xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dồn lực cứu bệnh nhân Covid-19 nặng

NGỌC DUNG - QUANG NHẬT - TRẦN THƯỜNG - BÍCH VÂN

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 tử vong, 18 bệnh nhân đang diễn tiến bệnh rất nặng, trong đó hơn 10 ca nguy kịch

Ngày 1-8, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân Covid-19 thứ 3 tử vong. Đó là bệnh nhân 499 (68 tuổi, quê TP Đà Nẵng), có tiền sử điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư máu, thường xuyên vào Bệnh viện (BV) Đà Nẵng để điều trị.

Các ca tử vong đều bất khả kháng

Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Cấp cứu Việt Nam, thành viên Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 - bệnh nhân 499 tử vong do ung thư máu ác tính không đáp ứng hóa chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và mắc Covid-19.

"Bình thường hệ thống bạch cầu như hệ thống bảo vệ, nay sinh ra các bạch cầu bất thường không có chức năng bảo vệ, viêm phổi nặng thêm Covid-19, nhanh chóng đi vào tình trạng sốc không hồi phục. Với bệnh nhân này, Covid-19 chỉ là "giọt nước tràn ly", bệnh chính là ung thư máu giai đoạn cuối kèm viêm phổi" - GS Nguyễn Gia Bình giải thích.

Dồn lực cứu bệnh nhân Covid-19 nặng - Ảnh 1.

Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận một ca bệnh nặng từ Đà Nẵng chuyển ra Ảnh: QUANG NHẬT

Trước đó, ca bệnh Covid-19 đầu tiên tử vong là bệnh nhân 428 (70 tuổi, quê Quảng Nam), có tiền sử suy thận mạn, 10 năm nay đã chạy thận 2 lần/tuần, tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Trường hợp mắc Covid-19 thứ 2 tử vong là bệnh nhân 437 (61 tuổi, TP Đà Nẵng), cũng có tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại BV Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc Covid-19.

"Cả 3 trường hợp Covid-19 tử vong đến nay đều là "bất khả kháng". Các bệnh nhân phải nhờ vào máy móc để duy trì sự sống, nay nhiễm thêm virus SARS-CoV-2 nên tình trạng nặng nề hơn. Dù đã được hội chẩn nhiều lần với các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm, được các y - bác sĩ hồi sức tích cực, cấp cứu liên tục nhưng đã không qua khỏi" - GS-TS Nguyễn Gia Bình nhận định.

Còn nhiều ca bệnh nặng

BV Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 từ Đà Nẵng và Quảng Nam chuyển ra, hầu hết là các bệnh nhân rất nặng, phải lọc máu, chạy máy thở.

Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 tỉnh Quảng Nam - cho biết đã chuyển 3 ca bệnh ở tỉnh này ra BV Trung ương Huế để tiếp tục điều trị. Trong đó có ông B.V.N (68 tuổi; ngụ thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) bị đái tháo đường type 2, suy thận mạn, ung thư thận, viêm phổi, suy kiệt, di căn phổi và bệnh nhân L.T.Đ (86 tuổi; ngụ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) bị suy thận, suy tim, trụy tim… Ngoài ra, một bệnh nhân khác hiện điều trị tại BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam cũng rất nặng. Trong 87 ca mắc Covid-19, Đà Nẵng đã chuyển 15 bệnh nhân ra điều trị tại BV Trung ương Huế. Các bệnh nhân được chuyển ra Huế điều trị đa phần là các ca có bệnh nền.

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế, cho hay BV đã khẩn trương xây dựng đơn vị lọc máu tại khu cách ly phục vụ bệnh nhân Covid-19. Đồng thời điều động nhiều chuyên gia giỏi từ cơ sở 1 tăng cường ra trực tiếp hỗ trợ cơ sở 2. Hiện sức khỏe của một số bệnh nhân như 436, 438 tiến triển tốt hơn; 4 bệnh nhân suy thận được chuyển ra điều trị đã có sức khỏe tốt. Nỗ lực của BV hiện nay là không để lây nhiễm chéo trong BV và lây sang cán bộ y tế.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - nhìn nhận công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước. Rất nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, tăng nặng, đặc biệt là diễn biến nguy kịch rất nhanh. Phần lớn bệnh nhân nặng đều cao tuổi, có nhiều bệnh mạn tính kèm theo như: suy tim, đái tháo đường, suy thận, chạy thận chu kỳ, ung thư... Trong 18 bệnh nhân diễn biến nặng, hơn 10 ca rất nguy kịch, tiên lượng dè dặt.

Thay đổi phác đồ điều trị

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định khi mắc Covid-19, nhóm nguy cơ cao diễn biến tăng nặng tập trung vào người cao tuổi (trên 60), có bệnh lý nền (đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận mạn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính...) hoặc cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt... Với nhóm đối tượng này, khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác, dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi mắc bệnh.

Ngoài ra, có những trường hợp đã rơi vào tình trạng "bão cytokine", tức là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng thái quá chống lại chính cơ thể. Hiện tượng này đã gặp ở bệnh nhân 91 - phi công người Anh. "Một số trường hợp khi bị virus tấn công sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ thống này không chỉ tấn công virus mà còn tấn công các cơ quan nội tạng, gây suy các cơ quan, làm giảm các chức năng hoạt động, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý.

Phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 vừa được Bộ Y tế cập nhật đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Các chuyên gia y tế lưu ý về việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là trẻ em, bệnh nhân nặng và có sẵn bệnh mạn tính. GS-TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - cho hay Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tập trung điều trị bệnh nền cùng với điều trị tình trạng viêm phổi cho bệnh nhân Covid-19.

Bản thân những người mắc bệnh mạn tính cơ thể đã không được khỏe nên khi mắc thêm Covid-19 có thể thúc đẩy bệnh chuyển sang giai đoạn cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. "Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam cũng tương tự các nước có đông ca nhiễm và tử vong. Số bệnh nhân tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mạn tính" - GS Kính nói.

Theo GS Kính, cần chuyển những bệnh nhân nặng ở khu vực hồi sức tích cực sang khu điều trị riêng biệt bởi nếu nhóm bệnh nhân này nhiễm thêm SARS-CoV-2 thì nguy cơ tử vong rất cao. 

Quy trình xử lý thi hài người nhiễm Covid-19

Việc quản lý chất thải y tế và xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do nhiễm Covid-19 được thực hiện theo Công văn 495/BYT-MT được Bộ Y tế ban hành ngày 6-2-2020.

Theo đó, sau khi bọc kín thi hài, phải sử dụng thẻ hoặc miếng dán cảnh báo "Thi hài nhiễm Covid-19" ở bên ngoài. Khi chuyển thi hài đi, khử khuẩn lại toàn bộ buồng bệnh. Việc vận chuyển thi hài đến nhà tang lễ tại cơ sở y tế phải bằng xe hoặc băng ca theo đường cách ly đã định trước. Bánh xe phải được khử khuẩn, hạn chế vận chuyển thi hài qua nơi đông người.

Sau khi đưa thi hài đến nhà tang lễ, cần phải khử khuẩn xe hoặc băng ca vận chuyển thi hài. Vận chuyển quan tài tới nơi hỏa táng, mai táng bằng phương tiện riêng (xe cứu thương, xe tang lễ). Người nhà của người tử vong do Covid-19 không được lên phương tiện chuyển quan tài. Phương tiện bảo vệ cá nhân của người tham gia quá trình hỏa táng hoặc mai táng phải được xử lý như chất thải lây nhiễm...

D.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo