xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường về Việt Nam của nhà khoa học được Tổng thống Putin trao giải thưởng

Dương Ngọc

(NLĐO)- Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ, sau gần 40 năm sinh sống và làm việc ở Nga, đã trở về Việt Nam làm việc, hiện ông là Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT.

GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ là nhà khoa học Vật lý và Công nghệ Plasma, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng Plasma nhiệt độ thấp với gần 100 công trình công bố trên tạp chí quốc tế, là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga.

Đường về Việt Nam của nhà khoa học được Tổng thống Putin trao giải thưởng - Ảnh 1.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ - Ảnh: Dương Ngọc

Năm 2016, GS Nguyễn Quốc Sỹ tham gia thành lập Viện Công nghệ VinIT và được bầu làm Chủ tịch Viện khi ông đang là Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Đại học Năng lượng quốc gia Nga (MEI), Giám đốc phòng thí nghiệm vật lý Plasma. Từ đó đến nay, ông vẫn đi về giữa hai nước Việt Nam - Nga và hơn 1 năm nay, ông về Việt Nam làm việc.

Chia sẻ về công việc của mình ở Việt Nam, GS Nguyễn Quốc Sỹ cho biết: "VinIT là một đơn vị hoàn toàn tự chủ, từ lên phương án, tổ chức triển khai công việc, thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ (KH-CN). Cá nhân tôi hoàn toàn được tự do triển khai các công việc như chúng tôi mong muốn".

Mặc dù vậy, ông và cộng sự cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Không có nguồn kinh phí, không có đầu ra, thiếu sự hỗ trợ của Bộ, ban ngành. Vì thế, đã hạn chế một phần năng lực nghiên cứu cũng như KH-CN của ông.

Khi được hỏi về lý do trở về Việt Nam làm việc, GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ trả lời đơn giản: "Vì tôi yêu đất nước Việt Nam".

Ông cũng cho biết ông mong muốn được đóng góp tốt nhất ở nơi cần mình nhất. "Ngoài tình yêu đất nước, tôi nhận thấy đất nước mình cần rất nhiều thứ và tôi có thể đóng góp được rất nhiều thứ cho Việt Nam"- ông chia sẻ.

Với thời gian thực sự hoạt động chỉ khoảng gần 2 năm nhưng VinIT đã làm được rất nhiều việc, hiệu quả cao: Triển khai một loạt dự án nghiên cứu ứng dụng sử dụng công nghệ trên nền Plasma nhiệt độ thấp, Plasma lạnh, Plasma nhiệt cho xử lý rác thải môi trường, ứng dụng công nghệ Plasma lạnh khử khuẩn bề mặt và diệt virus trong phòng chống Covid-19, khử khuẩn bề mặt, xử lý đầu ra cho nông sản, thực phẩm... "Nông sản, thực phẩm của chúng ta nhiễm nấm nhiều, dẫn đến nhiều khi không xuất được hàng đi, hoặc xuất xong lại bị trả về... Chúng tôi đang đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu ứng dụng của mình để bà con nông dân, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài với chất lượng tốt nhất" - ông chia sẻ.

Đường về Việt Nam của nhà khoa học được Tổng thống Putin trao giải thưởng - Ảnh 2.

Viện Công nghệ VinIT thử nghiệm thành công đầu phát plasma nhiệt công suất lớn

Về những vấn đề "nóng" liên quan đến xử lý môi trường ở Thủ đô Hà Nội, trao đổi với chúng tôi, ông cũng cho biết: "Chúng tôi có công nghệ có thể xử lý vấn đề nước thải sông Tô Lịch, rác thải của Hà Nội, song đó là thuần túy về mặt công nghệ, kỹ thuật, còn để có thể giao cho chúng tôi nhiệm vụ đó không, và nếu giao rồi thì làm thế nào chúng tôi có thể thực hiện được là một câu chuyện dài, và câu chuyện đó không chỉ phụ thuộc vào nhà khoa học mà cần rất nhiều sự chung tay của các bộ, ban ngành".

Ông cho biết mình và cộng sự từng có một số đề xuất, mong muốn được triển khai công nghệ đó, nhưng cũng phải nói thật là sự quan tâm chú ý ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa được như chúng tôi mong muốn. Không phải là lý do nghi ngại nhau, nhưng trong tổ chức triển khai công việc có khi còn lúng túng. Có thể kể ra các nguyên nhân như do năng lực tổ chức quản lý còn hạn chế, do nguồn lực dàn trải, không tập trung; do liên quan trực tiếp đến người thực thi...

Khi được đề nghị đánh giá về năng lực của các đồng sự trong nước, GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng năng lực là một khái niệm rộng, bao gồm năng lực KH-CN, năng lực tổ chức, quản lý; để triển khai các dự án... Không phải nhà khoa học nào cũng hội tụ đầy đủ các yếu tố đó. Chính vì thế, ông đề nghị cần tổ chức những đơn vị mạnh, như các phòng thí nghiệm trọng điểm, các viện nghiên cứu, thậm chí các tập đoàn khoa học công nghê để làm cái nôi, môi trường cho các nhà khoa học công nghệ của ta có thể phát triển.

Một tập đoàn khoa học công nghệ không chỉ cần năng lực tài chính, khoa học công nghệ mà trước hết là con người. Mà con người, trước hết là người quản lý. Tất nhiên, cần cả đội ngũ các nhà làm khoa học (các chuyên gia làm việc từ phòng thí nghiệm tới đơn vị sản xuất), cần hệ thống máy móc trang thiết bị, cần đầu tư. "Chúng ta đã xây dựng một loạt phòng thí nghiệm trọng điểm trong 10-15 năm qua, nhưng điều đáng tiếc là hiệu quả của các phòng thí nghiệm trọng điểm không cao. Chúng ta cần xem lại vấn đề này, cần tập trung nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng điểm"- ông đánh giá.

Nêu ví dụ Singapore đi lên từ xuất phát điểm thấp, hiện đã có năng lực KH-CN vượt trội, Đài Loan (Trung Quốc) có rất nhiều sản phẩm khoa học công nghệ rất mạnh như công nghiệp phụ trợ cho công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp... Thái Lan chưa phải cường quốc về KH-CN nhưng trong nhiều lĩnh vực, trước hết là nông nghiệp, Việt Nam chưa bằng Thái Lan. Ông đánh giá các nền kinh tế này đều có xuất phát điểm không cao, song họ đã vượt lên bằng KH-CN. "Điểm mấu chốt là họ biết đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong từng thời điểm để có thể bật lên được. Không đi đâu xa, chúng ta có thể học tập ngay những nền kinh tế xung quanh mình"- ông nhấn mạnh.

"Tôi lạc quan về sự phát triển của đất nước, nhưng không lạc quan thái quá, vì tôi biết rằng quy luật phát triển của xã hội, của đất nước. Tôi nhìn thấy rất nhiều điều kiện thuận lợi: Chúng ta nằm ở một khu vực phát triển nhộn nhịp, được sự quan tâm rất lớn của thế giới; chúng ta có một dân tộc trẻ, người Việt Nam yêu lao động và thích những điều mới mẻ, hội nhập rất nhanh... Ngoài ra, chúng ta có lực lượng mặt bằng trình độ không thua kém rất nhiều nước khác. Tôi cho rằng khi được cởi bỏ một số khó khăn, nó sẽ có hiệu ứng Domino, sẽ giúp chúng ta cất cánh. Chính vì thế mà tôi lạc quan" - GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ.

GS Nguyễn Quốc Sỹ từng có 30 năm gắn bó với nghiên cứu chuyên ngành vật lý công nghệ Plasma. Năm 2006, GS Nguyễn Quốc Sỹ được nhận giải thưởng các Nhà khoa học trẻ của Tổng thống Liên bang Nga Putin.

GS Sỹ từng được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012 do Tổng thống Nga Vladimia Ptutin trao tặng; Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật Điện Liên bang Nga năm 2015 với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối.

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ sinh ngày 20-2-1967 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi trung học phổ thông năm 1983, ông vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào Đại học và được chọn đi du học ở Liên Xô.

Tháng 8-1984, Nguyễn Quốc Sỹ đến Liên Xô và vào học năm thứ nhất Khoa Cơ Điện Đại học Bách khoa Leningrad (nay là Đại học Nghiên cứu Quốc gia LB Nga "Đại học Bách khoa Saint Petersburg" – NRU SPbPU). Từ rất sớm, trong thời gian học tập tại Đại học Bách khoa Leningrad ông đã được chọn làm việc trong Phòng thí nghiệm trọng điểm của LB Nga về Vật lý và Công nghệ Plasma. Ông đã được đào tạo và cộng tác với nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vật lý và công nghệ Plasma của LB Nga, tham gia vào các chương trình khoa học trong và ngoài nước. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng, bằng khen từ Hội đồng khoa học, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Leningrad và Hội đồng thành phố Leningrad vì những thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Tháng 4-1989, Nguyễn Quốc Sỹ tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học sớm một năm với bằng xuất sắc tại Đại học Bách khoa Leningrad (NRU SPbPU). Từ năm 1989 ông là nghiên cứu viên khoa học của Phòng thí nghiệm Kỹ thuật và Công nghệ Plasma, đồng thời là trợ giảng và nghiên cứu sinh của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Điện, Đại học Bách khoa Leningrad (NRU SPbPU).

Tháng 6-1992, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Mô hình toán tương tác dòng các hạt rắn với Plasma". Được Hội đồng khoa học của Đại học Bách khoa Leningrad đánh giá là xuất sắc nhất trong số các công trình nghiên cứu của trường năm 1992, Nguyễn Quốc Sỹ được Hội đồng khoa học NRU SPbPU chọn là nghiên cứu sinh duy nhất cho chương trình đào tạo Tiến sĩ khoa học của trường năm 1993.

Tháng 3-2002, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học với đề tài "Nghiên cứu các loại Plasma sóng cao tần và hồ quang điện" tại NRU SPbPU. Kết quả luận án được Ủy ban xét duyệt và đánh giá chất lượng khoa học cao cấp của Liên bang Nga đánh giá là một trong những công trình khoa học tốt nhất của LB Nga năm 2002, có tầm quan trọng to lớn đối với khoa học và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế quốc gia.

Từ năm 1994 đến 2003, Nguyễn Quốc Sỹ là Phó Giáo sư Khoa Kỹ thuật và Công nghệ điện NRU SPbPU. Trực tiếp giảng dạy các khóa học chuyên môn "Mô hình toán Plasma thiết bị Plasma", "Lý thuyết gia nhiệt cảm ứng điện từ", "Vật lý Plasma", "Thiết kế các loại thiết bị Plasma và thiết bị Plasma ".

Từ năm 2003, ông là Giáo sư Khoa Vật lý đại cương và Tổng hợp hạt nhân, Đại học Nghiên cứu Quốc gia "Đại học Năng lượng Moskva" (NRU MPEI). Ông đã thành lập Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma làm cơ sở cho nghiên cứu mới và chuyên sâu trong lĩnh vực Vật lý Plasma tại Đại học Năng lượng Moskva. Hiện tại, Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma còn là cơ sở đào tạo sinh viên đại học và sau đại học của Viện Năng lượng hạt nhân và Vật lý nhiệt, chuyên ngành – Lò phản ứng nhiệt hạch và Hệ thống Plasma.

GS Nguyễn Quốc Sỹ là Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật lý plasma tại Đại học nghiên cứu quốc gia "Viện kỹ thuật điện Matxcơva" từ năm 2005, là Cố vấn khoa học của Technoceramica LTD từ năm 2011.

Năm 2006, GS Nguyễn Quốc Sỹ được nhận giải thưởng các Nhà khoa học trẻ của Tổng thống Liên bang Nga Putin.

Năm 2012, GS Nguyễn Quốc Sỹ đoạt giải nhất cuộc thi các công trình khoa học của NRU "MPEI" và nhận giải thưởng cho việc xuất bản cuốn sách chuyên khảo khoa học "Mô hình toán Plasma nhiệt độ thấp".

Năm 2013 dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, "Technokeramika" (Obninsk) đã thiết kế, chế tạo thành công đầu phát Plasma cao tần công suất 1000 kW và dây chuyền công nghệ Plasma chế tạo các loại vật liệu bột chịu nhiệt đặc biệt.

Năm 2016, GS Nguyễn Quốc Sỹ tham gia thành lập Viện Công nghệ VinIT và được bầu làm Chủ tịch Viện.

Năm 2017, Công trình của GS Nguyễn Quốc Sỹ được nhà xuất bản nổi tiếng Springer chọn để xuất bản cuốn chuyên khảo khoa học "Lý thuyết vật lý Plasma nhiệt độ thấp".

GS Nguyễn Quốc Sỹ là Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga từ năm 2015 và Viện Hàn lâm Quốc tế về Nghiên cứu Hệ thống từ năm 2012.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo