img

Kể từ ngày "dính" quy hoạch, người dân ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã quen với những lời hứa, lời cam kết và hy vọng trường hợp của mình không giống như Thủ Thiêm hay Thảo Điền

--------------------

Hàng ngàn căn nhà lụp xụp, hàng ngàn gia đình đang phải bấu víu trên mảnh đất "vàng", có những gia đình có đến 3 thế hệ, họ sinh sống nơi đây hàng chục năm  nhưng lại không được xây dựng mới nhà cửa cho khang trang hơn. Hình ảnh quá trái ngược khi đứng giữa những căn nhà cũ nát nhìn về phía bên kia sông Sài Gòn, những chung cư cao tầng mọc san sát nhau.

Một buổi chiều tháng 7, khi chúng tôi đang trò chuyện cùng người dân, những cán bộ đô thị đi xe máy ngang qua, rồi người dân tạm dừng câu chuyện, họ bàn tán, chủ đề lại là nhà ai lại bị cưỡng chế rồi. Việc cưỡng chế tháo dỡ, theo người dân nơi đây là chuyện khá phổ biến.

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 1.

Tại bán đảo Thanh Đa, hầu như không cấp phép xây dựng mới mà chỉ cho phép sửa chữa theo hiện trạng. Điều đó đồng nghĩa ngôi nhà ấy 26 năm qua như thế nào thì chỉ sửa như thế ấy. Người dân chỉ được phép nâng nền, sửa mái nhà cho đỡ ngập, đỡ dột chứ không được phép cơi nới, xây mới dù con cái lớn lên và lập gia đình.

Có tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân, chúng tôi mới cảm thấy chạnh lòng! Cái sự nghèo sao lại quá nặng nề, bởi bên trong những căn nhà ọp ẹp ấy là những con người cứ quanh quẩn với bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, khó khăn chồng chất khiến cuộc sống của họ thêm ngột ngạt.

Gia đình có đất rộng, lại là đất thổ cư hẳn hoi nhưng anh Hà Quốc Quy (ngụ 480/65/15 Bình Quới) không thể xây cho mình một ngôi nhà kiên cố bởi quy định là cứ theo hiện trạng mà làm.

img
img

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 3.

Anh Quy nhớ lại cách đây 26 năm, khi bán đảo Thanh Đa còn hoang sơ, cách cả trăm mét mới có một căn nhà thì người dân cần điện nước và đường sá. Sau đó, người dân được cấp điện, còn nước sinh hoạt thì mới có nhưng giá cao gấp 3-5 lần giá quy định. Con đường hẻm bê tông hóa nối ra đường Bình Quới cũng do người dân nơi đây góp tiền theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm.

Anh Quy cho biết khi sửa nhà nếu cơi nới thêm thì việc bị lập biên bản xử phạt hành chính là chuyện bình thường. Bởi không cơi nới thì không có chỗ "chui ra chui vào". Để công trình được tồn tại, anh đã phải làm đơn và cam kết với phường không yêu cầu bồi thường nếu có quy hoạch về sau.

Anh Quy kể khi anh mới mười mấy tuổi, đã nghe người lớn bàn về quy hoạch nhưng lúc đó anh nào hiểu được quy hoạch là gì; rồi đến tận bây giờ khi hiểu về từ "quy hoạch" thì cũng chẳng biết bán đảo Thanh Đa được quy hoạch như thế nào, có cái gì trong đó và quan trọng nhất là khi nào thực hiện. Điều đó khiến mọi thứ ở đây đều tạm bợ, từ nhà cửa cho đến cây trồng.

img
img

Ở bán đảo nằm "trong lòng" một trong những trung tâm đô thị lớn nhất nước này, người dân hay tự an ủi mình là những "đại gia", bởi có trong tay hàng ngàn mét vuông đất nhưng vẫn phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Trước khi có quy hoạch, người dân trồng lúa và trồng sen, rồi sau đó trồng mía.

Rồi cây lúa, cây mía không nuôi nổi gia đình nên họ đành bỏ hoang đất đi làm phụ hồ, công nhân. Có nhiều người cố bám lấy mảnh vườn nhưng thu nhập rất bấp bênh, chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

img
img

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 6.
img
img

Ông Bùi Văn Anh (ngụ nhà số 558/64/27/5A Bình Quới) vẫn là một nông dân chính gốc bởi không chỉ vẻ bề ngoài đen nhẻm mà còn trong cách suy nghĩ giản đơn.

Đứng ở nhà ông Văn Anh có thể nhìn thấy 3 chung cư cao tầng đang xây bên kia sông Sài Gòn thuộc phường Thảo Điền (quận 2). Tôi hỏi: Chú có muốn được ở trong những căn hộ cao tầng bên kia không? Chẳng suy nghĩ nhiều, ông Văn Anh nói: "Không, ở đây không ai muốn bị dồn lên chung cư cả, lên đó ở không quen, đi cầu thang chóng mặt. Người dân ở đây chỉ muốn được sống với mảnh vườn, chiều chiều đi thăm ruộng".

Nhắc đến chuyện nhà cửa trong dự án quy hoạch treo 26 năm qua, ông Văn Anh chỉ nói ngắn gọn: Người ta sao, mình vậy!

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 8.

Hình ảnh vại nước tưởng chừng như chỉ có ở vùng sông nước nhưng nhà ông Văn Anh có đến 5 vại. Bà Nguyễn Thị Tư (vợ ông Văn Anh) cho biết những chiếc vại này dùng để hứng nước mưa làm nước sinh hoạt. Nguyên nhân do nước giếng khoan bị nhiễm phèn còn nước sạch lại đắt quá nên lấy vại hứng nước mưa dùng tạm, đỡ được đồng nào hay đồng đó. Chúng tôi quan sát thấy khu đất của gia đình có 3 căn nhà thì đến 2 căn là nhà tình thương và nhà tình nghĩa được xây bằng gạch kiên cố, căn còn lại mái tôn, tường gỗ khá lụp xụp.

Mặc dù mỗi năm trồng được 2 vụ lúa nhưng chỉ đủ để nấu cơm ăn hằng ngày. Nếu có dư thì cũng chỉ bán lại cho mấy hộ nuôi gà chứ bán gạo chẳng ai mua. Đó là những vụ cho năng suất cao chứ mấy năm nay có khi cuối vụ đi thu hoạch nhưng lại về tay trắng do hạt lép.

Trồng lúa nhưng người dân bán đảo Thanh Đa luôn thấp thỏm lo sợ bị chuột cắn vào đầu vụ và chim ăn lúc cuối vụ. "Chuột cắn là đúng bởi số hộ trồng lúa chỉ đếm trên đầu ngón tay nên chúng dồn lại một vài mảnh ruộng mà phá. Chưa kể, đất ở Thanh Đa không có phù sa mà còn bị nhiễm mặn nên năng suất rất thấp" – ông Văn Anh cho biết.

img
img

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 10.

Cách đó vài căn nhà, anh Bùi Văn Đảnh đang vá lại giỏ cá không còn lành lặn để chuẩn bị ra đồng. Anh cho biết trước đây, sông rạch nhiều tôm cá nên thu nhập khấm khá, còn hiện nay nhiều hôm đi chích điện cả buổi nhưng chưa được 2 ký cá, đủ để dùng cho gia đình.

Anh Đảnh nhớ căn nhà của gia đình mình xây năm 1994. Rồi mới đây, khi có người lập gia đình thì ba mẹ cho ra ở riêng nhưng căn nhà chỉ là những miếng tôn tạm bợ ghép lại bên cạnh chuồng gà, chuồng heo. Điều kiện khó khăn nên gia đình anh Đảnh phải khoan nước nhiễm phèn cho qua bể lắng bằng than hoạt tính và cát, để dùng cho sinh hoạt dù biết không an toàn cho sức khỏe.

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 11.

Mỗi người dân một hoàn cảnh, ngoài những cái lo chung, ai ai cũng đều có nỗi lo riêng. Nhắc về chuyện cầu đường nơi đây, bà Đào Thị Thanh Thúy (ngụ 558/64/27A Bình Quới) bất an, bởi cây cầu Ông Ngữ nhỏ hẹp nên xe ô tô không đi qua được, khi có ai cần cấp cứu thì taxi cũng không vào tới.

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 12.

Rồi khi có "đại gia" ngỏ ý muốn được xây cầu thì chính quyền lại không cho càng khiến người dân thêm nản lòng. Không chỉ vậy, các tuyến đường ở khu vực này đều nhỏ nên xe ba gác phải né nhau khi chạy qua. Người dân cần sự rõ ràng của chính quyền, nếu thực hiện dự án thì nói rõ thời gian thực hiện để người dân còn tính chuyện làm ăn, còn không thì hủy dự án để người dân được sửa sang nhà cửa.

Những năm gần đây, dịch vụ câu cá giải trí và quán ăn gia đình nở rộ ở bán đảo Thanh Đa. Dọc đường Bình Quới và các hẻm lớn xuất hiện nhan nhản bảng hiệu chào mời khách. Tuy nhiên, chủ quán lại là người từ nơi khác đến thuê đất, dân địa phương tự mở quán chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Giá thuê đất tùy theo diện tích và vị trí, có đường cho xe ô tô vào được hay không, thông thường dao động ở mức 8-20 triệu đồng/tháng.

(eMagazine)- Bán đảo Thanh Đa và lời hứa từ chính quyền - Ảnh 13.

Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được TP phê duyệt vào năm 1992.  Năm 2004, TP thu hồi, giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng vì nhiều lý do dự án không thể triển khai nên sau đó TP giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000). Mặc dù vậy, dự án tiếp tục rơi vào quên lãng.

Đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với số vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, TP thông báo Công ty Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) xin rút khỏi dự án và TP đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ chấp thuận cho Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án này.

Ngày 11-7, tại buổi thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 HĐND TP, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử lý dứt điểm và nhấn mạnh: "Xin cam kết trước đại biểu, UBND TP sẽ chỉ đạo nhanh việc này, không thể kéo dài hơn được nữa. Bởi nếu đặt chúng ta vào hoàn cảnh của người dân ở bán đảo Thanh Đa thì thấy như thế nào? Việc chậm trễ này có trách nhiệm của các cơ quan chức năng".

Sỹ Đông - Anh Thanh - Tấn Nguyên
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên