xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI THẦY (*): Một đời với học sinh khuyết tật

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Sau nhiều năm công tác xa quê, thầy Nguyễn Duy Quy lại đối diện với khó khăn mới khi được phân công giảng dạy cho các trẻ em khuyết tật

Cầm quyết định phân công công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) sau 10 năm dạy toán cho một trường cấp 2 ở tỉnh Quảng Nam, thầy giáo Nguyễn Duy Quy (nay là Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai; quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) không khỏi ngậm ngùi.

Một lần nói chuyện mà thương!

Thầy Quy vẫn nhớ như in đó là ngày 17-9-1999, thầy đến trường nhận công tác nhưng phải chờ vì hiệu trưởng bận. Trong lúc ấy, thầy đã gặp và nói chuyện với các học sinh khiếm thị của trường. Biết thầy Quy sẽ dạy môn toán cho trường, các em tỏ ra rất vui vì trước đó, giáo viên môn này chủ yếu là thỉnh giảng.

HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI THẦY (*): Một đời với học sinh khuyết tật - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Duy Quy luôn đau đáu với các học sinh khuyết tật

"Các em hết sức hồn nhiên và thông minh. Nói chuyện một hồi, tôi nghĩ các em thực sự cần những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết và phải chấp nhận hy sinh. Thế là tôi không còn gì băn khoăn nữa mà vào nói với hiệu trưởng rằng tôi sẽ lên lớp vào ngày mai, trước ngày phân công trong quyết định 3 ngày" - thầy Quy trải lòng.

Kể từ đó, thầy Quy luôn tự nhủ rằng mình đã không hề lựa chọn sai khi chấp nhận quyết định phân công công tác ở một ngôi trường đào tạo học sinh khuyết tật. Mỗi tuần dù chỉ có 19 tiết nhưng có khi thầy tăng giờ dạy đến 30 tiết để học sinh dễ tiếp thu bài. Có những ngày dạy xong về nhà ăn vội bữa tối, thầy Quy lại trở lên trường để dạy các em khiếm thị nội trú.

Khó khăn lớn nhất mà thầy Quy gặp phải chính là học chữ nổi. "Đặc thù của chữ nổi viết hàng ngang, kể cả phân số trong toán học. Tôi bắt đầu đi học chữ nổi, học từ giáo viên trong trường và từ chính các em học sinh. Ngày đó chứ như bây giờ chắc nhiều người sẽ nói là tôi bị hâm" - thầy Quy cười nói. Để rồi sau 3 tháng miệt mài, thầy Quy được giải nhất trong cuộc thi viết chữ nổi tổ chức tại trường.

Gắn bó với học sinh khuyết tật, thầy Quy mới nhận ra rằng được truyền đạt kiến thức và cả kỹ năng vốn có của mình cho các em là một điều hạnh phúc. Thầy Quy thấy phấn khởi hơn với mỗi ngày lên lớp. Sau 3 năm công tác, Sở Giáo dục và Đào tạo gọi thầy lên định chuyển thầy sang trường khác. Biết không phải là trường chuyên biệt, thầy lắc đầu.

Mày mò sáng chế cho học sinh

Khi dạy các em khiếm thị môn hình học, thầy Quy nhận thấy các em phải học bằng những hình nổi và cố định một chỗ. Thầy Quy nghĩ cần chế tạo ra một bảng con có nhiễm từ ở dưới để bảo đảm hình ghép được cố định. Thầy đã lang thang khắp các kho phế liệu ở Đà Nẵng để tìm mua nam châm nhưng thất bại vì hầu hết ở đó chỉ có nam châm to.

Một lần tình cờ đi sửa loa trên đường Lê Duẩn, thầy thấy phía sau loa có nam châm nhỏ và mỏng. Đây là cái nam châm mà lâu nay thầy vẫn tìm kiếm để làm bảng từ. Mừng quá, thầy về nhà gom tiền đến các tiệm bán, sửa loa mua nam châm. Có nhiều tiệm biết mục đích đã tự nguyện gom nam châm biếu thầy làm bảng. Năm 2003, thầy Quy đã sáng chế ra bảng con nhiễm từ đầu tiên dạy hình học cho học sinh Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu. Chiếc bảng con này đã đoạt giải nhất tại cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học toàn quốc được tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa năm 2005. Sau đó, một tổ chức từ thiện đã tài trợ cho thầy Quy kinh phí làm thêm 40 bảng con nhiễm từ.

Năm 2014, trăn trở về một dụng cụ làm sao để cho học trò có thể tiện lợi khi di chuyển, thế là thầy Quy lại sáng chế ra "chiếc gậy người mù" có hệ thống đèn LED chớp nháy và còi hú giúp cảnh báo khi qua đường. Chiếc gậy sau này được nhiều trường chuyên biệt trong cả nước sử dụng.

Cuối năm 2014, thầy Quy lại được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng phân công về làm Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai. Trường này ngoài dạy các em khuyết tật còn đảm đương luôn những trẻ chậm phát triển trí tuệ và trẻ bị tự kỷ. Biết được trường đang cần người quản lý có kinh nghiệm, thầy Quy đồng ý rời Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu.

"Ở đây, lớp học nào cũng xen kẽ có những em bị chậm phát triển trí tuệ hay bị tự kỷ, tăng động. Mỗi em có mỗi điểm khác nhau, có em thì không thích nói nặng lời, có em cứ đến 15 giờ mỗi ngày là bắt đầu la hét, gào rú… Không có phương pháp nào chung cho các em ấy cả, chỉ là hiểu tính nết của mỗi đứa để có cách "chiều" - thầy Quy cười hiền. Mỗi khi có em la hét, gào rú vì không hài lòng, thầy lại bỏ việc chạy đến để ôm các em dỗ dành, thậm chí còn chuẩn bị sẵn viên kẹo...

Chia tay chúng tôi, thầy Nguyễn Duy Quy nói thêm nếu bây giờ ai có hỏi đến, thầy vẫn cho rằng đến với các em khuyết tật luôn là sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời. "Tôi sẽ dành cả phần đời còn lại ở đây, ở Trường chuyên biệt Tương Lai hay nói đúng hơn là sẽ dành cuộc đời cho các em học sinh khuyết tật" - thầy Quy nói. 

Kỳ tới: Người đỡ đầu của hơn 900 học sinh

Dám giữ học trò lại để dạy nghề

Ngành giáo dục có quy định các trường chuyên biệt chỉ dạy học sinh đến hết tiểu học. Tuy nhiên, khi nhận công tác ở Trường chuyên biệt Tương Lai, nhận thấy các học sinh chậm phát triển trí tuệ thường thiệt thòi khi phải rời trường, thầy Nguyễn Duy Quy đã quyết định táo bạo là giữ các em này ở lại đào tạo nghề.

Quyết định của thầy vấp phải phản đối của các cơ quan quản lý, thậm chí cả giáo viên trong trường. Tuy nhiên, theo thầy Quy, quyết định này không sai và nó chỉ xuất phát từ tấm lòng của thầy dành cho các em. Lứa đầu tiên các học sinh chậm phát triển trí tuệ của trường được giữ lại thêm 3 năm để đào tạo nghề và tiếp tục học các lớp 6, 7, 8. Thầy Quy đã mở các lớp làm bình hoa thủ công, làm bánh bông lan, nghề rửa xe máy, cắt tóc.

"Các em này có thể tự tin rời trường với nghề nghiệp thuần thục trong tay để có thể mưu sinh. Đó là ước ao và khao khát bấy lâu nay của tôi đã trở thành hiện thực" - thầy Quy chỉ vào bình hoa trong phòng của thầy và cho hay đây là sản phẩm đầu tiên mà chính học trò làm nên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo