xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hai công trình cẩu thả về Tây Nguyên

NGUYỄN QUANG TUỆ (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai)

L.T.S: Qua bài "bắt giò" dưới đây, tòa soạn rất mong bằng tinh thần cầu thị và sòng phẳng trong học thuật, các tác giả liên quan sẽ sớm trao đổi lại với tác giả.

Chúng tôi đã đọc cuốn "Tây Nguyên, những chặng đường lịch sử - văn hóa" (NXB Khoa học Xã hội, 2007) của TS Nguyễn Tuấn Triết (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tây Nguyên - Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ) từ nhiều năm trước và không có ý kiến gì vì nghĩ một cuốn sách bình thường như thế, chắc chắn độc giả sẽ quên nhanh. Nay, bất ngờ thấy nó được TS Lý Tùng Hiếu (giảng viên chính Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM) nhiệt tình tham khảo, hơn thế còn đưa hẳn vào sách chuyên khảo của riêng mình ("Trường Sơn - Tây Nguyên - Tiếp cận văn hóa học", NXB Tri thức, 2017), chúng tôi thấy băn khoăn, cần góp đôi lời.

Chung chung, cầm nhầm

"Tây Nguyên, những chặng đường lịch sử - văn hóa" là một công trình nghiên cứu khoa học nhiều tham vọng nhưng được viết không cẩn thận. "Tham vọng" là vì chỉ với 238 trang (tr.), chia thành 7 chương, sách này tiếp cận Tây Nguyên từ trước Công nguyên cho đến thời hiện đại. Về sự "không cẩn thận", trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ nhắc việc không dẫn nguồn tài liệu, trích dẫn không minh bạch và một vài nhầm lẫn hoặc "cầm nhầm" của tác giả.

Hai công trình cẩu thả về Tây Nguyên - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách "Tây Nguyên, những chặng đường lịch sử - văn hóa" của TS Nguyễn Tuấn Triết

Trước hết, trong nhiều phần của cuốn sách, TS Nguyễn Tuấn Triết đã không viết theo phong cách khoa học nghiêm ngặt mà thường diễn đạt phiếm chỉ, không kèm dẫn chứng, kiểu: "Một số tài liệu của giáo sĩ phương Tây và người Pháp trước năm 1945 đã từng gọi…" (tr.12); "những kết quả khảo sát, nghiên cứu gần đây cho biết…" (tr.20); "theo thống kê chưa đầy đủ, trong 7 tháng đầu năm 2005…" (tr.29); "cổ sử Việt Nam cũng xác định các thủ lĩnh Tây Nguyên…" (tr.93); "theo một số ghi chép từ các tài liệu thư tịch của nhà Nguyễn…" (tr.114); "có nhiều tài liệu cho thấy các hoạt động truyền đạo…" (tr.118)...

Cùng với lối viết phiếm chỉ, trong sách, rất ít lần TS Triết chú thích như thông lệ trích dẫn (tên tác giả, tác phẩm, năm xuất bản, số trang). Ông trình bày đặc điểm tự nhiên của Tây Nguyên: núi này cao, sông hồ kia rộng dài bao nhiêu, chi tiết đến từng mét (tr.13 đến tr.16). Ông mô tả, phân tích như một chuyên gia địa chất, khoáng sản, thủy văn, một nhà lâm học, sinh vật học thực thụ (tr.17 đến tr.31). Ông tường tận hầu khắp các vấn đề về khảo cổ học tiền sử, về đời sống của cư dân Tây Nguyên giai đoạn này (tr.49 đến tr.53). Ông viết về Tây Nguyên hồi đầu Công nguyên đến thế kỷ XV rành rẽ như mới từ đó bước ra (tr.62 đến tr.70). Ông bàn về thiết chế xã hội, về kinh nghiệm truyền thống, về luật tục, về tín ngưỡng dân gian, về văn học - nghệ thuật thời Công xã tựa hồ đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan (tr.61 đến tr.90)…

Tất nhiên, thời xa xưa đã rành như thế thì ở giai đoạn sau của lịch sử, người Chăm trên Tây Nguyên ra sao, vua Lê Thánh Tông ứng xử với Thủy, Hỏa Xá thế nào, thực dân Pháp xâm lược kiểu gì…, TS Triết đều thông thuộc như người trong cuộc, là điều không cần bàn cãi.

TS Triết có bác học đến mức ấy không? Tất nhiên không! Người ta đều hiểu ông sử dụng các tài liệu đã công bố. Điều đó được phép và hợp pháp, nếu dùng đúng cách. Ngược lại, nếu không trích dẫn đầy đủ, TS Triết rất dễ bị cho là đã phạm phải điều tối kỵ trong nghiên cứu khoa học.

Của người ta mà làm như… của mình!

Cuối sách, TS Triết có danh mục tài liệu tham khảo với gần 150 đầu sách báo tiếng Việt cùng 16 đầu tài liệu tiếng Anh, Nga và Pháp. Tuy thế, chúng tôi chỉ đếm được 42 lần cước chú có ghi số trang cụ thể của tài liệu tham khảo. Trong số đó, hơn 10 lần là tài liệu của chính tác giả.

Hãy xem tác giả xử lý tài liệu của người khác như thế nào:

Ông Triết viết về khảo cổ học: "Những phát hiện công cụ đá một cách ngẫu nhiên trong khi đào công sự chiến đấu của các chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (đầu năm 1970, Tây Nguyên thuộc chiến trường B3, các chiến sĩ Quân Giải phóng trong khi đào công sự chiến đấu đã tình cờ phát hiện được một số công cụ đá, như rìu, cuốc…; những hiện vật này được Bộ Tư lệnh B3 gửi ra Hà Nội, chuyển giao cho Viện Khảo cổ học)... " (tr.42).

Thực ra, trước TS Triết 12 năm, đã có người viết như vậy: "Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, các chiến sĩ Quân Giải phóng Bộ Tư lệnh Tây Nguyên còn gọi là B3, đào hầm hào bám trụ đánh giặc trên đất Gia Lai và đã phát hiện được những dấu tích của người tiền sử. Những chiếc rìu đá hay những mảnh gốm thô tìm thấy trong chiến hào ở các vùng đất khác nhau ở Tây Nguyên đã được các chiến sĩ Quân Giải phóng trân trọng bảo quản như là những di sản văn hóa quý giá nhất. Một số di vật đã được chuyển về Viện Khảo cổ học ở Hà Nội". (Vũ Ngọc Bình chủ biên, "Tiền sử Gia Lai", Sở Văn hóa, Thông tin - Thể thao Gia Lai, 1995, tr.41, 42).

TS Triết viết về cồng chiêng: "Trong nghệ thuật cồng chiêng còn quy định (…) cách đánh vê tròn (tremolo), đánh tốc độ rất chậm (adante), đánh tốc độ chậm vừa (adantinô), đánh tốc độ vừa phải (moderato), đánh tốc độ nhanh (allergo), đánh tốc độ rất nhanh (vivac)…" (tr.88). Trước TS Triết gần 15 năm, một nhạc sĩ đã viết như thế, trừ 2 chữ "adantino" và "vivace" nay bị người đi sau sửa thành "adantinô" và "vivac" (Đào Huy Quyền, "Nhạc khí dân tộc ở Gia Lai", NXB Giáo dục, 1993, tr.110).

Tác giả hướng dẫn sử dụng cồng chiêng (tr.87, 88): chiêng Trum dùng trong buổi lễ xoay cột đâm trâu, chiêng M’nhum: lễ hội có nội dung đón mừng; chiêng Arap: lễ hội bỏ mả, đâm trâu; chiêng Vang của Pơtao Apui: lễ cúng trời, cầu sức khỏe; chiêng Tơnơl: lễ hội mừng chiến thắng; chiêng Avông (đúng ra là Avơng - N.Q.T): các cuộc thi (TS Triết chép thiếu chữ "đấu" so với bản gốc) chiêng… Đây là ý kiến của các nhà nghiên cứu âm nhạc Tô Ngọc Thanh ("Fônclo Bâhnar", Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum, 1988, tr.216, 217), Đào Huy Quyền ("Nhạc khí dân tộc Jrai và Bahnar", NXB Trẻ, 1998, tr.113-138).

TS Triết nêu khái niệm luật tục cả bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và phân loại, so sánh, đánh giá luật tục Tây Nguyên sát sao (tất nhiên, không quên chua thêm "qua thực tế khảo sát"), rồi viết: "Theo quan điểm Mác - Lênin, luật tục là hình thái sơ khai của pháp luật trong xã hội chưa có sự phân chia giai cấp, chưa có nhà nước" (tr.74, 75). Thực ra, đây là thông tin từ một bài viết của luật sư Phan Đăng Thanh trong cuốn sách của nhiều tác giả "Tây Nguyên ngày nay" (NXB Văn hóa dân tộc, 2003, tr.55-59).

TS Triết đã viết thiếu, sai tên một số tác giả, tác phẩm trong công trình của mình. Ông cũng nhầm lẫn khi liệt kê một "linh mục người nước ngoài" có tên là Mission Pavie (tr.41). Thực tế, "mission" trong tiếng Pháp nghĩa là nhiệm vụ (đôi khi cũng được dịch là phái bộ, phái đoàn); còn Pavie là tên của một công chức thực dân đồng thời là thám hiểm: Auguste Jean-Marie Pavie...

Kỳ tới: Sao chép tùy tiện, sai tá lả!

Những ví dụ vừa nêu có thể giúp độc giả hiểu được phần nào nội dung một công trình nghiên cứu khoa học cũng như cách làm việc của tác giả sách này. Chúng tôi không khẳng định TS Nguyễn Tuấn Triết đạo văn nhưng rõ ràng, đây là kiểu nghiên cứu khoa học không được khuyến khích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo