xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gò Cỏ lên đời!

Bài và ảnh: TRANG THY

Gò Cỏ in dấu tích thuở người Chăm xếp đá lập làng. Sóng biển rì rầm hòa cùng rặng thùy dương vi vu với gió từ khơi xa thổi vào bờ như lời thầm thì của người Sa Huỳnh từ hàng ngàn năm trước

Nhà báo Lê Văn Chương lập nhóm thiện nguyện "Nối vòng tay Việt" quyên góp nhu yếu phẩm hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch và người dân khó khăn vì dịch Covid-19. Anh cảm động khi nhận 350 kg gạo, 1 thùng trứng và 23 thùng mì gói từ người dân Gò Cỏ gửi tặng để chuyển vào TP HCM.

Gò Cỏ lên đời! - Ảnh 1.

Bãi biển ở Gò Cỏ hoang sơ và sạch đẹp

Gập ghềnh bước chân qua

Rồi nhà báo Lê Văn Chương viết cảm nghĩ của mình trên trang Facebook cá nhân: "Dân ở đây nghèo nhưng con người đặc biệt chân thật". Họ nghèo và bị phong tỏa dài ngày khi Sa Huỳnh bùng phát dịch nhưng vẫn san sẻ từng lon gạo, quả trứng giúp đồng bào trong cơn khốn khó.

Gò Cỏ (thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) gây ấn tượng với bao người bởi lắm điều kỳ thú. Những con đường nhỏ quanh co giữa xóm nhà, lên xuống theo núi đồi gập ghềnh bước chân qua. Mái ngói lô nhô nhuốm màu thời gian bên chân núi, nơi sườn đồi xào xạc cây lá. Bao kiếp người quần cư bên biển rộng nhờ núi đồi che chắn tránh họa bão giông.

Làng nằm gần khu mộ chum phát lộ hơn trăm năm trước, gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm. Sau nhiều đợt khai quật, nghiên cứu, giới khảo cổ khẳng định đây là địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh cổ. Hậu duệ của họ là người Chăm Pa tiếp nối tổ tiên sinh sống trên mảnh đất này và để lại vết tích khiến bao người ngỡ ngàng.

Địa hình núi đồi nhấp nhô, chen chúc đá lớn nhỏ nên việc lập vườn, dựng nhà làm nơi trú ngụ ở nơi đây là vô cùng gian khó. Họ gom từng viên đá rồi xếp chúng lên nhau thành bờ kè ngăn nước mưa trôi đất, làm nên khu vườn nhỏ trước khi dựng nhà. Người xưa đào giếng rồi xếp đá bao quanh ngăn cát lở vùi lấp. Lạ thay, giếng cổ cạnh biển mặn nhưng nước trong veo, ngọt lành. Đây là nơi cung cấp nước ngọt cho cư dân quanh vùng và nhiều thương thuyền cập bờ ngơi nghỉ trong những chuyến hải hành xuôi Nam ngược Bắc.

Cư dân Chăm Pa thuở trước còn xếp đá dưới khe nhỏ nhằm giảm lượng nước mưa trôi ra biển cho cây cối tốt tươi. "Kè đá vườn nhà tôi từ xưa để lại. Lâu lắm rồi nhưng chẳng sạt lở gì cả. Giếng nước từ thời trước vẫn có nước trong veo, ngọt lành, dù nằm gần nước biển mặn" - bà Bùi Thị Sen, dân Gò Cỏ, nói.

Gò Cỏ lên đời! - Ảnh 2.

Những kè đá từ thuở người Chăm lập làng

Tiếp nối của hai nền văn hóa

Chiều phai nắng, cụ Võ Đình Chiến (73 tuổi, dân Gò Cỏ) đưa tôi đến ngôi cổ miếu cách nhà chừng 500 m, nằm cạnh chân đồi Trù Bồ. Qua nhiều lần hư hại và được xây dựng lại nhưng miếu vẫn in đậm dấu ấn cư dân Việt thuở đầu tiên đến nơi này. Họ theo chân chúa Nguyễn mở mang vùng đất phương Nam và dừng chân lập làng bên biển Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió. Cháu con của họ chung sức xây dựng miếu thờ cúng những bậc tiền nhân có công tạo lập làng.

Bia đá trong miếu khắc chữ "Thần" bằng Hán tự cạnh chữ Việt để hậu thế hiểu được thông điệp của cha ông.

Vào ngày 16-3 âm lịch hằng năm, chúng tôi tổ chức cúng tế Ông. Lúc trước, người dân ở các nơi trong vùng cũng về đây cúng vái. Vì đức ông được thờ ở đây là người có công khai khẩn cả khu vực rộng lớn" - cụ Chiến nói và cho biết nơi đây là địa bàn sinh sống của người Sa Huỳnh cổ hàng ngàn năm trước.

"Dấu tích ở đây thể hiện sự hòa hợp, tiếp nối của hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Chăm Pa. Khi dân Việt vào mở mang, khai phá đất phương Nam, nhiều người Chăm tiếp tục sinh sống ở nơi này. Họ kết hôn với người Việt rồi sinh con cháu, truyền đời qua bao thế hệ" - tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, thông tin.

Gò Cỏ lên đời! - Ảnh 3.

Một giếng cổ xếp bằng đá nước trong veo, ngọt lành khiến du khách thích thú

Cuộc sống của người dân Gò Cỏ lặng lẽ trôi bên những kè đá, giếng cổ phủ rêu phong theo năm tháng. Cho đến một ngày kia, tiến sĩ Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, đến đây khảo sát. Ông dạo bước trên những con đường uốn lượn lên xuống quanh làng, sờ vào từng viên đá, ngắm nhìn giếng cổ cùng núi đồi nhấp nhô bên cát vàng biển xanh đêm ngày sóng vỗ. Sau khi tìm hiểu, ông khẳng định nơi đây là "viên ngọc quý" của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Doanh nhân Đoàn Sung - một người nặng lòng với khảo cổ, văn hóa - vận động người dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng để cải thiện cuộc sống, giới thiệu xóm làng với khách phương xa. Ban đầu, nhiều người từ chối vì sợ ông gom đất khiến họ phải rời xa mảnh vườn ông cha bao đời gìn giữ. Nhưng ông kiên trì mời họ tham quan, tìm hiểu mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại Cù lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam).

Dần dà nhiều người hiểu ra. Thế là HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập tại đây và đi vào hoạt động với 34 thành viên. Mục tiêu của họ là giữ nguyên khung cảnh hoang sơ, xưa cũ để làm thỏa lòng du khách muốn tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa và hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên đẹp tựa tranh vẽ. Nhiều người đến đây vui lắm. Họ thích thú ngắm cảnh và dạo chơi trong xóm, hỏi chuyện về kè đá, giếng cổ.

Ký ức trong tôi là những nụ cười thân thương sau bao lần đến Gò Cỏ ngắm khung cảnh núi đồi hoang sơ bên biển rì rầm sóng vỗ. Khi "bóng ma Covid-19" chưa gây thảm họa chốn nhân gian, làng quê rộn rịp du khách ghé thăm. Họ sờ vào kè đá phủ rêu xanh theo năm tháng, thả hồn phiêu du theo gió vi vu như lời tự tình với rặng thùy dương soi bóng bên biển xanh. Du khách qua đêm trong những ngôi nhà đơn sơ nồng ấm tình người.

Chiếc thuyền con cập bờ mang theo cá, tôm vừa được vớt lên từ biển qua đôi tay khéo léo của những người phụ nữ hiền lành thành những món ngon làm khách xuýt xoa khen ngợi. Rau trái từ mảnh vườn nhỏ bên bờ kè đá được chế biến thành những món ăn ngon lành khiến nhiều người gật gù tán thưởng. Ngày càng nhiều người đến nơi này thưởng ngoạn, nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc.

"Chúng tôi đang tạm dừng đón khách để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Thời gian này, chúng tôi phối hợp đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho bà con xã viên để phục vụ du khách được tốt hơn. Chúng tôi sẽ lập hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận làng Gò Cỏ đạt 4 sao trong thời gian tới" - bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, cho biết.

"Đạt 65,2 điểm rồi, chỉ thiếu 4,8 điểm nữa là được công nhận đạt 4 sao. Vậy nên, việc nâng hạng cho làng du lịch này là rất khả quan" - ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, nhận định.

Gò Cỏ lên đời! - Ảnh 4.

Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi trao chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cho HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ

Mượt mà làn điệu bài chòi

Cuộc sống nhọc nhằn nên người dân nơi đây thường hát ca cho vơi đi cơ cực. Phụ nữ tụ tập vừa đan, vá lưới vừa ngân nga làn điệu bài chòi dưới tán cây râm mát. Tiếng ca từ những người chăn bò, lượm củi lướt qua sườn đồi giữa chiều phai nắng.

Đêm trăng sáng, họ quây quần trong sân nhà rồi cùng nhau ca hát xua đi bao âu lo trong cuộc sống thường ngày. Lời ca dân dã, thắm đượm tình quê gieo vào lòng con trẻ, trao truyền qua bao thế hệ. Thuở lên mười, bà Huỳnh Thị Thương thường rời nhà đến nghe người trong xóm hát bài chòi. Giọng ca mượt mà trong đêm thanh vắng lấn át nỗi sợ mơ hồ, đôi chân nhỏ thêm vững bước trên con đường uốn lượn, gập ghềnh. Quá yêu thích điệu dân ca quê mình nên bà học thuộc khá nhiều bài hát.

Và cũng bởi đắm say bài chòi nên bà Thương ngẫm nghĩ, sáng tác những câu ca mộc mạc theo sự đổi thay của nhịp đời nơi làng quê. Ngặt nỗi, bà không biết chữ nên chẳng thể lưu giữ những sáng tác của mình. Thuở nhỏ, bà chỉ được đến trường vài ngày rồi phải chui hầm tránh bom đạn chiến tranh. Nỗi khát khao con chữ dậy lên trong lòng khi tuổi xế chiều. Bà mày mò tập viết nét chữ nguệch ngoạc, những ngón tay quen cầm cuốc và liềm lóng ngóng khi nắm bút mực. Rồi những con chữ dần hiện hình, dẫu còn ngả nghiêng trên trang giấy.

"Tôi không biết chữ và nhạc nhưng mê bài chòi lắm nên tập tành sáng tác. Do niềm đam mê ấy nên phải học chữ để ghi lại rồi nhờ các cháu đánh máy và in ra giấy trước khi đưa cho bà con hát" - bà Thương thổ lộ.

Không chỉ riêng bà Thương, niềm đam mê ấy chảy trong huyết quản nhiều người dân Gò Cỏ. Họ say sưa ca hát khi có thính giả lắng nghe. Lời ca "Đi về Gò Cỏ mà chơi/Nghe tiếng chim hót líu lo trên đường/Khách đi giữa đất quê hương/Thấm tình nặng nghĩa mến thương đồng bào..." mời gọi khách phương xa. "Chúng tôi thành lập hội bài chòi - hát với 23 thành viên tham gia, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Đàn ông nhiều người hát hay lắm nhưng bận đi biển nên không vào hội, chứ nếu họ tham gia thì đông lắm" - bà Sen cho biết.

Kè đá, bia đá, giếng cổ... bên sóng biển rì rầm như lời thầm thì của tiền nhân nhắn nhủ hậu thế hãy trân quý công sức bao người tạo lập xóm làng. 

Làm nông dân và tham gia trò chơi dân gian

Gò Cỏ diện tích chừng 65 ha với gần 80 gia đình sinh sống bên chân núi hay sườn đồi. Sau hơn 2 năm thành lập, HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đã xây dựng được 15 homestay đủ điều kiện đón khách lưu trú, 5 thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ, 5 hướng dẫn viên qua đào tạo, 8 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Du khách đến đây còn được trải nghiệm: Đan lưới, nấu ăn, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo