img

Ngày 21-2, bệnh nhân có thời gian điều trị "kỷ lục" của Bệnh viện (BV) Điều trị Covid-19 Trưng Vương là chị Ph.Th.M.Đ (SN 1982) được xuất viện lần 2, sau ca phẫu thuật lấy dụng cụ mở khí quản, chính thức trở lại cuộc sống bình thường sau hơn nửa năm được hai người anh em song sinh - bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thiên Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) và BS chuyên khoa II Nguyễn Thiên Hào - Trưởng Khoa Tim mạch, cứu chữa.

[eMagazine] Trong gian khó, sáng ngời y đức (*): Anh em song sinh nơi đầu sóng ngọn gió - Ảnh 1.
[eMagazine] Trong gian khó, sáng ngời y đức (*): Anh em song sinh nơi đầu sóng ngọn gió - Ảnh 2.

Ngày 18-6-2021, BV Trưng Vương chuyển đổi công năng toàn viện, trở thành nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong đợt đầu điều động y - BS tuyến đầu chống dịch có hai anh em BS Nguyễn Thiên Bình và Nguyễn Thiên Hào - hai "chiến tướng" của BV.

[eMagazine] Trong gian khó, sáng ngời y đức (*): Anh em song sinh nơi đầu sóng ngọn gió - Ảnh 3.

Hai bác sĩ song sinh Nguyễn Thiên Hào và Nguyễn Thiên Bình (thứ 3 và 4, từ phải qua) cùng các đồng nghiệp, đại biểu tại lễ khánh thành ICU Covid-19 Bệnh viện Trưng Vương

"Lúc đó, mới chích ngừa mũi 2 được mấy ngày, nhưng tình hình rất căng, chúng tôi phải xông vào ngay, phải làm trực tiếp thì mới cầm quân được" - BS Thiên Hào nhớ lại.

Những ngày "cơn sóng thần" Delta căng thẳng nhất, Khoa Tim mạch trở thành một "cánh tay nối dài" của Khoa ICU. Những cuộc hội chẩn trực tuyến chóng vánh từ 2 "chiến tướng" của BV điều trị Covid-19 800 giường này đã đem đến những phép mầu ngoạn mục, mà chị Ph.Th.M.Đ là một trong số đó.

BS Thiên Hào kể: "Đ. và chị gái cùng nhập viện ở Khoa Tim mạch. Người chị thì sức khỏe hồi phục nhanh, còn Đ. cứ khó thở dần, nguy kịch dần. Không có biến chứng nào của Covid-19 mà cô ấy không gặp phải".

Chị Đ. được tăng dần mức độ điều trị, có khi nằm sấp gần 24/24, rồi cũng ổn định hơn 10 ngày. Nhưng rồi "phase 2" (giai đoạn 2) của bệnh ập tới, với biểu hiện của một trong những biến chứng gây ám ảnh nhất đại dịch Covid-19: cơn bão Cytokine.

"Cơn bão tử thần" được BS Thiên Hào cố đánh chặn bằng kháng thể đơn dòng. Chuyển sang Khoa ICU, BS Thiên Bình dùng thêm một lọ nữa. Nhưng qua được Cytokine thì chị Đ. tiếp tục suy hô hấp, rồi nhồi máu não, suy đa cơ quan…

Gia đình chị Đ. rơi vào tuyệt vọng vì trước đó có thực hiện một xét nghiệm di truyền, kết quả cho thấy cơ địa của chị nếu bị Covid-19 sẽ rất dễ rơi vào ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), không thể cứu. BS Thiên Bình gạt đi: "Cứ tin!".

[eMagazine] Trong gian khó, sáng ngời y đức (*): Anh em song sinh nơi đầu sóng ngọn gió - Ảnh 4.

Nguyễn Thiên Bình (giữa) vẫn cùng đồng đội tiếp tục cuộc chiến ở ICU Covid-19 BV Trưng Vương

Phép mầu đã đến khi BS Thiên Bình quyết định mở khí quản cho chị Đ., tạo thêm một đường thở thứ 2 ở cổ bệnh nhân, rồi dùng máy ôxy dòng cao (HFNC) để cai dần máy thở, một phương pháp "không giống ai".

Giữa tháng 11-2021, chị Đ. đã có thể ngồi dậy, chỉ còn phải hỗ trợ ôxy mũi, được về nhà với khí quản còn mở nơi cổ, cố gắng tập vật lý trị liệu. 10 ngày trước, chị hồi phục tốt nên nhập viện cho ca mổ sau cùng nhằm khôi phục hơi thở tự nhiên.

[eMagazine] Trong gian khó, sáng ngời y đức (*): Anh em song sinh nơi đầu sóng ngọn gió - Ảnh 5.

BV Trưng Vương đang dần phục hồi công năng. BS Thiên Hào và Khoa Tim mạch đã trở về "vùng xanh". Trong khi đó, BS Thiên Bình vừa đảm đương công việc chính ở Khoa ICU BV Trưng Vương, vừa bám trụ chiến tuyến Covid-19 với vai trò trưởng Khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 (ICU Covid-19) 48 giường.

Với gần chục ca bệnh nguy kịch, đầy thử thách còn ở lại trong ICU Covid-19, hai anh em BS vẫn luôn chia sẻ phác đồ, phương cách điều trị cho nhau. Có lẽ cũng vì sự kết nối đó mà họ rất quan tâm đến việc giúp bệnh nhân sớm về với gia đình, thay vì phải nằm cô đơn trong ICU Covid-19.

img
img

Đại dịch Covid-19 gây ra những đau thương, mất mát quá to lớn. Trong một lần tôi theo chân BS Thiên Bình vào ICU Covid-19, anh chỉ tay về người đàn ông đến từ Sa Đéc (Đồng Tháp), bảo: "Niềm hy vọng cuối cùng của gia đình. Cha, mẹ, người thân khác đều qua đời vì Covid-19 rồi, chỉ mình ổng được chuyển kịp lên TP HCM. Ráng cứu, để ổng về giữ nhà…". Rất may, chỉ chiều hôm đó, người đàn ông bắt đầu có tiến triển tốt.

Cuộc phỏng vấn cho bài viết này là cuộc phỏng vấn thư thả đầu tiên tôi có với BS Thiên Bình - BS Thiên Hào sau 8 tháng BV Trưng Vương chuyển đổi công năng với muôn trùng vất vả, cũng là lúc tôi nhận ra tóc BS Bình đã trắng thêm nhiều.

Khi được hỏi mong muốn gì cho chặng đường sắp tới, giữa "bản giao hưởng sinh tử" - tiếng máy móc dồn dập tại ICU Covid-19, BS Bình trả lời: "Bình an". Còn BS Hào đáp: "Hạnh phúc".

"Anh không muốn bệnh nhân của mình chết!"

"Chị từng làm ở Khoa ICU BV Trưng Vương 15 năm mà chưa thấy ai 4 lần đặt rồi rút nội khí quản như Đ. Đau đớn lắm! Covid-19 thật tàn khốc" - điều dưỡng Phan Thị Thu Sương, Khoa Thận - Thận nhân tạo BV Trưng Vương, chị lớn của cả bệnh nhân Ph.Th.M.Đ và người chị kế đã khỏi bệnh, tâm sự. Những ngày Đ. bên lằn ranh sinh tử, điều dưỡng Sương phải gạt nước mắt chiến đấu, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác.

Chị Sương cũng là một trong những chiến sĩ áo trắng đầu tiên tình nguyện vào khu Covid-19, sau đó từ chối nghỉ đệm (nhân viên y tế điều trị Covid-19 làm liên tục 3 tuần rồi nghỉ 2 tuần), xin tăng cường ở Khoa ICU để vừa có thể chăm sóc em gái, vừa đem kinh nghiệm của điều dưỡng ICU san sẻ gánh nặng cùng đồng đội.

Khi được hỏi việc nhận cứu chữa thân nhân của một đồng đội đang cùng trên chiến tuyến có phải là áp lực không, BS Thiên Bình trả lời: "Lúc đó anh không còn nhớ, không còn để ý gì khác nữa. Anh không muốn bệnh nhân của anh chết!"

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-2

Kỳ tới: Giành giật sự sống cho mẹ và bé

ANH THƯ - NGUYÊN LÂM
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên