân thuận hòa. Sự hòa hiếu không chỉ làm cho mỗi con người thêm năng lượng mà còn cho người thân nguồn năng lượng vô tận. Đó là nguồn năng lượng của yêu thương, trân quý...

Sao không bớt đi chút nếp nhăn của giận hờn đã qua để cuộc đời tươi hơn nữa...

Tết về, người ta dễ hoài niệm đến mức xót xa. Sợ cái bậu cửa vắng mẹ ngồi chờ con chiều 30 Tết… Sợ cả chiếc bàn ăn vắng cha với món khổ qua hầm ăn ba ngày Tết chính tay người nêm nếm… Sợ cả hai chậu ớt cứ còn đó mà người xưa còn đâu. Sợ cả tiếng nói thâm trầm của ba và những bài ca dài hơn vọng cổ sáu câu nhưng vẫn sâu sắc đến tận bây giờ…

Hòa hiếu nhiều khi bắt đầu muộn nhưng không bao giờ được trễ... Xin đừng chợt giật mình nhìn lại, Tết này sao các món ăn bỗng cô đơn vì sự hòa hiếu bỗng trở nên xa xỉ khi trái tim vô tình nhỏ lại bất ngờ...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo