xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

TRƯỜNG HOÀNG - SƠN NHUNG

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết khâu bồi thường vướng mắc rất nhiều và sở này đã xin Thủ tướng rút ngắn thời gian đấu giá, đền bù để sớm tạo quỹ đất sạch

Ngày 10-4, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến và lãnh đạo nhiều sở, ngành đã có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) trên địa bàn. Nhiều kiến nghị của DN đã được lãnh đạo TP giải đáp.

Khóc vì vướng thủ tục

Trình bày khó khăn của DN trong lĩnh vực BĐS, ông Đặng Anh Tú - Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn 5 - cho rằng ngoài những khó khăn về thủ tục, chính sách thì sau cổ phần hóa, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) phải cập nhật tên công ty cổ phần, khi liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường TP thì bảo phải có quyết toán thuế. Khi các sổ đỏ của công ty chưa cập nhật thì toàn bộ hoạt động liên quan đầu tư xây dựng đều bị vướng. Vì thế, các dự án đang trình Sở Xây dựng TP bị ngưng. Điều này gây thiệt hại rất lớn đối với DN và xã hội vì công trình gián đoạn, nhân công ngừng việc…

Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 1.

Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP HCM tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) - cho biết nếu không vì cổ đông, vì 3.000 cán bộ, nhân viên và nợ ngân hàng thì bà đã tự tử. Bà Loan trình bày QCGL có 12 dự án đang ách tắc. Cụ thể như dự án Công ty Phương Thiện Mỹ (huyện Nhà Bè) chỉ 3.000 m2 mà công ty triển khai kéo dài trong nhiều năm do thủ tục. Cán bộ thụ lý hồ sơ không trình cấp trên ký nên không thể hoàn thành thủ tục. Trước đây, công ty được duyệt quy hoạch 1/500 với hồ sơ đầy đủ nhưng hồ sơ đến UBND TP thì chuyên viên trả về với lý do "DN đã cơ bản hoàn thành hồ sơ". Vì vậy, QCGL phải làm hồ sơ lại từ đầu và đã 14 năm vẫn chưa tháo gỡ được. 

"Chúng tôi cam kết với Sở Quy hoạch Kiến trúc TP là nếu trình quy hoạch cho UBND TP mà là đất công thì chúng tôi chịu mất hết dự án nhưng lãnh đạo sở vẫn quan ngại. Hay dự án chung cư, chúng tôi bỏ tiền làm công viên, không được thu đồng nào, vậy mà xin trình thủ tục vẫn bị hỏi rằng đất công, có đấu giá chưa? Nay hỏi sở này, mốt hỏi ngành nọ. Khi họp thì cho người không có chuyên môn tham dự hoặc người mới nên không quyết được" - bà Loan nhấn mạnh.

Luật cứ lòng vòng

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết hiện TP có 75% dự án phải làm hạ tầng nhưng chỉ 25% dự án hạ tầng có sẵn, là đất sạch. Như vậy, 75% dự án khi thực hiện đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất chuyên dùng sang đất ở. Nhưng muốn làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thì phải quy hoạch 1/500 rồi mới thực hiện nghĩa vụ tài chính, muốn thế thì phải được công nhận là chủ đầu tư. Muốn công nhận chủ đầu tư thì phải là đất ở. Luật cứ lòng vòng không biết cái nào trước, cái nào sau và DN bế tắc ở đó. Theo ông Tuấn, phải tháo gỡ cho DN, nếu không thì không có dự án để triển khai. UBND TP đã báo Chính phủ, Chính phủ đã giao các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trước bức xúc của DN, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhắc nhở lãnh đạo các sở, ngành phải nắm rõ sự việc, làm việc phải bằng pháp lý, pháp luật chứ không phải nghi ngờ, suy đoán làm khó DN. Ông Tuyến cho biết sự phát triển của TP có đóng góp lớn của DN BĐS. Nhiều khó khăn của DN đã được ghi nhận, chính quyền TP cũng rất bức xúc; áp lực đối với lãnh đạo các sở và cán bộ là có nhưng đòi hỏi làm việc chặt chẽ. Sai ở đâu xử lý ở đó. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng lý giải là còn nhiều yếu tố do lịch sử để lại phải chấp nhận, không phải ai ký người đó phải chịu trách nhiệm nên cán bộ sở, ngành đừng quá áp lực.

Theo ông Tuyến, TP mỗi ngày thu hơn 1.000 tỉ đồng ngân sách, nếu thiếu hụt nguồn thu thì TP và trung ương đều khó. Vì vậy, DN BĐS không thể dừng lại mà phải phát triển. Hiện nay, áp lực lớn là có không ít cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm nên đùn đẩy công việc. UBND TP đã báo cáo, điều chuyển một số cán bộ, cán bộ không có năng lực thì phải đổi người khác. Đồng thời, TP cũng đã đẩy mạnh phân cấp cho sở, ngành, quận, huyện.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng, hiện khâu bồi thường vướng mắc rất nhiều và trung ương cũng như UBND TP đã có chỉ đạo nên sở đã trình xin phép Thủ tướng được rút ngắn thời gian đấu giá, đền bù… để sớm tạo quỹ đất sạch cho DN thực hiện dự án.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho rằng phần lớn bảng quy hoạch phân khu làm trước đây chất lượng chưa cao, còn nhiều bất cập. Đa số DN cần chỉ tiêu quy hoạch cao nhưng việc điều chỉnh quy hoạch phải có cơ sở pháp lý, còn lý do tăng tính khả thi, phù hợp lợi ích là khó được duyệt. Sở Quy hoạch Kiến trúc TP nhận thiếu sót là để kéo dài thủ tục nhưng bản chất hồ sơ phức tạp nên việc xử lý kéo dài. 

Vẽ lại quy trình triển khai dự án

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá buổi gặp gỡ này rất có ý nghĩa. Theo ông, lần nào tiếp khách nước ngoài, ông đều nghe khen TP ngày càng đẹp hơn, thay đổi nhiều, đô thị phát triển... Điều này có sự đóng góp của DN BĐS. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh rằng chưa lúc nào thời cơ cho kinh doanh BĐS thuận lợi như bây giờ. TP cứ 5 năm tăng 1 triệu dân, lo chỗ ở cho 1 triệu người tăng thêm là thị trường vô cùng lớn. Bình quân 5 năm, TP cần 250.000 căn hộ. Bên cạnh đó, thu nhập đầu người không ngừng tăng nên nhu cầu về nhà ở vô cùng lớn.

Bí thư Thành ủy cho biết để công việc thuận lợi hơn, quá trình triển khai các dự án BĐS phải có quy trình. Quy trình liên quan quản lý nhà nước, từng công đoạn ai chịu trách nhiệm, cơ quan nào chịu trách nhiệm? Hiện quy trình đã có nhưng phải hoàn thiện để làm sao khi khởi động dự án, DN biết chắc đi theo lộ trình qua bao nhiêu sở - ngành, cuối cùng tập kết ở đâu. Nên vẽ lại quy trình triển khai dự án BĐS, mỗi công đoạn thì trách nhiệm các sở - ngành làm gì; khâu nào khó thì các sở ngồi lại trao đổi, ai chịu trách nhiệm, sở - ngành hay UBND TP phải chỉ rõ. Quy trình liên quan nhiều sở - ngành thì lấy ý kiến nhiều sở - ngành nhưng phải có đơn vị tập hợp... Vấn đề đặt ra là có quy định thời gian cho từng sở - ngành phải giải quyết vấn đề DN yêu cầu không? Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định phải quy định thời gian giải quyết, nếu không thì người dân và DN cứ phải chờ. Hiện một số sở - ngành chưa công bố thời gian giải quyết, trong khi 99% các quận - huyện đã công bố.

Về cơ chế xử lý các dự án BĐS trong quá trình triển khai, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở phải bàn với nhau, nếu không giải quyết được thì kiến nghị cấp trên. Khi các sở muốn giúp DN, đã vận dụng pháp luật mà không làm được thì phải báo cáo TP, báo cáo cấp ủy, không để tình trạng muốn giúp DN nhưng không biết làm như thế nào.

Đối với các kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP phải có hệ thống tiếp nhận thường xuyên, giải quyết liên tục, có một cơ quan tập hợp báo lại các đơn vị có liên quan giải quyết.

Kiến nghị xử lý dự án bị rà soát

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, đưa ra 12 kiến nghị cùng 24 khó khăn mà DN BĐS gửi lãnh đạo TP. Trong đó, ông Châu nêu các khó khăn đã kéo theo hệ lụy giảm nguồn thu ngân sách TP. Điển hình nguồn thu ngân sách TP về tiền sử dụng đất bị sụt giảm mạnh. Năm 2018 giảm 22,5%; 2 tháng đầu năm 2019 giảm 76% so cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm trên địa bàn lên đến 10.110 tỉ đồng (tăng 13,5% so với thời điểm 31-12-2018; trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỉ đồng, chiếm 14% và đã có 76 DN xây dựng, BĐS nợ thuế với tổng số tiền sử dụng đất là 794 tỉ đồng). Trong quý I, Sở Xây dựng TP phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án), giảm 16% so cùng kỳ năm trước; số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các DN xây dựng cũng sụt giảm 30%-50% do các chủ đầu tư thiếu nguồn dự án mới...

Ông Châu cũng kiến nghị xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất. Đối với các dự án BĐS thuộc diện bị rà soát về thủ tục pháp lý và hành chính nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định đình chỉ thực hiện dự án hoặc quyết định khởi tố điều tra thì được tiếp tục giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo