xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Đường Hồ Chí Minh trên biển" - Kỳ tích thời đại

DUY NHÂN - HỒNG ÁNH

"Đường Hồ Chí Minh trên biển" thể hiện bản lĩnh, ý chí, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm hiếm có của quân và dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975

Tại Cà Mau cách nay đúng 60 năm, chiếc tàu đầu tiên do Anh hùng Lực lượng vũ trang Bông Văn Dĩa chỉ huy, cùng đoàn thủy thủ gồm: Tư Phước, Ngô Văn Tần (Năm Kỷ), Nguyễn Dũng (Sáu Dũng), Bảy Cửa, Trần Văn Đáng (Ba Cụt), Võ Tấn Thành (Ba Thành), Tư Quang (Hai Chiếu) xuất phát từ rạch Cá Mòi, Mũi Cà Mau đã vật lộn 7 ngày đêm với sóng gió để mở đường quân sự vận tải trên biển từ Nam ra Bắc, khởi nguồn cho sự hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển, đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích thời đại - Ảnh 1.

Bến Vàm Lũng hôm nay

Tiên phong tìm bến, mở đường

Đội tàu của ông Bông Văn Dĩa được chiêu mộ từ những ngư dân đi biển lành nghề, đã cập bến sông Nhật Lệ (Quảng Bình) vào ngày 7-8-1961.

Sau một năm học tập và làm việc, đội tàu được bố trí quay về trước để tìm bến bãi tập kết vũ khí, hàng hóa chi viện từ miền Bắc vào miền Nam để thực hiện đấu tranh vũ trang.

"Khi đó, Cà Mau còn là một huyện của tỉnh Bạc Liêu, đội tàu của ông Bông Văn Dĩa sau chuyến đi ra, đi về mới kết luận được mở đường vận tải vũ khí. Ban đầu, định lấy Mũi Cà Mau nhưng khu vực này sóng giật mạnh, các chuyến tàu chở nặng rất khó vào. Chỉ có phương án tốt nhất là lập bến ở 1 trong 12 cửa sông trải dài từ Nam sông Gành Hào đến Kinh 5 Khai Long, chạy qua nhiều địa phận các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Cuối cùng, ông Bông Văn Dĩa chọn cửa Vàm Lũng. Đây là một cửa sông nhỏ và hẹp, luồng từ vàm ra tới ngoài khơi là bãi bùn, không có giồng cát. Chỉ có điều, tàu khoảng 30 tấn mới vào được. Nhưng các ông phát hiện khi thủy triều dâng cao thì tàu 60 tấn vẫn vào dễ dàng. Ngoài ra, cửa sông này rất hoang sơ, rừng đước nguyên sinh nhiều cây to đến 1-2 vòng tay người ôm, tán cây đan xen che kín, kẻ thù không thể phát hiện được. Nhưng có một vấn đề hệ trọng cần giải quyết lúc bấy giờ là tuyến sông này rất đông dân cư làm nghề đóng đáy trên sông. Để an toàn, buộc phải di dời hơn 700 hộ dân vào sâu trong rừng. Làm sao để thuyết phục được dân tạm rời bỏ nguồn sinh kế, đồng thời không để bất cứ ai biết bí mật về những chuyến tàu, là việc không dễ dàng" - đại tá Khưu Ngọc Bảy, cựu Trung đoàn trưởng Đoàn 962, bồi hồi kể.

Theo ông, có 2 lực lượng chủ yếu để tạo nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là lực lượng hải quân "Đoàn tàu không số" và lực lượng tại các bến của Đoàn 962. "Thời gian qua, tôi có xem nhiều thông tin nhắc nhiều đến những con tàu, những chuyến vượt sóng gió gian nan của đoàn tàu không số mà ít thấy nhấn mạnh về sự hy sinh gian khổ của lực lượng giữ bến. Trong suốt tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, sự hy sinh gian khổ của lực lượng trên tàu và trên bến là như nhau. Nếu không có bến thì đoàn tàu không thể viết nên lịch sử - đại tá Khưu Ngọc Bảy tự hào nói.

Bến Vàm Lũng đi vào lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển và gắn liền với tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang Bông Văn Dĩa khi trở thành bến cảng đầu tiên của chuyến tàu gỗ mang biệt danh Đông Phương 1, chở 30 tấn vũ khí cập bến vào ngày 19-10-1962. Cũng trong năm đó, đầu cầu này còn tiếp nhận thêm hơn 100 tấn vũ khí từ các tàu Phương Đông 2, Phương Đông 3 và Phương Đông 4... Từ đây, vũ khí được chuyển đi khắp các chiến trường Nam Bộ.

Anh hùng Bông Văn Dĩa giờ đã yên nghỉ trên bến Vàm Lũng ngày xưa nhưng chuyện mở đường tìm bến luôn sống mãi trong lòng đồng đội và những thế hệ lớn lên trên bến nước, vàm sông này.

Những chuyến mở đường, trinh sát buổi đầu, ông Bông Văn Dĩa đã đưa con tàu vượt qua cả ngàn hải lý ra Bắc vào Nam mà không hề có tấm hải đồ, thậm chí một chiếc la bàn để nhận ra phương hướng. Chỉ có một cây thước làm bằng bẹ dừa nước và một tấm bản đồ Việt Nam vẽ trên bìa tập học sinh. Không chỉ lèo lái con tàu vượt qua sóng to gió lớn, những thủy thủ còn phải thường xuyên đối mặt với bao hiểm nguy khi qua vùng kiểm soát của kẻ thù.

Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích thời đại - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Ngời (bí danh Ba Mạng), đồng đội của anh hùng Bông Văn Dĩa - hiện đang sống ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, bên bức ảnh kỷ niệm con tàu không số trên đường vào Bến Vàm Lũng Ảnh: DUY NHÂN

Bến cảng của lòng dân

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh, vị thuyền trưởng của con tàu mang bí số 41 của "Đoàn tàu không số" năm xưa cho rằng nói Đường Hồ Chí Minh trên biển phải có 2 yếu tố là tàu và bến. Tàu vô mà bến không làm gì thì cũng không thể xuống vũ khí. Ông đã đi qua rất nhiều bến từ miền Tây Nam Bộ đến Khu V và cảm nhận đầy đủ sự trân trọng của tình cảm quân dân. Ông nhớ lại chuyến vào Quảng Ngãi cho nổ tàu, khi đoàn thủy thủ lên bờ và bị địch nã pháo, nếu không có người dân ở đây cưu mang đùm bọc, chữa trị vết thương và giấu dưới hầm bí mật, tránh những cuộc càn quét của địch thì cũng khó lòng sống sót.

"Hồi đó, tôi cũng không hiểu các anh em đã tuyên truyền vận động bằng cách nào mà hơn 700 hộ dân Vàm Lũng chấp nhận rời bỏ nơi mưu sinh để vào trong rừng sống kham khổ, nhường tuyến sông cho "Đoàn tàu không số". Vấn đề là tất cả người dân đều không biết mục đích của việc này, không một ai biết gì về những chuyến tàu ra vào cả. Điều đó cho thấy có một sự hy sinh rất lớn của nhân dân xứ này, sự hy sinh không cần lý do và điều kiện. Họ bỏ các hàng đáy đầy ắp tôm cá để vào trong các lạch nhỏ đặt vó sống qua ngày, ngày nào nhiều lắm chỉ kiếm được vài ký tôm. Có thời điểm, khi tàu cập bến, vì bảo vệ bí mật, không để kẻ thù phát hiện, người dân không được ra ngoài mua bán, phải bám trụ trong rừng cùng bộ đội để ra sức bảo vệ bến. Có lúc phải ăn trái mắm thay cơm, thậm chí khi quân địch đi càn thì phải cầm vũ khí đánh lại kẻ thù và hy sinh oanh liệt. Cũng trong giai đoạn này, các chiến sĩ cũng hy sinh rất nhiều. Hy sinh tính mạng thì khỏi nói rồi, anh em còn hy sinh cả tình cảm riêng tư, nhiều năm trời bám trụ một chỗ trong điều kiện thiếu ăn, thiếu uống, không tiếp xúc với người thân, người yêu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, có người không thể trở về" - đại tá Khưu Ngọc Bảy hồi tưởng. 

Trên bản đồ, bến Vàm Lũng còn ghi là sông Năng, thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Theo dòng thời gian, bến nước, dòng sông Vàm Lũng giờ đã rộng hơn, dấu tích chiến công xưa đã không còn nhưng huyền thoại về bến cuối cùng của những con tàu không số đã trở thành bất tử.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo